Để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển cần thiết, trẻ em chỉ nên giảm tối đa 0.5 kg/tuần, đồng nghĩa với việc giảm 3500 calo.
Điều này có nghĩa, mỗi ngày, bạn cần cho trẻ ăn ít đi 500 calo, tuy nhiên, tốt hơn, bạn nên cho trẻ ăn uống bình thường và vận động, chơi thể thao để đốt cháy được 500 calo. Nhờ đó, trẻ không chỉ giảm cân an toàn mà còn tăng lượng cơ, giúp cơ thể săn chắc.
Nếu trẻ của bạn còn ít tuổi, lượng calo ăn hàng ngày không cao, bạn có thể cho trẻ giảm 0.5 kg trong hai tuần bằng cách mỗi ngày chỉ cắt đi 250 calo. Lượng calo này có thể tương ứng 1 lon nước ngọt, 1 bát cháo thịt, 1 chiếc bánh mỳ nhân…
Tuy nhiên, việc áp dụng cho trẻ chế độ ăn ít hơn bình thường là một “thử thách” không dễ với các bậc phụ huynh. Để làm được điều này, bạn cần tạo cho trẻ thói quen sinh hoạt khoa học cũng như ăn uống lành mạnh:
– Hạn chế lượng calo từ đồ uống của trẻ
Rất nhiều trẻ em “nghiền” các loại đồ uống ngọt như sô-đa, nước có ga, sinh tố… Đây chính là nguyên nhân khiến trẻ không thể giảm cân. Vì vậy, hãy hạn chế lượng đồ uống ngọt cho trẻ. Trẻ dưới 6 tuổi chỉ nên uống 120 đến 180 ml nước hoa quả nguyên chất một ngày. Trong khi đó, lượng tương ứng với những trẻ lớn hơn là 240 đến 360 ml.
– Không cho trẻ uống quá nhiều sữa
Sữa là nguồn cung cấp canxi dồi dào nhưng cũng chính là một trong những nguyên nhân lớn gây thừa cân, béo phì ở trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, do không ý thức được điều này, nhiều phụ huynh cho phép con em mình uống sữa “thả ga” vì nghĩ rằng càng uống nhiều sữa càng tốt. Thực tế, một trẻ nhỏ chỉ nên uống tối đa 480 đến 720 ml sữa một ngày.
– Không dùng đồ ăn nhanh liên tục
Các loại đồ ăn nhanh như khoai tây chiên, gà rán, bánh humburger… là món “khoái khẩu” của rất nhiều trẻ em. Đó chính là nguyên nhân khiến trẻ béo phì và mắc phải nhiều bệnh nguy hiểm khi lớn lên. Tốt nhất, là phụ huynh, bạn hãy nấu ăn tại nhà và chỉ cho trẻ sử dụng đồ ăn nhanh trong các trường hợp bất khả kháng.
– Cho trẻ sử dụng phần ăn nhỏ
Khác với nhiều nước phương Tây, khái niệm “phần ăn trẻ em” dường như khá xa lạ tại Việt Nam, kể cả tại các cửa hàng ăn lớn. Vì vậy, chúng ta thường để trẻ ăn chung với người lớn và ăn tới khi no thì thôi. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến cả phụ huynh lẫn trẻ cùng mất kiểm soát trước lượng calo trẻ ăn vào. Tốt nhất, bạn hãy “khoán” cho trẻ một phần ăn nhỏ phù hợp với mình. Tùy thuộc độ tuổi, phần ăn của trẻ có thể bằng ¼ hoặc ½ phần ăn thông thường của người lớn.
Bên cạnh đó, đừng quên “khoán” cho trẻ một phần rau quả nhất định bởi không ít trẻ em thường thích ăn thịt, cá và không “thiện cảm” với rau xanh
– Không bắt trẻ ăn “sạch đĩa”
Rất nhiều bậc phụ huynh tại Việt Nam thường “thiết quân luật” bữa ăn của con mình bằng cách bắt trẻ ăn “sạch sành sanh” những thứ có trong bát đĩa vì sợ lãng phí. Tuy nhiên, đây là thói quen hết sức sai lầm và có hại với sức khỏe trẻ em. Điều chúng ta cần dạy trẻ không phải là ăn tất cả những thứ có trên đĩa mà là biết ăn uống đủ chất và ngừng ăn khi đã cảm thấy no.
– Luôn cho trẻ ăn tại bàn ăn
Ăn trong phòng ngủ, ăn khi chơi đồ chơi, ăn khi xem TV, ăn khi chơi điện tử… Có vô vàn nơi trẻ có thể ăn trong ngôi nhà của mình mà không gặp phải bất cứ sự ngăn cản nào từ ba mẹ. Phụ huynh không biết rằng, khi vừa ăn vừa làm các hoạt động khác, trẻ không chỉ “ăn vô độ”, thiếu kiểm soát mà hệ tiêu hóa còn bị ảnh hưởng xấu. Tốt nhất, bạn hãy giúp trẻ có ý thức trong việc ăn tại bàn ăn cùng gia đình. Nhờ đó, phần ăn của trẻ luôn nằm trong tầm kiểm soát của bạn.
– Không nói với trẻ quá nhiều về ăn kiêng
Thay vì nói “ra rả” với trẻ về vấn đề thừa cân, béo phì và sự cần thiết của ăn kiêng, bạn nên chủ động cung cấp cho trẻ những chế độ ăn khoa học, có thể gồm ba bữa chính và hai bữa phụ. Việc gây áp lực có thể khiến trẻ xuất hiện những ý nghĩ tiêu cực về bản thân, thậm chí trẻ có thể nhịn ăn hoặc ăn kiêng một cách hà khắc.
Thảo Nguyên (TPO)
Bình luận (0)