Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trẻ tự kỷ: Cần thương và thưởng đúng cách

Tạp Chí Giáo Dục

Đối với trẻ có nhu cầu đặc biệt (trẻ tự kỷ), để thương và thưởng đúng cách, việc đặt mục tiêu cho trẻ phấn đấu là điều rất quan trọng, giúp bé củng cố hành vi tích cực để phát triển. Đặc biệt, cha mẹ cũng cần có sự thống nhất trong cách giáo dục trẻ, tạo môi trường an toàn giúp trẻ được “lớn lên” theo khả năng của con.

Thương và thưởng đúng cách sẽ giúp trẻ củng cố hành vi tích cực mỗi ngày

Giúp con “lớn lên” mỗi ngày

Đó là lời khuyên của bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang (Nhi khoa Phát triển hành vi – chuyên viên tâm lý lâm sàng nhi khoa Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Thương và thưởng” do CLB Sống Cùng Tự Kỷ tổ chức tại Trung tâm truyền thông – giáo dục sức khỏe TP.HCM.

Dịp này, các phụ huynh đã chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm chăm sóc trẻ theo hình thức thảo luận nhóm. Ở nhóm phụ huynh có con dưới 6 tuổi, chị Nguyễn Thị Hồng Hoa (Phan Rang) cho biết, con trai chị là bé Lâm Gia Kiệt (4,5 tuổi) rất lười tắm vào buổi sáng, nên ba mẹ đã “treo giải” bằng cách cho chơi điện thoại trong 5 phút sau khi tắm xong, rồi bé mới vui vẻ đi học. Hai thứ Kiệt thích nhất là chơi điện thoại và mua xe hơi đồ chơi. Lần nọ trời đã rất khuya, cha em buộc lòng phải chở con đến siêu thị mua xe theo yêu cầu của con “vì không chở đi thì nó nằm vạ không chịu đi ngủ”. Từ hôm đó, ba mẹ thỏa thuận “nếu con ngoan thì được đi siêu thị mua xe vào ngày cuối tuần”. Đang theo học Trường Mầm non 19-5, bé Thiên Phát 4 tuổi (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cũng gặp nhiều khó khăn khi đến lớp do chậm nói, mất tập trung. Chị Huỳnh Thị Dự (mẹ của Phát) cho biết, vợ chồng chị đã lặn lội đưa con vào thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Nhờ đó, họ đã biết cách hỗ trợ con trong các sinh hoạt hàng ngày, cùng chơi với con, dạy con các màu sắc, xếp hình logo… Lúc con ngoan ngoãn, bé thường được cha mẹ thưởng cho con kẹo bánh, hoặc đồ chơi. Ngược lại, bé sẽ bị phạt con úp mặt vào tường, hoặc “cho ăn roi” khi quá bướng.

Nếu phụ huynh ở nhóm trẻ dưới 6 tuổi, việc khen thưởng cho con được thực hiện thường xuyên theo bản năng, miễn sao cho con vui là được, thì ở nhóm phụ huynh có con trên 6 tuổi đã có bước tiến hơn nhờ có nhiều kinh nghiệm chăm sóc từ các chuyên gia và câu lạc bộ hỗ trợ. Cụ thể như trường hợp chị Trần Thị Ái (quận Tân Phú), chị luôn đặt mục tiêu thưởng phiếu bé ngoan mỗi khi con biết vâng lời hoặc hoàn thành công việc tốt. Cứ 10 phiếu bé ngoan dán trên tường, bé được cha mẹ thưởng cho 1 món đồ chơi yêu thích. Ngược lại, nếu con không ngoan, sẽ bị thu lại mất một phiếu. Nhờ đó, giúp con dần hình thành nề nếp những thói quen tốt trong sinh hoạt cũng như học tập. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số phụ huynh cho biết họ vẫn còn gặp một số khó khăn như phải “dùng roi vì trẻ bướng, nổi cáu”, thiếu sự thống nhất giữa cha mẹ trong cách chăm sóc trẻ, chưa quen dùng hình ảnh để chuyển tải cho con hiểu điều cần nói…

Đặt mục tiêu giúp trẻ củng cố hành vi tích cực

Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang cho biết, theo nghiên cứu của Hội Nhi khoa Hoa Kỳ, để “Thương và thưởng” phù hợp, cha mẹ cần hiểu được tiềm năng cũng như sở thích của con để khơi gợi và giúp trẻ bằng chương trình cá nhân phù hợp, khích lệ hỗ trợ con theo khả năng hơn là làm thay cho con. Để thực hiện tốt những điều này, cha mẹ cần liên minh và thống nhất với nhau trong việc giáo dục con thông qua các sinh hoạt hằng ngày, trong cách ứng xử ở nhà sao cho gần giống khi bé ở trường, trong ngày cuối tuần cũng như khi bé đi học. Để tạo thói quen tự lập cho con, ngày thường bé tự ăn uống ở trường, thì vào ngày cuối tuần nghỉ học cũng nên để bé tự túc trong ăn uống, tránh việc đút ăn cho bé; ngày thường bé tự đi đứng, thì ngày cuối tuần cũng không nên ẵm bồng… Việc làm này sẽ tránh được tâm lý “ở nhà thích hơn ở trường” làm cho việc đến lớp của trẻ trở nên nhẹ nhàng.

Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang khẳng định: “Chăm sóc trẻ có nhu cầu đặc biệt là một hành trình có nhiều thử thách. Tuy nhiên, khi có con gặp khó khăn, thì không có nghĩa là chúng ta yêu thương nhiều hơn là đủ, mà phụ huynh phải được trang bị kiến thức, kỹ năng thực hành để chăm sóc và giáo dục theo bước con từng ngày. Do đó rất cần có sự thống nhất giữa cha và mẹ. Trong trường hợp phụ huynh không thể tìm được tiếng nói chung trong việc hỗ trợ con mình, thì họ cần được nhà chuyên môn tâm lý hỗ trợ trị liệu giúp cả hai cùng chung chí hướng trong việc chăm sóc và giáo dục con mình, nhằm giúp con phát triển và lớn lên theo khả năng của trẻ một cách tốt nhất có thể. 

Thực tế trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói của người khác, nên phụ huynh cũng như giáo viên cần sử dụng hình ảnh minh họa cho các bé hiểu những điều muốn chuyển tải, giúp trẻ tránh những hành vi không phù hợp. Ví dụ như dạy trẻ cư xử tốt với bạn bằng hình ảnh có nội dung “không đá bạn” mà hãy “dùng lời nhã nhặn với bạn”, “không ném đồ chơi” mà nên “đưa cho bạn”, “không cấu véo” mà nên “chạm vào bạn một cách lịch sự”… Với trẻ có nhu cầu đặc biệt, nếu sử dụng hình ảnh càng nhiều chừng nào, thì sẽ càng giảm đi các hành vi không phù hợp chừng đó.

Điều đặc biệt quan trọng nữa là phụ huynh nên thưởng và phạt phù hợp theo tuổi, tuổi thật và tuổi phát triển của trẻ. Qua đó nhằm củng cố hành vi tích cực và nề nếp cho trẻ thông qua quá trình học hỏi được lặp đi lặp lại nhiều lần. Thực hiện điều này, phụ huynh nên sử dụng ngôi sao, hình dán (tương tự như phiếu bé ngoan) làm phiếu thưởng cho con bằng cách dán lên bảng, để bé ghi nhớ làm nhiều việc tốt. Mỗi lần làm tốt việc gì cha mẹ hãy thưởng cho bé một ngôi sao, 10 ngôi sao thì đổi được một món quà con thích như xe ô tô, búp bê… Thưởng phạt là để giúp con lớn lên, giúp con hiểu và cảm nhận đâu là việc làm đúng, tránh điều không tốt và hướng theo những điều tích cực.

Bài, ảnh: Bích Vân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)