Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trẻ tự kỷ có thể đến trường?

Tạp Chí Giáo Dục

Đủ tuổi thì đến trường, đi học – chuyện tưởng như đương nhiên với mọi đứa trẻ nhưng lại không đơn giản đối với những trẻ tự kỷ (TTK). Có nên cho con đi học? Có ngôi trường nào chấp nhận cho con vào học?…

Giáo viên đang dạy phân biệt màu sắc cho học sinh tự kỷ tại phòng can thiệp sớm dành cho trẻ tự kỷ tại Trường Mầm non Phước An (Vũng Tàu)  Ảnh: LƯU TRANG

Đó là những câu hỏi không dễ tìm lời giải đáp, những tâm trạng lo âu của những ông bố, bà mẹ có con đến tuổi bắt đầu đi học, các phụ huynh có con mắc hội chứng tự kỷ.
Nên hay không nên đi học hòa nhập?
Chị Nguyễn Việt Băng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) băn khoăn “Trường là một môi trường xa lạ đối với TTK vốn quen sống trong môi trường gia đình, cần sự quan tâm, kèm cặp đặc biệt vì TTK có những thói quen sinh hoạt riêng. Đến trường TTK thường gặp khó khăn do lớp học đông, giáo viên phải quán xuyến cả lớp, không thể tập trung giúp đỡ mình trẻ được. Bị thay đổi môi trường, trẻ không tự hòa nhập được, bị bạn bè trêu chọc hoặc xa lánh, trẻ cô lập dẫn đến không tự tin, có thể càng khép kín hơn”.
Những lo lắng của chị Băng cũng là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh TTK, khiến bố mẹ các bé ngần ngại không muốn cho con đi học hòa nhập ở các trường lớp bình thường. Nhưng quan điểm này đang dần được thay đổi bởi kinh nghiệm của những bậc phụ huynh đã cho con hòa nhập thành công với trường lớp.
Anh Lâm Tường Vũ, chủ tịch CLB Gia đình TTK Hà Nội, có con gái 9 tuổi, học lớp 2. So với các học sinh khác, con anh học trễ một năm. “Nhưng đó đã là cả một nỗ lực" – anh Vũ cho biết. Hiện con anh không còn chạy ra chạy vào trong giờ học, biết nghe lời cô giáo, có thể ngồi nghiêm chỉnh nghe giảng được khoảng 90 phút, giảm được 90% những hành vi “kỳ quặc” và có những tiến bộ đáng kể về tinh thần tuy không được như trẻ bình thường. Kinh nghiệm của anh Vũ là năm đầu tiên đi học, chưa cho cháu đến trường tiểu học ngay mà trải qua một năm ở một lớp “tiền tiểu học” để cháu vừa học vừa chơi, làm quen với việc học, sau đó mới bắt đầu vào lớp 1.
Ông Rick Frost, cố vấn về giáo dục hòa nhập thuộc Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ khuyết tật (Bộ GD-ĐT), lý giải vì sao TTK cần được giáo dục hòa nhập: trường học là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của trẻ em nói chung và TTK nói riêng. Giáo dục hòa nhập tạo môi trường giao tiếp tốt cho trẻ, tạo ra những “mẫu” giao tiếp để TTK học hỏi, bắt chước.
Nếu chỉ sống trong môi trường giáo dục của gia đình hay giáo dục tách biệt, trẻ sẽ gặp khó khăn hơn khi giao tiếp xã hội. Vốn bị hạn chế về khả năng ngôn ngữ và giao tiếp, được tiếp xúc thường xuyên với các trẻ  khác, TTK sẽ học hỏi được những thói quen giao tiếp thông thường và phát triển kỹ năng ngôn ngữ. TTK sẽ vấp phải những thách thức nhưng đó cũng là động lực để trẻ phấn đấu.
Ông cũng lưu ý các bậc phụ huynh, khi TTK có thể đi học ở trường, lớp bình thường, cũng không nên quá kỳ vọng TTK sẽ theo được chương trình, tiếp thu kiến thức như tất cả các học sinh khác. Mặt khác, chương trình giáo dục phổ thông cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn với trẻ.
Một phụ huynh khác là chị Nguyễn Thanh Loan (quận Ba Đình, Hà Nội) có con gái là TTK sinh năm 2002 cũng cho cháu bắt đầu đi học lớp dự bị tiểu học, giống như phương pháp anh Vũ đã áp dụng cho con. Chị Loan nhìn nhận “TTK có thể đi học. Nếu cha mẹ của các TTK cho rằng con mình không thể đi học được và không cho con đi học là một thiệt thòi cho trẻ". Theo chị Loan, “cần khuyến khích trẻ hòa nhập, tham gia hoạt động tập thể, giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa. Cũng phải thừa nhận là để trẻ có thể học tập, vui chơi, giao tiếp bình thường như các trẻ khác thì không thể nhưng cần khuyến khích trẻ trở nên bình thường, từng bước một…”.
TS Lê Văn Tạc, giám đốc trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đặc biệt (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) khẳng định đối với TTK, giáo dục tách biệt không tốt như giáo dục hòa nhập. Tuy không thể quá kỳ vọng vào sự tiến bộ của trẻ khi đi học hòa nhập nhưng cả thực tế và khoa học đều đã chứng minh môi trường giáo dục hòa nhập tốt hơn là tách riêng TTK.
Đừng che giấu sự thật
Đó là lời khuyên của bà Đặng Thị Phúc – hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) – đối với các bậc phụ huynh có con là TTK. Theo bà Phúc, các bậc phụ huynh có TTK cần nói thật với nhà trường, dù mới đi học hay chuyển từ trường khác đến. Nếu nói thật, nhà trường sẽ có biện pháp phù hợp để hỗ trợ trẻ như chọn giáo viên có kinh nghiệm, bố trí chỗ ngồi phù hợp, phương pháp giáo dục, giao tiếp… Bà cho hay đã có những trường hợp TTK chuyển từ trường khác đến nhưng bố mẹ không nói thật với nhà trường về tình trạng của trẻ, thậm chí học bạ còn toàn điểm “đẹp”, dẫn đến khi tiếp nhận nhà trường và giáo viên không biết để có sự quan tâm phù hợp.
Cô Kim Dung, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực (Hà Nội), người có nhiều năm kinh nghiệm dạy TTK học hòa nhập trong lớp cũng đồng tình với ý kiến của bà Phúc. Cô Dung cho biết nếu cha mẹ nói ngay từ đầu với nhà trường, với giáo viên về tình trạng của trẻ, con sẽ có lợi hơn nhiều. Phụ huynh có con tự kỷ đừng ngại, phải chia sẻ hết sức với giáo viên để có thông tin đầy đủ và phương pháp giáo dục phù hơp cho trẻ, cần thường xuyên liên lạc, phối hợp với nhà trường và cũng phải gần gũi, cởi mở với các học sinh, phụ huynh trong lớp.
Khi nhiều bậc cha mẹ TTK đã nhận thức được lợi ích và mong muốn cho con được đến trường học hòa nhập thì đường đến trường của TTK cũng vấp phải không ít trở ngại. Những nỗ lực của cha mẹ TTK còn gặp nhiều khó khăn, do hạn chế về sự nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về TTK.
Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có quy định về giáo dục hòa nhập nhưng hầu hết các trường mầm non, tiểu học chưa có giáo viên giáo dục hòa nhập hoặc được tập huấn về vấn đề này. Vì vậy TTK đến trường chưa nhận được sự hỗ trợ phù hợp từ giáo viên giúp trẻ tiến bộ. Không ít trường còn từ chối nhận TTK, nhất là các trường tư thục.
Theo nhiều phụ huynh của TTK, hiểu biết về hội chứng tự kỷ trong cộng đồng còn hạn chế nên nhiều phụ huynh không ủng hộ sự có mặt của TTK trong trường lớp của con em mình. Một số phụ huynh TTK cho biết họ gặp khó khăn khi xin học cho con vì nhà trường, giáo viên và các phụ huynh khác ngần ngại, cho rằng sự có mặt của TTK trong lớp học có thể làm ảnh hưởng đến các học sinh khác.
THANH HÀ (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)