Chứng kiến quá nhiều khó khăn mà người bạn bị tự kỷ tăng động gặp phải trong các giờ học, nhất là giờ học toán, từ đó Phan Lê Ánh Dương (lớp 7AT6 Trường THCS Nguyễn An Khương, huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã sáng chế ra bộ “Dụng cụ học toán cho trẻ tự kỷ” với mong muốn giúp bạn và trẻ tự kỷ dễ dàng hơn trong việc học tập.
Ánh Dương bên bộ dụng cụ học toán cho trẻ tự kỷ tại cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi TP.HCM lần thứ 13 |
Bên cạnh đó, nhằm giúp việc học toán trở nên đơn giản, hạn chế việc học sinh phải “chạy sô” học thêm quá nhiều, Ánh Dương còn xây dựng hệ thống app “Học toán hiệu quả” trên điện thoại di động. Ánh Dương cho biết bản thân đang viết app để xây dựng thành một ứng dụng hoàn thiện, mở ra phương pháp học toán đơn giản, hiệu quả, không còn học vẹt, học tủ.
Bộ “Dụng cụ học toán cho trẻ tự kỷ” và app “Học toán hiệu quả” là hai trong số những sản phẩm được đánh giá cao tại cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi TP.HCM lần thứ 13 năm 2018.
Không muốn bạn phải mệt nhiều
Ánh Dương kể rằng suốt những năm học tiểu học cho đến năm lớp 6, học chung lớp với em là một cô bạn mắc chứng tự kỷ tăng động. Mọi giờ học đối với bạn đều rất khó khăn. Nhưng rào cản lớn nhất phải kể đến là giờ học toán bạn thường xuyên không hiểu bài, không theo kịp những phép tính. “Mỗi lần không hiểu bài, bạn thường làm ầm lên, quay bên này bên kia liên tục khiến giờ học trở nên ồn ào. Cô giáo đôi lần mất kiên nhẫn mà quát lên là sẽ khiến bạn sợ. Nhưng càng sợ bạn lại càng làm ồn. Mỗi giờ học như thế trôi qua thường rất nặng nề”, Ánh Dương nhớ lại.
Thậm chí, Ánh Dương kể có lần vì cô giáo mắng mà bạn sợ quá đến mức bỏ nhà đi khiến gia đình và bè bạn phải đổ xô đi tìm nguyên một ngày, đến tận tối mịt mới thấy bạn đang ngồi thu lu ở một góc khuất ven đường.
Không muốn bạn phải mệt nhiều, Ánh Dương thường tự hỏi, có cách nào giúp bạn dễ dàng hơn trong việc học toán không? Mất một thời gian dài suy nghĩ, tìm tòi trong sách vở về cách tiếp cận với người tự kỷ, ý tưởng làm một bộ “Dụng cụ học toán” dành cho người tự kỷ đã ra đời. “Người tự kỷ họ thường dễ dàng ghi nhớ và tiếp thu những hình ảnh động, có màu sắc sặc sỡ. Vì vậy, bộ dụng cụ này sẽ bao gồm những hình ảnh đẹp, có nhiều màu sắc để kích thích sự thích thú, chú ý của họ”, Ánh Dương cho hay.
Bộ dụng cụ thực chất là những tấm xốp nhiều màu sắc, được cắt thành nhiều hình thù đa dạng khác nhau, cho phép giải những bài toán cộng, trừ, nhân, chia đơn giản, hàng chục ngàn trở xuống. Đặc biệt, theo Ánh Dương, bộ dụng cụ học toán này rất linh động, có thể sử dụng ngay cả trong môi trường hòa nhập và môi trường chuyên biệt. “Trong môi trường chuyên biệt còn giúp trẻ tự kỷ giải phóng năng lượng thừa, tạo ra những giờ học đầy thú vị và sinh động khi những hình ảnh của bộ dụng cụ còn có thể được người giáo viên “biến” thành những trò chơi. Còn trong môi trường hòa nhập sẽ khiến trẻ tự kỷ tập trung hơn”, Ánh Dương nhấn mạnh. Em cho biết thêm: “Người đầu tiên được xem bộ dụng cụ này là bạn học bị tự kỷ của em. Khi bạn chơi, bạn thích đến mức xin luôn và thường xuyên học toán với bộ dụng cụ đó. Em hy vọng bộ dụng cụ học toán này sẽ giúp được nhiều hơn nữa các bạn tự kỷ tiếp cận dễ dàng với môn toán và là bàn đạp để các bạn sớm hòa nhập cộng đồng”.
App về nghệ thuật học toán hiệu quả
Ý tưởng xây dựng app học toán hiệu quả lại xuất phát từ câu chuyện của một phụ huynh là hàng xóm nhà Ánh Dương. Theo đó, cô thường xuyên sang nhà em than phiền bản thân không đủ trình độ để hướng dẫn con học, chỉ cho con những bài toán lớp 7 nên đành cho đi học thêm để “nhờ cô giáo chỉ giùm”.
“Tại sao không có một ứng dụng học toán trên điện thoại thông minh, ở đó đưa ra những cách giải cho các dạng toán, chỉ cần phụ huynh tải app về máy, bất cứ một bài toán nào cũng có thể tìm ra cách giải”, từ thắc mắc đó, Ánh Dương mày mò tìm ra lời giải bằng cách tự mình viết nội dung cho ứng dụng “nghệ thuật học toán hiệu quả”.
Biết rõ những sáng chế của Ánh Dương, cô Nguyễn Thị Thi (giáo viên Trường Tiểu học Hồ Văn Huê, Q.Bình Thạnh) nói: “Tôi đánh giá cao những sáng tạo của Ánh Dương khi không chỉ giải quyết những vấn đề trong việc học mà còn mang vào trong đó các giá trị nhân văn, hướng tới những người yếu thế trong xã hội”. |
Theo Ánh Dương, app không phải đưa ra lời giải cho các bài tập toán trong SGK mà đây là một app thông tin, sẽ cung cấp những kiến thức bài học một cách đơn giản, dễ hiểu nhất về công thức, định lý, đồng thời chú trọng việc đưa ra những mẹo tính nhanh và cách nhận biết các đề toán. App có 3 phần dành riêng cho bậc tiểu học, THCS và THPT. Đứng trước những bài toán khó, phụ huynh và học sinh chỉ cần tìm trên ứng dụng xem dạng toán đó thuộc chương nào, ứng dụng sẽ tự nhận diện đề và gợi ý hướng giải quyết cho người học. Từ những hướng giải quyết đó, dù phụ huynh không “giỏi toán” vẫn có thể chỉ bảo con em mình học toán. “Đối với các bạn học sinh, việc sử dụng app trong học toán sẽ giúp hạn chế được tình trạng học vẹt, học tủ, “chạy sô” học thêm. Việc học toán cũng đơn giản hơn với những mẹo học rất thú vị như mẹo học thuộc bảng cửu chương, mẹo nhân nhanh với số 99, số 11. Khi học toán có nghệ thuật, bản thân người học sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, không bị áp lực, từ đó có nhiều thời gian hơn cho các môn học khác”, Ánh Dương cho hay.
Tham vọng của Ánh Dương là có thể sớm hoàn thiện ứng dụng đưa vào thực tế và sẽ được đông đảo phụ huynh, học sinh đón nhận. “Với mỗi một lượt tải về là 1 USD. Số tiền này sẽ được dùng để xây dựng trường học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa”, Ánh Dương chia sẻ.
Cô Lê Thị Huệ (Chủ nhiệm mái ấm Thành Đạt ở huyện Hóc Môn, dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ tự kỷ – mẹ của Ánh Dương) cho biết Ánh Dương không phải là học sinh xuất sắc trong môn toán. Chính từ nỗi “chật vật” phải đánh vật với môn toán nên Ánh Dương mới kỳ công xây dựng ứng dụng “Nghệ thuật học toán hiệu quả” để giúp bản thân, bạn bè dễ thở hơn với môn học.
Yến Hoa
Bình luận (0)