Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trẻ tự kỷ: Phát hiện sớm, can thiệp hiệu quả hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học của trẻ TK
Hội chứng tự kỷ (TK) có dấu hiệu xuất hiện từ khi trẻ mới khoảng 8-10 tháng tuổi. Nhưng phần lớn bước vào tuổi đi học, phụ huynh, giáo viên (GV) mới chú ý, phát hiện thông qua hành vi ngôn ngữ, cử chỉ, giao tiếp xã hội… nên việc can thiệp giúp trẻ hòa nhập sẽ khó khăn hơn khi được phát hiện sớm.
Đó là một trong những vấn đề được nêu ra tại buổi tập huấn giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, chuyên đề trẻ TK cấp tiểu học do Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) tổ chức mới đây.
Phụ huynh mới chỉ quan tâm khi trẻ đi học
Theo các nhà chuyên môn, TK là một rối loạn phát triển thần kinh, xuất hiện từ khi trẻ còn trong bụng mẹ hoặc xuất hiện từ trước 3 tuổi. Khiến trẻ giao tiếp và tương tác xã hội gặp khó khăn, hoặc có hành vi lặp lại. Đối với một đứa trẻ phát triển bình thường thì trong độ tuổi 10-14 tháng đã biết đi, 2 tuổi biết leo trèo, lắp ghép các hình học, biết tự mặc quần áo, 3 tuổi tự đút ăn, 4 tuổi biết sao chép, 6 tuổi biết viết chữ in, lúc 7 tuổi biết chơi các trò chơi có luật. Về ngôn ngữ, trẻ biết nói từ đơn lúc 1 tuổi, 2 tuổi nói từ đôi, 3 tuổi nói rõ ràng liên quan đến câu đơn giản, quan tâm đến sách truyện, có thể đối thoại và biết đọc vào khoảng 5-6 tuổi. Về mặt xã hội biết mặc quần áo lúc 2 tuổi. Nhưng đối với một đứa trẻ TK thì những hành vi ngôn ngữ, hoạt động giao tiếp xã hội sẽ thấp hơn.
BS. Phạm Ngọc Thanh (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết: “Giai đoạn từ 0-3 tuổi, trẻ TK chỉ di chuyển bằng mông, chậm đi, không hoặc sợ leo trèo; 3-5 tuổi trẻ chậm hoặc chạy một cách khó khăn, hay bị ngã, từ 5-8 tuổi trẻ không nhảy dây, không thể ném, bắt hoặc đá bóng, không thể đạp xe đạp, bước đi loạng choạng, chậm cầm nắm bằng hai ngón tay, không xếp được chồng khối, không biết màu sắc, viết yếu… Riêng về kỹ năng diễn đạt ngôn ngữ thì trẻ nói thiếu từ đơn khi đã 18 tháng tuổi, không quan tâm đến sách. Lên 2 tuổi rưỡi, không sử dụng được câu đơn giản, 3 tuổi rưỡi hay sử dụng cử chỉ, điệu bộ hơn là sử dụng từ ngữ, không quan tâm đến những câu chuyện xung quanh. Về kỹ năng xã hội và hành vi, trẻ ít ngủ hoặc giấc ngủ không ổn định, hay cáu kỉnh, giận dữ quá mức, không có khả năng chơi với bạn bè và tự mặc quần áo, miễn cưỡng hoặc từ chối đến trường…”.
Cũng theo BS. Thanh, nếu trẻ được phát hiện dấu hiệu trước 3 tuổi thì việc can thiệp, giáo dục sẽ đạt hiệu quả cao vì lúc này cấu trúc não dễ điều chỉnh, uốn nắn. Nhưng hiện nay phần lớn trẻ TK chỉ được phát hiện ở độ 5, 6 tuổi, tập trung nhiều vào bậc tiểu học, lúc này khó có thể hy vọng việc thay đổi cấu trúc não và chỉ có thể hy vọng thay đổi một số hành vi. BS. Thanh cho hay, thông thường cha mẹ khi thấy con cái lúc còn nhỏ bị chậm nói, hoặc có những biểu hiện khác thường lại nghĩ rằng là điều có thể xảy ra ở một đứa trẻ, và sẽ hoàn thiện khi trẻ lớn lên nên không quan tâm đưa con đi khám. Chỉ khi đến môi trường học đường, thông qua những dấu hiệu cụ thể mới bắt đầu quan tâm, tìm hiểu, nhờ đến BS. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong việc chẩn đoán, can thiệp. Bên cạnh đó vì không có xét nghiệm cận lâm sàng giúp chẩn đoán, chỉ thông qua quan sát và phỏng vấn cha mẹ, các lượng giá tâm lý giáo dục khiến việc chẩn đoán, can thiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Các bước giúp GV dạy tốt trẻ TK
Từ lúc mới sinh đến chậm nhất là 36 tháng tuổi, tất cả trẻ em nên được theo dõi các mốc phát triển. Viện Hàn lâm nhi Hoa Kỳ khuyến cáo, tất cả trẻ từ 18 đến 24 tháng nên đến các bệnh viện kiểm tra về TK. Việc can thiệp sớm có thể giúp trẻ cải thiện rõ rệt hội chứng.
Một trong những khó khăn trong việc giáo dục trẻ TK hiện nay ở trường học đó là thiếu đội ngũ GV có chuyên môn chuyên sâu; GV bình thường được đào tạo, bồi dưỡng chỉ ở mức cơ bản. Vì thế phần lớn  GV dạy tốt học sinh TK chỉ dựa trên kinh nghiệm lâu năm là chính. Một số GV trẻ chưa có kinh nghiệm thì không dễ dàng xử lí các tình huống của trẻ TK gây ra trong lớp, cũng như không biết cách giúp các em tương tác tốt với xã hội một cách hiệu quả.
Theo BS. Thanh, một GV nhận trách nhiệm giáo dục trẻ TK phải kiên nhẫn, ân cần, chuyên nghiệp. Đặc tính của trẻ TK là khó thay đổi, dễ bị xao nhãng bởi âm thanh, nhạy cảm với xúc giác nhưng đó không phải là bệnh vì thế GV phải hiểu không nên cố gắng chữa lành mà nên hiểu để giúp các em hòa nhập tốt hơn. Để làm được điều này, trước hết GV cần tự giáo dục, nâng cao kiến thức về hội chứng TK mà tìm hiểu những điểm mạnh – yếu của trẻ TK để tôn trọng lẫn nhau. Cần xây dựng niềm tin với phụ huynh, họp mặt với phụ huynh hàng tháng. Phối hợp với các chuyên viên tâm lý, âm ngữ, hoạt động xã hội thần kinh để xây dựng chương trình giáo dục, mục tiêu văn hóa, hành vi.
Trong lớp, cần tạo ra sự thích nghi tốt cho trẻ bằng việc cho trẻ ngồi ở ghế cố định, chỗ ít người qua lại, tránh ngồi gần cửa, tránh sờ vào trẻ lúc đầu. Dạy trẻ chịu đựng sự sờ – chạm. Dạy học sinh bình thường không được trêu chọc, bắt nạt cũng như dạy các em hiểu về TK không phải là bệnh, không lây nhiễm, không gây tử vong để tạo sự thân thiện, quan tâm đến các bạn TK. Xử lý thách thức hành vi như cơn cáu kỉnh, chạy lăng xăng trong lớp, phát âm lớn, hành vi gây xao lãng. Ví dụ mỗi lần có tiếng trống là trẻ TK phát âm lớn tiếng thì 2 phút trước khi đánh trống, chuông rung cần vỗ nhẹ trên vai trẻ để đón nhận âm thanh.
Đối với trẻ, mọi kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội phát triển từ mầm non, lên đến tiểu học thông qua môn tập đọc, đạo đức phát triển hơn nữa về các kỹ năng này. Và điểm nổi bật của trẻ TK là thường giỏi nghệ thuật, giỏi toán vì thế cần quan tâm, khơi gợi, giao tiếp nhiều hơn đến các em trong những cơ hội này để các em phát huy.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ TK
Nguyên nhân khiến trẻ TK là do yếu tố gen di truyền, môi trường xã hội như nhiễm siêu vi, biến chứng trong thai kỳ, độc chất, không có sự liên hệ giữa vaccine và TK, căng thẳng hoặc chấn thương có thể tương tác với tính dễ tổn thương di truyền. Theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm nhi Hoa Kỳ, khoảng 10-15% trẻ TK có yếu tố di truyền thần kinh, 39% rối loạn co giật hay còn gọi là động kinh. Một số trẻ mắc các vấn đề về tiêu hóa, như viêm dạ dày, viêm đại tràng, táo bón mãn tính, viêm thực quản. Thông thường trẻ trai TK cao hơn trẻ gái từ 3-4 lần, các gia đình có con TK thì nguy cơ đứa thứ 2 bị TK lên đến 5-10%. 
 
 

Bình luận (0)