17 giờ 30, căn phòng nhỏ của Trường Tiểu học Thanh Long (323 Huỳnh Thúc Kháng, Phường Phú Hòa, TP Huế) vẫn đỏ điện. Ánh sáng nhỏ nhoi nhưng ấm cúng và tiếng đọc bài, cười nói của cô trò lớp học xóa mù như xua đi cái lạnh tê tái.
Chiều nào lớp học cũng rộn lên tiếng cười nói của trẻ vạn đò. Ảnh: Đ.H
|
Lớp học con nhà nghèo
25 khuôn mặt lem luốc, lúc nào cũng chăm chú học bài. Tập trung vào một lớp nhưng có nhiều lứa tuổi khác nhau, lại nhập lớp cũng không đồng đều nên mỗi em học một chương trình.
“Hầu hết các em là trẻ em nghèo vạn đò, không đủ điều kiện đi học. Ngày các em đi làm giúp ba mẹ. Em thì ve nghệ, em thì bán hành, bán ốc, rửa chén bát thuê. Chiều các em hớn hở tới lớp học chữ” – Chị Hồ Thị Diệu Hiền, chủ nhiệm lớp học (thành viên Đội công tác xã hội thành phố Huế) tâm sự.
Đôi tay còn vàng màu nghệ, bé Tâm Anh khoe: Hôm ni em ve nghệ xong sớm nên đến lớp trước nhất và làm xong bài tập rồi”. Tâm Anh năm nay lên 8 tuổi, nhưng lỡ hẹn đến trường vì nhà nghèo. Đôi tay nhỏ bé khéo léo giúp mẹ ve nghệ mỗi ngày để cứ chiều lại được đến lớp.
Hồ Thị Ngân (14 tuổi) cũng có hoàn cảnh tương tự. Bố mẹ Ngân làm nghề chài lưới, nhà đông anh chị em nên không có điều kiện đến trường. Ngày, Ngân đi rửa chén bát cho một quán cơm dưới Đập đá.
Ngân cười: “Đi làm mệt nhưng nghĩ chiều được đến lớp học cùng các bạn em lại vui, quên hết mệt nhọc”. Trên chiếc xe đạp cà tàng, mỗi chiều Ngân lại hối hả đạp từ Đập đá về lớp học mang theo cái ước vọng Mai này em sẽ làm cô giáo.
Ba mất khi Lê Văn Hiên còn phải bồng trên tay mẹ. Lớn lên trong cái khó cái khổ, Hiên hiểu nỗi lòng người mẹ nghèo thương con nhưng đành bất lực nhìn con không được đến trường. Hiên đành nhờ mẹ dẫn đến học ở lớp này. “Hiên rất thông minh, làm toán rất nhanh” – cô giáo Diệu Hiền khoe về cậu học trò của mình.
Giản dị
Nói về học trò của mình, chị Hiền rạng rỡ: “Các em đều lớn lên trong những gia đình nghèo nhưng rất ham học và thương ba mẹ”.
Chị Hiền kể: Lớp học diễn ra từ 5 giờ 30 đến 7 giờ nhưng không hôm nào mình về được trước 8 giờ. Thấy một hai bạn ở lại hỏi bài là cả lớp lại xúm lại và xin cô cho ngồi thêm chút nữa.
Có hôm mình bận việc nên tới trễ 30 phút nhưng không có ai để nhắn cho các em, vậy là mấy đứa cứ ngồi vậy chờ. Hay có đợt mình bận việc xuống Hương Thủy một tháng và nhờ mấy bạn tình nguyện viên tới dạy nhưng không thấy cô giáo mấy đứa lại kéo về nhà tìm. Giờ thì có muốn dứt ra cũng không thể với lũ quỷ này rồi” – chị Hiền cười.
Chỉ sang cậu bé ngồi giữa lớp, chị Hiền tâm sự: Đó là em Nguyễn Văn Lai. Thường ngày đi bán vé số quanh chợ Đông Ba, hay chơi với nhóm trẻ hư hỏng. Bữa trước mới đến ương ngạnh lắm. Nhưng bữa ni lại rất ngoan và học nhất nhì lớp đó” – chị Hiền âu yếm nhìn cậu học trò.
Hiện lớp học có các bạn tình nguyện viên là sinh viên ĐH Sư phạm Huế tới giúp kèm các em học. Cuối tuần lớp lại tổ chức các buổi học ngoại khoá như học đạo đức ứng xử hay tổ chức các trò chơi để tổng hợp kiến thức và tạo cho các em sân chơi bổ ích và kéo các em xích lại gần nhau, thân thiện và hoà đồng hơn.
Hoài Văn – Đức Hùng/TPO
Bình luận (0)