Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trẻ vi phạm pháp luật: Tự lựa chọn con đường đi cho mình

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây, tại Đà Nẵng đã tổ chức cho gần 300 em trong độ tuổi 12-17 đã từng một đến vài lần vi phạm pháp luật chưa đến mức phải xử lý hình sự hay tập trung giáo dưỡng tham quan Trường Giáo dưỡng số 3 (thuộc Bộ Công an), Trại tạm giam Hòa Sơn (Công an TP. Đà Nẵng) và vui chơi, ngoạn cảnh trên Khu du lịch Bà Nà. Đây là chuyến đi có nhiều ý nghĩa với các em thanh thiến niên đã lọt vào sổ đen của các cơ quan chức năng.
Nói như em N.T, ở quận Thanh Khê (Đà Nẵng) là một chuyến đi mang nhiều cảm xúc vừa sợ vừa vui. Sợ phải vào trường, vào trại; còn vui được tự do vui đùa, ngắm phong cảnh núi non tươi đẹp… Chưa hết, sau chuyến đi “dã ngoại tập trung” những em này cũng đã được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh gặp gỡ, nói chuyện thân tình nhằm giáo dục, cảm hóa các em tránh xa con đường đen, tìm đến con đường sáng để tự tin đi đến tương lai xán lạn trong niềm vui của gia đình, người thân và bạn bè.
Tại Đà Nẵng, trong những năm qua, tình hình thanh thiếu niên phạm pháp gia tăng đáng báo động. Theo Công an TP. Đà Nẵng, từ năm 2009 đến nay đã có trên 500 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật với khoảng 900 đối tượng tham gia. Cũng theo Công an TP. Đà Nẵng, tình trạng học sinh, sinh viên (HSSV) phạm pháp đang có chiều hướng gia tăng. Từ 2002-2009, tại Đà Nẵng có gần 1.110 HSSV vi phạm pháp luật, trong đó có 215 trường hợp bị khởi tố hình sự. Năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009 có 353 HSSV vi phạm pháp luật. Trong đó phạm pháp hình sự chiếm đa số với 315 trường hợp. Công an TP. Đà Nẵng đã khởi tố 98 vụ với 124 đối tượng vi phạm các tội trộm cắp, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, cướp, lừa đảo, tai nạn giao thông; xử lý hình sự 10 vụ, 10 đối tượng phạm tội mua bán, tàng trữ trái phép các chất ma túy. Người viết đã nhiều lần tiếp xúc với các đối tượng vi phạm pháp luật trẻ tuổi, nhất là các em trong độ tuổi vị thành niên, bao giờ cũng vậy, các em tỏ ra ăn năn, hối tiếc những việc mình đã làm. Có em đã bật khóc nức nở vì những lỗi lầm mình đã gây ra khiến gia đình đau khổ.
“Các em ngồi đây cũng đã trải qua thuở thiếu thời có lúc bồng bột trong suy nghĩ, nghĩ không chín, thích làm theo ý mình. Có người lười nhác, không chịu học hành, đua đòi, ham chơi, thích hưởng thụ, nghe lời kẻ xấu dụ dỗ, lập băng nhóm… nên đã vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, không phải ai cũng vịn vào lý do này để gây mất trật tự trị an, an toàn tính mạng, tài sản của người khác. Làm như vậy, sẽ bị pháp luật trừng trị” – ông Thanh nói. Thành phố đã tạo điều kiện tốt bằng một chuyến đi thực tế để các em tận mắt chứng kiến những trường hợp vi phạm pháp luật phải vào Trại giáo dưỡng hay phải chịu cảnh lao tù tại Trại giam Hòa Sơn. “Trừng phạt là biện pháp cuối cùng, bất đắc dĩ. Vì vậy, qua chuyến đi này, qua ba điểm mà các em đã đến, tôi tin rằng có nhiều em ngồi đây sẽ thay đổi tâm tính, sáng suốt lựa chọn con đường đi cho mình. Đó là con đường hướng thiện, làm lại cuộc đời, đi học, đi lao động để kiếm tiền bằng mồ hôi và công sức của chính mình. Tôi tin như vậy nên mới đến đây…” – ông Thanh tâm sự.
Hơn 100 triệu đồng tổ chức một chuyến đi thực tế để cho gần 300 trẻ em hư tự quyết con đường đi tốt nhất cho riêng bản thân mình thể hiện cái tình, niềm mong mỏi của toàn xã hội đối với những tâm hồn còn trong trắng. Qua đó, giúp các em sớm nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống tươi đẹp đang chờ đợi mình phía trước.
Điền Gia

Bình luận (0)