Chuyện con cái trong nhà mà lại lạnh lùng với người thân trong gia đình, không biết quan tâm đến cha mẹ, anh chị em trong nhà… dần dần trở thành người đứng ngoài cuộc, cô đơn, mất phương hướng, suy nghĩ tiêu cực xảy ra không ít ở các gia đình hiện nay.
Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: I.T |
Nguyên nhân nào?
Khái niệm vô cảm trong gia đình của trẻ là trạng thái tâm lý thể hiện sự thờ ơ, dửng dưng như đứng ngoài cuộc của trẻ đối với gia đình mình bao gồm sự thờ ơ trong cách chia sẻ các trách nhiệm của gia đình, dửng dưng nhìn người thân vất vả cũng như thể hiện sự lãnh cảm trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Không ít cha mẹ vì những lý do nhất định mà không có thời gian quan tâm, chăm sóc, chia sẻ cùng con cái, họ chỉ cung cấp cho con đầy đủ vật chất để sinh hoạt, học tập. Song, họ không biết rằng, điều đó cũng không có ý nghĩa bằng việc động viên, chia sẻ cùng con, hiểu con cái đang cần những gì, chơi với ai, quan hệ thế nào, nhất là sự biến đổi theo độ tuổi. Đúng là khi các em không được trải qua những cảm giác khác nhau thì tất nhiên cũng chẳng mang lại cảm xúc thật. Khi các em lúc nào cũng no đủ thì làm sao hiểu được giá trị cũng như thể hiện được cảm xúc bị đói khát, thiếu thốn! Có không ít bậc cha mẹ lại bắt con mình phải biết “kiềm chế” cảm xúc – không được khóc được cười một cách vô cớ.
Ngoài ra là mặt trái trong môi trường xã hội: Một số trẻ thì bị tập nhiễm bởi môi trường xã hội. Do các em đang trong độ tuổi hoàn thiện dần về tâm lý, nhưng lại nhìn thế giới một cách thiển cận, cảm tính. Các em dễ bị “lây nhiễm” cách nhìn đời tiêu cực. Hiện nay các phương tiện truyền thanh, truyền hình tác động mạnh đến nhận thức và tình cảm của các em. Một số trẻ mải mê với trò chơi trực tuyến, hay nghiện các trang mạng xã hội nên các em dành quá nhiều thời gian mỗi ngày mà không quan tâm đến những vấn đề xung quanh xảy ra… Hay một số trẻ lại bắt chước, học đòi những phong cách “lập dị” mà các em có thể quan sát được qua các phương tiện cũng như cuộc sống xung quanh và coi đó là “mốt”… Dần dần khi đã hình thành thói quen này thì rất khó sửa và bị xã hội lên án mạnh mẽ. Bên cạnh đó do sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường dẫn đến lối sống cá nhân, ích kỷ lên ngôi. Tư tưởng cá nhân, vụ lợi chỉ quan tâm đến mình mà không quan tâm đến người khác… thờ ơ, dửng dưng với các sự kiện xảy ra trong xã hội.
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Minh Thức (ĐH Nguyễn Huệ) cho rằng: “Trong gia đình, nếu cha mẹ cứ chiều chuộng, hoặc chỉ quan tâm đến việc học tập mà không quan tâm đến việc khác nhất là những công việc trong gia đình thì sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ. Đặc biệt là có thể dẫn đến tâm lý coi thường giá trị của lao động và dẫn đến khiếm khuyết về mặt nhân cách”.
Giải pháp nào cho trẻ?
Cha mẹ chính là tấm gương cho con bởi lời nói, hành vi và sự quan tâm của cha mẹ đều phản chiếu trực tiếp đến con cái. Cha mẹ phải tạo điều kiện tốt nhất để thường xuyên chia sẻ cùng con. Vui có, buồn có và hãy luôn tạo ra sự phức hợp của nhiều thang bậc cảm xúc để trẻ có thể cảm nhận được. Cho con được khóc được cười hồn nhiên đúng với tuổi của chúng, khi các em vui thì các em được cười đùa thoải thích, khi các em khóc thì để các em khóc cho bớt đi những điều bực dọc hay buồn phiền, lo âu. Những cảm xúc nếu được bộc lộ sẽ làm chúng ta thoát khỏi những cảm xúc dồn nén. Khi giải thoát những cảm xúc của mình, chúng ta sẽ thấy nhẹ nhàng hơn và thanh thản hơn vì đã “quẳng gánh lo đi”. Tốt nhất, tạo nên bầu không khí tâm lý vui vẻ trong gia đình.
Còn ở nhà trường thì hãy cho các em trải nghiệm là điều hết sức cần thiết với những bài học về kỹ năng sống thiết thực, đó là công việc của nhà trường cũng như mỗi giáo viên.
Các tổ chức Đoàn Đội, hãy phát huy vai trò xung kích để giúp các bạn trẻ sẵn sàng ủng hộ và tham gia các hoạt động một cách tích cực. Tạo các diễn đàn là nơi giúp các bạn trẻ có thể bộc lộ được những tâm tư, nguyện vọng cũng như cảm xúc của chính mình.
ThS. Nguyễn Văn Công
(Giảng viên tâm lý học)
Bình luận (0)