Cùng với hơn 23 triệu học sinh cả nước, sáng 5-9, trên 1,7 triệu học sinh TP. HCM đã tham gia lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2024-2025.
Năm nay lễ khai giảng của thầy trò TP.HCM rộn ràng hơn trong không khí hướng về chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Nắng cũng đẹp và trời cũng xanh. Ở mỗi ngôi trường, tiếng trống trường vang lên đầy rộng ràng, rạo rực.
Tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (TP.Thủ Đức), cô Thạch Thị Hoàng Anh – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, năm học mới toàn trường có 2.430 học sinh. Khai giảng năm học mới được nhà trường tổ chức đơn giản nhưng trang trọng, với những tiết mục văn nghệ do chính học sinh thực hiện, để cả thầy và trò cùng hân hoan bước vào năm học mới.
“Năm học mới, Chương trình GDPT 2018 triển khai đến khối lớp 5. Cũng là năm học để nhà trường đánh giá lại một quá trình đổi mới của nhà trường thực hiện Chương trình GDPT 2018 từ lớp 1 đến nay. Nhà trường quyết tâm tiếp tục đổi mới, tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, thầy dạy tốt, trò học tốt, để các em đến trường mỗi ngày đều là một ngày vui, là niềm háo hức. Giáo viên nhà trường đã rất sẵn sàng…”.
Tại Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), lễ khai giảng được chuẩn bị chu đáo. Ngày 5-9, nắng vàng ươm rộn ràng khắp sân trường càng làm cho không khí của lễ khai trường thêm tươi vui, rực rỡ.
Cô Nguyễn Đoan Trang – Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ, năm nay nhà trường phấn đấu tạo sự đổi mới đồng bộ trên mọi phương diện, nhất là đối với học sinh lớp 9 – lứa học sinh đầu tiên các em sẽ thi tuyển sinh 10 theo Chương trình GDPT 2018…
“Trong mọi hoạt động đổi mới giáo dục, mục tiêu lớn nhất được hướng đến đó là tạo cho các em học sinh môi trường học tập nhẹ nhàng, không có áp lực. Để các em đến trường được tươi vui, thoải mái, đón nhận và tự tin tìm hiểu tri thức…”.
TP.HCM là địa phương với số học sinh và quy mô trường lớp đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Hà Nội. Mỗi năm TP tăng trung bình 25.000 học sinh, tỷ lệ học sinh không có hộ khẩu thành phố là trên dưới 20%.
Áp lực gia tăng dân số cơ học cao kéo theo đó là gia tăng sĩ số học sinh luôn là một trong những thách thức của TP.HCM khi mà cơ sở vật chất, trường lớp không theo kịp.
Năm học 2024-2025, TP.HCM đưa vào sử dụng 23 công trình trường học mới, tăng thêm 475 phòng học mới. Tuy nhiên, thành phố cũng tăng thêm hơn 24.000 học sinh. Do vậy, việc đảm bảo tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày của thành phố vẫn chưa đạt 100%, sĩ số học sinh/lớp ở nhiều nơi vẫn vượt so với điều lệ của Bộ GD-ĐT…
Năm học 2024-2025, TP.HCM với chủ đề: “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo TP.HCM”, và đặt ra 15 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, thành phố xác định tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, học sinh xã đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Đồng thời, ngành GD-ĐT TP.HCM cũng sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Tăng cường công tác chính trị, giáo dục quốc phòng an ninh đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; Tiếp tục xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc.
Yến Hoa
Bình luận (0)