Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Trên 25.600 người mất việc làm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đó là số liệu thống kê trong quý IV/2008 và quý I/2009. Tình trạng mất việc hàng loạt là dấu hiệu đáng lo ngại

 

“Tỉ lệ người lao động mất việc làm chiếm chưa tới 1% trong tổng số 45 triệu lao động cả nước là không thuyết phục và chưa phản ánh đúng tình hình thực tế đang diễn ra”. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may và Thêu đan TPHCM, thẳng thắn đưa ra nhận định khi trao đổi với Cục trưởng Cục Việc làm- Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Đại Đồng tại chương trình “Nói và Làm” do Đài Truyền hình TPHCM tổ chức sáng 5-4. 

Theo ông Kiệt, các cơ quan thống kê đưa ra tỉ lệ này là quá lạc quan. Nếu cả nước chỉ có 450.000 người mất việc thì  đâu có gì phải bàn và đáng lo! “Hiện nay đang xảy ra tình trạng các doanh nghiệp (DN) đối phó với  cơ quan Nhà nước bằng cách thông báo tình hình khó khăn của DN để ép công nhân tự nghỉ việc. Việc này vừa làm khó khăn cho công tác thống kê số lao động mất việc vừa gây thiệt cho người lao động, bởi DN chỉ phải trả nửa tháng lương/năm làm việc cho lao động tự bỏ việc (trong khi phải trả cho lao động nghỉ việc  là 1 tháng lương/năm)”- ông Kiệt nói. 

Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, ông Nguyễn Huy Cận, cảnh báo: Trong số 188 DN trên địa bàn TPHCM có lao động mất việc thì 11 DN có số lao động mất việc từ 500-1.000 người. “Tình trạng mất việc hàng loạt là dấu hiệu đáng lo ngại, chưa kể có DN cho công nhân nghỉ hàng loạt nhưng sau đó lại tuyển lao động khác vào làm nên việc quản lý rất khó”- ông Cận phân tích. 

Từ thực tế trên, nhiều đại biểu đề nghị TPHCM nên sớm thực hiện chính sách hỗ trợ cho DN gặp khó khăn theo quy định của Chính phủ. Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM, thừa nhận: Việc triển khai chính sách hỗ trợ đối với lao động mất việc ở TP có chậm nhưng hiện sở đang lên kế hoạch triển khai để trình UBND TP thông qua. Qua thống kê của Sở LĐ-TB-XH, từ quý IV/2008 đến hết tháng 3-2009, TPHCM có trên 25.600 người làm việc ở 188 DN mất việc làm, hơn 16.000 lao động thiếu việc. 

Tuy nhiên, ông Xê cho rằng vẫn có những dấu hiệu khả quan bởi nhu cầu tuyển dụng lao động từ các DN hiện nay cũng nhiều hơn. Báo cáo từ 533 DN cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2009, các đơn vị này cần tuyển trên 61.000 lao động, trong đó ngành dệt may 23.780 người, xây dựng cầu đường 13.195 người, dịch vụ bảo vệ 6.844 người, quản lý văn phòng 2.166 người… 

Ông Xê khẳng định: “Đây là con số đáng tin cậy. Người lao động có nhu cầu cần theo dõi thông tin tuyển dụng từ báo đài, đến trực tiếp các DN hoặc thông qua kênh giới thiệu việc làm ở các trung tâm được cấp phép hoạt động để tìm việc làm!”. 

Tuy nhiên, một nghịch lý đang diễn ra là trong khi nhiều lao động mất việc thì DN lại tìm lao động không ra. “Tuyển lao động được 2 ngày thì họ nghỉ việc vì  không tìm được chỗ ở phù hợp với nơi làm mới”- lãnh đạo Công ty Nước giải khát Bidrico cho biết. Theo vị lãnh đạo này, chính sự chuyển dịch lao động từ nơi này đến nơi khác không hợp lý là nguyên nhân thiếu lao động. Do đó, cách tốt nhất giữ chân lao động là TP tăng cường đầu tư và hỗ trợ DN xây dựng nhà ở cho công nhân.

QUÝ HIỀN (nld)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)