Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, đến nay số học sinh tốt nghiệp THCS không tiếp tục học lên THPT chiếm trên 30%. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh sau THCS đi học nghề còn ít, số tham gia ngay vào thị trường lao động chưa qua đào tạo còn cao.
Học sinh lớp 12 tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức năm 2019
Cũng theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, công tác dạy nghề phổ thông đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả, gắn lý thuyết với thực hành và thực tiễn. Việc lựa chọn học nghề phổ thông của học sinh đã chuyển dần theo hướng phù hợp với nhu cầu phát triển kỹ năng, phục vụ nhu cầu lao động của xã hội.
Học sinh sau THCS đi học nghề còn ít
Theo đánh giá, các sở GD-ĐT đã chủ động phối hợp với các trường ĐH, CĐ, TC, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề, nghệ nhân, doanh nhân tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khá hiệu quả; lồng ghép các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông và hoạt động tư vấn tuyển sinh; cung cấp thông tin về thị trường lao động cho học sinh để các em lựa chọn ngành nghề phù hợp. Việc triển khai thí điểm mô hình nhà trường gắn với sản xuất kinh doanh tại địa phương đã mở ra một phương thức giáo dục hướng nghiệp mới. Ngoài ra, phương thức dạy nghề phổ thông cũng được đổi mới theo hướng tăng cường hoạt động thực hành, thực tế. Một số địa phương đã mở rộng thêm các nghề phổ thông mới phù hợp với nhu cầu của học sinh.
Để đạt kết quả này, thời gian qua Bộ GD-ĐT đã tổ chức định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông thông qua nhiều giải pháp, cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 phê duyệt Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025; ban hành kế hoạch và đang triển khai thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của đề án nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT; chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12 để các em có những hiểu biết về ngành nghề sẽ lựa chọn.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng tăng cường chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục đẩy mạnh hoạt động giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh. Nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp theo hướng tích hợp các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với hoạt động tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất kinh doanh ở địa phương.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT đưa nội dung hướng nghiệp, phân luồng vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó hướng nghiệp trong giáo dục là hệ thống các biện pháp tiến hành trong, ngoài nhà trường giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp và có khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Còn phân luồng trong giáo dục là biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục trên cơ sở thực hiện hướng nghiệp trong giáo dục, tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội; góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước…
Dù vậy, Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận công tác tuyên truyền về hướng nghiệp, phân luồng đến nay vẫn còn tồn tại hạn chế, tỷ lệ học sinh sau THCS đi học nghề còn ít, số học sinh tham gia ngay vào thị trường lao động chưa qua đào tạo còn cao.
Lồng ghép giáo dục hướng nghiệp vào môn học
Bộ GD-ĐT cho biết thời gian tới sẽ chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục triển khai nghiêm túc Quyết định số 522 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, trên cơ sở phân tích thực trạng, nguyên nhân thành công, hạn chế của giáo dục hướng nghiệp và phân luồng trong các chương trình đã có, nội dung giáo dục hướng nghiệp được xác định như sau: Đảm bảo kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học và liên thông với chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục nghề nghiệp, chương trình giáo dục ĐH. Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm), bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.
Nội dung giáo dục hướng nghiệp đặc biệt được chú trọng, lồng ghép trong từng môn học và hoạt động giáo dục. Đối với các môn toán, tin học, khoa học tự nhiên, chương trình sẽ được triển khai theo định hướng giáo dục STEM, theo đó học sinh sẽ được trang bị kiến thức gắn liền với ứng dụng công nghệ, giúp học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tiễn trong quá trình học tập.
Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh; phối hợp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện tư vấn nghề; thực hiện thí điểm mô hình kết hợp dạy văn hóa phổ thông và dạy nghề.
Thục Trân
Bình luận (0)