Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trên 402 ngàn học sinh TP.HCM góp ý kiến về các vấn đề “nóng”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Những vấn đề về bảo vệ môi trường; phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình, nhà trường và trên mạng xã hội; phòng chống dịch COVID-19… đã được học sinh TP.HCM mạnh dạn chia sẻ trong chung kết Hội thi “Học sinh, sinh viên thành phố với pháp luật” năm học 2021-2022 vừa được Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức.


Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng trao giấy khen cho các đơn vị

Vòng chung kết có sự tranh tài của 20 đội thi xuất sắc, ở 2 bảng – bảng A (Trường THCS) và bảng B (Trường THPT), được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng thông tin, năm nay hội thi có 402.912 thí sinh tham gia, tăng hơn 36.000 thí sinh so với năm học 2020-2021. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, đây được xem là con số lý tưởng, chứng tỏ hội thi ngày càng có sức hút, nhận được sự quan tâm, hưởng ích tích cực của học sinh, sinh viên.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, cả 3 vòng thi của hội thi: vòng loại, bán kết và chung kết đều được tổ chức thông qua trang web “tiengnoituoitre.com”, vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đáp ứng mục tiêu phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên.

“Với mỗi tiểu phẩm học sinh mang đến hội thi đều có sự đầu tư cao, nội dung bám sát vào các tình huống thực tế xung quanh các em. Rất nhiều tiểu phẩm để lại ấn tượng mạnh mẽ. Mỗi tiểu phẩm không chỉ thể hiện, bày tỏ quan điểm, góc nhìn, mong muốn của các em trước những vẫn đề như dịch COVID-19, bạo lực trẻ em, bạo lực học đường… mà còn là hồi chuông gióng lên trong mỗi gia đình, nhà trường, hướng tới tạo môi trường giáo dục lành mạnh, yêu thương nhất cho các em”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Dương Trí Dũng nhìn nhận.

Nhiều năm giữ vai trò giám khảo hội thi, bà Trần Việt Thái (Trưởng phòng Phổ biến Giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp TP.HCM) đánh giá, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19 song hội thi năm nay lại “cực kỳ ấn tượng”. Các đội thi đã rất cố gắng, mang đến hội thi những phần thể hiện đa dạng qua nhiều hình thức. Nhiều đội thi đã rất sáng tạo, sử dụng các nguồn tư liệu có sẵn, dàn dựng thêm tiểu phẩm, khiến ban giám khảo đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.


Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng tặng hoa cho các giám khảo hội thi

Thông điệp các đội thi mang đến hội thi năm nay xoay quanh 3 nội dung chính: Bảo vệ môi trường; Phòng chống bạo lực trẻ em trong nhà trường, gia đình và trên mạng xã hội; Phòng chống dịch COVID-19. Ngoài việc sáng tạo trong cách thức thể hiện, các đội thi đã nêu ra được những giải pháp thiết thực, gần gũi, phát đi những thông điệp mạnh mẽ ở các nội dung trên.

“Tôi ấn tượng nhất về đề xuất của một học sinh THCS  gửi đến hội thi rằng: thay vì phạt con nhịn cơm khi con mắc lỗi, cha mẹ có thể phạt con… nấu cơm. Câu chuyện nghe thì đơn giản nhưng để lại nhiều suy nghĩ cho người lớn về việc phạt con bằng cách hình phạt tích cực, kỷ luật tích cực nhưng vẫn mang tính răn đe. Chúng ta không thể cấm đoán trẻ việc các em chơi game vì càng cấm các em sẽ càng nghiện nhưng chúng ta có thể hạn chế trẻ chơi game bằng việc đi kèm các điều kiện tích cực như chơi game có giờ giấc, có điều kiện… làm sao dạy trẻ vừa đủ nghiêm khắc, vừa đủ yêu thương”, bà Trần Việt Thái phân tích.

Trước những đề xuất của học sinh từ hội thi, bà Trần Việt Thái cho hay nhà trường có thể nghiên cứu đưa vào chính chương trình, nội dung giáo dục của trường các nội dung về bảo vệ môi trường, phòng chống bạo lực trẻ em, phòng chống dịch COVID-19. Thậm chí là nghiên cứu đưa vào trong các buổi họp phụ huynh, gửi gắm các ý kiến của học sinh đến phụ huynh, từ đó thay đổi nhận thức, thói quen của học sinh, giáo viên, phụ huynh.

Kết quả chung cuộc, nhất bảng A thuộc về Trường THCS Gò Vấp (Q.Gò Vấp); nhất bảng B thuộc về Trường THPT Trần Hưng Đạo.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)