Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trên 90% sách lề đường là sách lậu

Tạp Chí Giáo Dục

Trên 1.100 cơ sở in hiện nay chỉ đăng ký chứ không qua thủ tục cấp phép dẫn đến những tiêu cực trong in ấn nhưng nếu quản lý các cơ sở in này sẽ dẫn đến biến động lớn trong quản lý nhà nước.
Sáng 18-6, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Xuất bản sửa đổi, vấn đề quản lý các cơ sở in (cả in xuất bản phẩm và in thông thường) để tránh tình trạng in lậu, in trái phép hiện nay đã được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm góp ý. Trong đó, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về việc dự luật bỏ ra ngoài sự quản lý các cơ sở in thông thường nhưng không ít ý kiến cũng băn khoăn nếu dự luật ôm đồm cả việc quản lý các cơ sở in thông thường sẽ gây nên một biến động lớn trong quản lý nhà nước.
Chỉ đăng ký nên dễ tiêu cực?
ĐB Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho hay theo thống kê có khoảng 1.100 cơ sở in hiện nay chỉ đăng ký chứ không phải cấp phép, dẫn đến những hoạt động tiêu cực trong quá trình in ấn. “Hiện nay với những thiết bị in công nghệ cao thì có thể in được các xuất bản phẩm. Do vậy, chúng ta không quản lý đối tượng này tôi cũng không yên tâm lắm. Tôi rất băn khoăn về việc chúng ta chưa đưa quản lý các cơ sở in dạng này vào luật. Tôi đề nghị dự luật phải có quy định chặt chẽ về lĩnh vực này, tránh in lậu như hiện nay rất nguy hiểm như tình trạng in các văn bằng chứng chỉ giả, in để hoạt động tuyên truyền phản động…” – ĐB Ngân lưu ý.

Tình trạng in lậu, in trái phép hiện nay đã được nhiều đại biểu quốc hội quan tâm góp ý. Ảnh: HTD
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cũng tỏ ra băn khoăn: “Chúng tôi đi giám sát thấy rất rõ, các cơ sở in chỉ cần đăng ký kinh doanh như một doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện. Đây chính là kẽ hở về mặt pháp luật dẫn tới hiện tượng in lậu, in nối bản, in giấy tờ giả ngày càng phát triển và không có cơ chế kiểm soát, cũng như cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể”.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cũng đưa ra một con số đáng chú ý, trên 90% sách bày bán ở vỉa hè, lề đường là sách giả, một tỉ lệ không nhỏ các xuất bản phẩm khác là lậu đang trôi nổi ở các ngõ ngách khác của thị trường. “Theo tôi, đó không chỉ là tội phạm mà trong nhiều trường hợp còn có thể gọi là tội ác vì phá hoại sự lành mạnh, phá hoại niềm tin trong xã hội, gieo rắc suy nghĩ là trong xã hội ta có thể lậu được, có thể ăn cắp được, thậm chí có thể ăn cướp được. Vì vậy, tôi đề nghị phải bổ sung những quy định chặt chẽ, những chế tài nghiêm khắc xử lý hành vi này” – ông Hùng nhấn mạnh.
Quản mỗi in xuất bản phẩm còn không xuể
Tiếp cận ở một góc độ khác, ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đặt lại vấn đề: “Trên 1.100 cơ sở in không phải qua thủ tục cấp phép nên mới dẫn tới tình trạng in lậu, in trái phép, liệu đây có phải là nguyên nhân chính hay không? Tôi cho rằng cơ quan quản lý nhà nước hiện nay nắm bắt tình hình phát triển của toàn ngành không đầy đủ và chặt chẽ mới là nguyên nhân chính. Vì về mặt nguyên lý, một số loại máy in bao bì, nhãn hàng hóa có thể thực hiện được công đoạn in xuất bản phẩm nhưng không phải tất cả cơ sở in đều có thể in xuất bản phẩm. Do đó, đây không phải là nơi duy nhất mà các cơ sở in lậu tìm đến khi không thực hiện được việc in lậu khép kín trong một cơ sở in xuất bản phẩm”.
ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) cho rằng Luật Xuất bản lần này lại quản lý cả phần các cơ sở in khác, điều đó đồng nghĩa là các cơ sở in trước đây không xin phép thành lập nay phải làm các thủ tục xin phép. “Điều đó sẽ gây một sự biến động lớn trong quản lý nhà nước và các hoạt động của ngành in. Bởi vì số cơ sở in này trên cả nước không phải ít. Khi thực hiện điều này công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý hoạt động có tốt hơn không? Trong khi hiện nay chỉ mỗi việc kiểm tra các cơ sở in xuất bản phẩm cũng đã cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước quá tải do thiếu nhân lực, thiếu những biện pháp chế tài xử lý” – ông Minh lo lắng.
Lao động nữ được nghỉ thai sản sáu tháng
Ngày 18-6, với đa số phiếu tán thành, QH đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo đó, một trong những nội dung đáng chú ý của bộ luật này là nâng mức nghỉ thai sản từ bốn tháng lên thành sáu tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm một tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá hai tháng.
Ngoài ra, luật cũng quy định số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày. Trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày; không quá 30 giờ trong một tháng và tổng số không quá 200 giờ trong một năm. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013.
Cùng ngày, QH cũng đã biểu quyết và chính thức thông qua bốn dự án luật khác là: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giáo dục ĐH và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
THÀNH VĂN
THU HẰNG (PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)