Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trên 96% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

 Trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành lại có một người hút thuốc… đẩy Việt Nam lên “top” 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới. Một thống kê tại BV K cho thấy bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%, không hút thuốc là 3,2%.

7.000 chất độc trong thuốc lá

Sáng 23/4, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và chiến lược Quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên – Phó Chủ nhiệm Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá Quốc gia cho biết: Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá năm 2010, Việt Nam là 1/15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới, đặc biệt là trong nam giới.
Việt Nam có tỷ lệ hút thuốc lá rất cao, với 15,3 triệu người hút thuốc. Ảnh: Quang Phong
Trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) thì có 1 người hút thuốc. Gần 8 triệu người lao động Việt Nam thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động tại nơi làm việc; 47 triệu người thường xuyên phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nhà.
Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), tại Việt Nam, trong khi xu thế mắc các bệnh lây nhiễm giảm thì các bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh chóng. Các căn bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như: Đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở cả nam giới và nữ giới tại nước ta.
Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế năm 2011 cho thấy gần 11% tổng số ca tử vong ở nam giới là do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi hơn 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam. Chi phí ngân sách hàng năm để điều trị 3 bệnh điển hình trong số 25 loại bệnh có nguyên nhân từ thuốc khoảng hơn 2 nghìn tỷ đồng.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Tổ chức này cũng khuyến cáo, nếu các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá đang thực hiện không hiệu quả, con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào năm 2030.
Tại bệnh viện K, theo thống kê, năm 2.000 tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%, không hút thuốc là 3,2%.
“Có khoảng 7.000 chất độc hóa học trong thuốc lá, trong đó có khoảng 70 chất gây ung thư, đó là nguyên nhân lý giải cho tình trạng số ca ung thư phổi liên quan đến thuốc lá chiếm đại đa số”, ông Quang nói.
Để giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội và môi trường, năm 2012, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5 tới.
Năm 2013 Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020, nhằm giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại Việt Nam, nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do thuốc lá gây ra.
Mục tiêu cụ thể đặt ra làm giảm tỷ lệ hút thuốc của thanh thiếu niên từ 26% năm 2011 xuống 18% năm 2020. Giảm tỷ lệ nam giới hút thuốc từ 47,9% năm 2011 xuống còn 39% vào năm 2020.
Để đạt mục tiêu này, Chính phủ sẽ xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Quy định rõ về mức xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm; Xây dựng văn bản hướng dẫn, thực hiện xử phạt nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định cấm sử dụng người dưới 18 tuổi bán thuốc lá hoặc bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, bán thuốc lá bằng máy bán tự động…
Riêng ngành y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan có những hành động tích cực phòng chống tác hại của thuốc lá.
Giảm tỷ lệ hút thuốc lá
Văn phòng chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá (Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế) cho biết, kết quả Dự án xây dựng mô hình  môi trường không khói thuốc tại Tiền Giang, Đà Nẵng, Thái Nguyên trong thời gian 2009 – 2012 cho thấy, đã giảm tỷ lệ người hút thuốc lá.
Theo đó, tỷ lệ lãnh đạo hút thuốc lá giảm từ 22,9% xuống 10,5%. Tỷ lệ nhân viên hút thuốc giảm từ 13,6% xuống 10,3%.
Tỷ lệ nhìn thấy người hút thuốc lá tại trường học giảm từ 65,5% xuống còn 36,6%; tại cơ sở y tế giảm từ trên 70% xuống gần 50%; tại cơ quan hành chính mức giảm cũng tương đương với cơ sở y tế.
Tỷ lệ cán bộ công chức, giáo viên, học sinh, nhân viên y tế biết được tác hại của thuốc lá thụ động cũng tăng lên 2% (từ 97,5% đến 99,7%).
Đặc biệt, tỷ lệ lãnh đạo cơ quan, đơn vị ủng hộ quy định cấm hút thuốc lá tại trường học, cơ sở y tế, cơ quan hành chính, trên phương tiện giao thông công cộng, tại nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim đều tăng vọt.
Theo DTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)