Chiều 25-6, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có báo cáo kết quả khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công trên địa bàn thành phố năm 2025.
Việc khảo sát sự hài lòng của phụ huynh, học sinh và học viên được Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện với 485.531 số phiếu khảo sát.
Dưạ trên báo cáo khảo sát đo lường sự hài lòng năm 2025, Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, chất lượng cung cấp dịch vụ công giáo dục tại TP.HCM đạt mức rất cao và có sự tiến bộ rõ rệt.
Điểm trung bình hài lòng chung là 4,59/5 điểm và tỉ lệ hài lòng đạt 98,09%, phản ánh sự tin tưởng lớn từ phụ huynh, học sinh và học viên ở tất cả các cấp học, từ mầm non đến trung cấp nghề.
Cụ thể, tỉ lệ trung bình hài lòng chung của tất cả các cấp học là khoảng 98,09% (cao hơn năm 2024, 96,19%). Tỉ lệ hài lòng chung dao động từ 97,58% (mầm non) đến 98,56% (GDTX), cho thấy mức độ hài lòng rất cao và ổn định ở tất cả các cấp học.
Trong đó, GDTX dẫn đầu, có thể phản ánh sự linh hoạt và hiệu quả trong giáo dục bổ sung. Mầm non có tỉ lệ thấp nhất có thể do kỳ vọng đa dạng từ phụ huynh. Các cấp học khác tiểu học, THCS và THPT cũng duy trì tỉ lệ trên 97,85%, thể hiện chất lượng giáo dục đồng đều. Nhìn chung, hệ thống giáo dục đạt mức hài lòng vượt trội, với sự khác biệt nhỏ giữa các cấp.
Tỉ lệ đáp ứng sự mong đợi của các cấp học tại TP.HCM năm 2025 dao động từ 96,15% (tiểu học) đến 98,65% (THPT), cho thấy mức độ hài lòng rất cao và đồng đều.
THPT dẫn đầu với 98,65% – phản ánh sự đáp ứng tốt kỳ vọng ban đầu của phụ huynh và học sinh về môi trường giáo dục an toàn và thân thiện. Tiểu học có tỉ lệ thấp nhất (96,15%), có thể do áp lực học tập hoặc cơ sở vật chất chưa hoàn thiện ở một số khu vực. THCS (97,58%) thể hiện sự cải thiện, nhờ áp dụng mô hình “Trường học hạnh phúc” và thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018.
GDTX/Trung cấp đạt 98,18% và 96,84%, cho thấy hiệu quả trong giáo dục linh hoạt. Nhìn chung, tỉ lệ trên 96% ở tất cả các cấp học khẳng định chất lượng dịch vụ giáo dục công ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu cộng đồng.
Đặc biệt, xu hướng hài lòng tăng từ 87% (2022) lên 98% (2025) cho thấy hiệu quả của việc đầu tư phát triển giáo dục tại TP.HCM. Sự đồng đều trong mức hài lòng cao ở cả nội thành và ngoại thành, với điểm nổi bật ở ngoại thành như 4,69 điểm (tiểu học) và 98,12% (THCS), khẳng định hệ thống giáo dục công đã tạo được môi trường học tập tích cực. Đặc biệt, sự hài lòng cao ở TTGDTX/Trung cấp (4,64 điểm và 98,56%) phản ánh hiệu quả trong giáo dục linh hoạt, trong khi mầm non là 4,6 điểm và 97,58% được phụ huynh đánh giá cao ở khu vực ngoại thành và kết quả giáo dục.
“Mặc dù cơ sở vật chất ở một số cấp học như THPT (4,49 điểm) và THCS (4,47 điểm) cần cải thiện song nhìn chung, sự tín nhiệm mạnh mẽ từ cộng đồng, với tỉ lệ trên 97% ở tất cả các nhóm giới tính, dân tộc và khu vực, cho thấy hệ thống giáo dục công TP.HCM đã đáp ứng tốt nhu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh” – Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định.
Tăng dần tỉ lệ hài lòng chung của phụ huynh qua từng năm
Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, tỉ lệ hài lòng chung của học sinh và phụ huynh với dịch vụ giáo dục công trên địa bàn TP.HCM từ năm 2022 đến 2025 có xu hướng tăng dần.
Năm 2022, tỉ lệ đạt khoảng 87%- khá khiêm tốn. Đến năm 2023, tỉ lệ tăng lên khoảng 90%, phản ánh sự cải thiện chất lượng giáo dục. Năm 2024 ghi nhận mức 96%, cho thấy bước tiến đáng kể, tập trung vào môi trường học tập tích cực và sự phát triển toàn diện. Đến năm 2025, tỉ lệ đạt đỉnh là 98%, thể hiện sự hài lòng rất cao của học sinh và phụ huynh đối với dịch vụ giáo dục công trên địa bàn thành phố.
Theo Sở GD-ĐT, tỉ lệ trên khẳng định sự đúng đắn trong việc triển khai các tiêu chí của mô hình “Trường học hạnh phúc” đến các cơ sở giáo dục, khẳng định sự quan tâm chỉ đạo trong thực hiện công tác chuyên môn, quan tâm chỉ đạo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh qua các hoạt động bổ trợ.
“Xu hướng tăng từ 87% lên 98% trong 4 năm là một bước nhảy vọt, phản ánh hiệu quả của các cải cách giáo dục, đặc biệt là chiến lược xây dựng môi trường học tập hạnh phúc. Nhìn chung, môi trường giáo dục tại TP.HCM có sự tiến bộ rõ rệt và ngày càng tạo được niềm tin ở học sinh và phụ huynh” – Sở GD-ĐT kết luận.
Yến Hoa
Bình luận (0)