Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Trên đường hội nhập: Bài 2: Trường tiểu học của một nền giáo dục tiên tiến

Tạp Chí Giáo Dục

Đoàn công tác cùng học sinh tiểu học trong phòng học mỹ thuật

Ở Phần Lan, giáo dục tiểu học là bậc học được xã hội quan tâm đặc biệt. Sự quan tâm ấy không chỉ thể hiện ở nhận thức mà rất dễ nhận thấy trong thực tế về chế độ chính sách, về tổ chức nhân sự và về mức độ đầu tư.
Đến thăm một trường tiểu học ở Phần Lan, Trường Porvoon Keskus Koulu, là một trường bình thường như các trường tiểu học khác ở đây, vì Phần Lan không có trường chất lượng cao hay trường trọng điểm. Trường có 501 học sinh được tổ chức từ lớp 1 đến lớp 6 với 41 giáo viên và 20 nhân viên.
1. Điều ghi nhận đầu tiên về cơ sở vật chất của nhà trường là rất giản đơn, không cầu kỳ về mặt kiến trúc, nhưng rất chắc chắn, an toàn và tiện lợi cho hoạt động giáo dục toàn diện học sinh như những công cụ vui chơi và rèn luyện thể chất cho học sinh ở sân trường, phòng âm nhạc, phòng biểu diễn nghệ thuật và đặc biệt là thư viện. Nhà trường đã rất chăm chút thu hút học sinh đến với thư viện, tạo cho học sinh sự ham thích và thói quen đọc sách.
Khẩu hiệu trung tâm của thư viện nhà trường được ghi: “Library is the heart of our school”. Thư viện được xây dựng có sân khấu để có thể diễn kịch, tái hiện chuyện sách, có chiếu phim không lời theo sách; các kệ sách có thể di chuyển để biến thư viện thành phòng họp hay hội trường tổ chức sinh nhật, lễ hội cho học sinh…
2. Về nhân sự, nhà trường bố trí đầy đủ lực lượng theo yêu cầu quản lý và giáo dục học sinh. Mỗi lớp có 2 giáo viên, một giáo viên dạy chính, một giáo viên khác phụ giúp những học sinh chậm phát triển. Có nhân viên chăm sóc học sinh ở từng khu vực trong giờ chơi, ngoài các lực lượng phụ trách các lĩnh vực trong nhà trường như bảo vệ, lao công, phục vụ, y tế, thư viện, thực hành ngoại khóa… Tất cả các lực lượng đều được đào tạo và được tổ chức hoạt động rất chuyên nghiệp. Trình độ giáo viên như giáo viên các trường trung học, đều phải qua đào tạo Master (thạc sĩ giáo dục học, hệ 12+5 năm).
Nhân viên chăm sóc học sinh trong giờ chơi có đồng phục riêng, chú ý theo dõi động viên những học sinh quá thụ động và can thiệp kịp thời những nguy hiểm có thể xảy ra cho học sinh quá hiếu động.
3. Biên chế lớp học không quá 20 học sinh mỗi lớp, học sinh được tổ chức học tập và hoạt động cả ngày trong trường từ 9 giờ sáng đến 16 giờ chiều. Các em được tổ chức ăn trưa tại trường.
Mỗi năm học, giáo dục tiểu học Phần Lan chia thành 3 học phần (học kỳ). Giữa mỗi học kỳ, học sinh được nghỉ nửa tháng.
Chương trình học tập của học sinh tập trung vào các môn chính như tiếng Phần Lan, toán, khoa học và đặc biệt là những hoạt động rèn luyện nhân cách, thể chất, thẩm mỹ, nâng cao tinh thần tự tin, năng động, trách nhiệm và thói quen chấp hành pháp luật.

Đoàn công tác cùng Hiệu trưởng Trường Tiểu học Porvoon Keskus Koulu trong thư viện nhà trường

Xem hoạt động ăn trưa của học sinh tại trường, các em học sinh cầm dụng cụ và tự xếp hàng lấy thức ăn rất trật tự, ngay ngắn, gọn gàng. Chúng ta có thể ghi nhận được ý đồ giáo dục của nhà trường không phải chỉ trong lớp, trong giờ học mà quan trọng hơn là giáo dục trong mọi hoạt động, hành vi của các em về trật tự, về tổ chức kỷ luật, về thói quen xếp hàng cho những người công dân tương lai.
Quan hệ thân thiện của giáo viên với học sinh trong ứng xử, giao tiếp và lắng nghe học sinh đã tạo cho các em sự tự tin, tự nhiên diễn đạt ý tưởng của mình và dễ dàng tiếp cận với thầy cô, yêu trường, mến lớp.
Rất khó để tìm thấy một hiện tượng la rầy gắt gỏng của giáo viên với học sinh trong nhà trường và cũng rất khó tìm thấy một phụ huynh có thái độ khiếm nhã với thầy cô giáo ở Phần Lan.
4. Nội dung giảng dạy, căn cứ vào chuẩn kiến thức do Ủy ban Quốc gia giáo dục ban hành, giáo viên đứng lớp có thể biên soạn tài liệu giảng dạy hoặc xuất bản sách giáo khoa để cung cấp cho học sinh. Người giáo viên toàn quyền trong việc thiết kế, tổ chức phương án giảng dạy học sinh theo chuẩn đã định dưới sự quản lý điều hành của hiệu trưởng nhà trường.
Theo cơ chế quản lý chuyên môn này của nhà trường, người giáo viên có điều kiện phát huy năng lực sáng tạo để thiết kế bài giảng phù hợp với đặc điểm, trình độ, ngôn ngữ và sở thích của học sinh.
Để thực hiện được cơ chế quản lý chuyên môn nói trên, giáo dục Phần Lan đã hội đủ được 3 điều kiện cơ bản là Ủy ban Giáo dục quốc gia xây dựng được chuẩn kiến thức của chương trình đào tạo; cơ chế quản lý chuyên môn được phân cấp rõ ràng, khoa học; người giáo viên có đủ năng lực để biên soạn giáo trình và cán bộ thanh tra của cấp quản lý có đủ điều kiện để chế tài nghiêm khắc những sai phạm, nếu có.
5. Đánh giá học sinh, theo quan điểm của giáo dục Phần Lan thì sự đánh giá này không nhằm vào việc khen, chê học sinh mà là để công nhận kết quả quá trình học tập và rèn luyện của học sinh, đồng thời thúc đẩy quá trình tự hoàn thiện của trẻ.
Căn cứ để đánh giá là chuẩn kiến thức và các tiêu chí đã được Bộ GD quy định. Người chịu trách nhiệm đánh giá là giáo viên phụ trách cùng với các lực lượng liên quan như giáo viên dạy lớp, giáo viên ngoại khóa, giáo viên lớp trên. Đặc biệt là có sự tham gia của phụ huynh học sinh và đại biểu của địa phương.
Sự phối hợp các lực lượng trong đánh giá học sinh nói trên thoạt nhìn thấy khá phức tạp, nhưng thực tế ở Phần Lan các trường đã thực hiện khá tốt nhờ vào sự chuẩn bị của giáo viên rất chu đáo, cụ thể. Hơn nữa vai trò tham gia của phụ huynh và địa phương có tác dụng rất tốt trong quá trình giáo dục toàn diện nhà trường và kết nối, nâng cao trách nhiệm của gia đình và xã hội trong việc thống nhất chuẩn mực, giá trị đào tạo của nhà trường trong 3 môi trường giáo dục.
Tham quan một ngôi trường tiểu học ở Phần Lan, một đất nước có nền giáo dục tiên tiến, một lần nữa giúp ta khẳng định hướng đổi mới đúng đắn của Bộ GD-ĐT nước nhà và những bước đi cụ thể đổi mới toàn diện của nhà trường thành phố Hồ Chí Minh.
TS. Huỳnh Công Minh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)