Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Trên đường hội nhập: Bài cuối: Trường trung học phổ thông của một nền giáo dục tiên tiến

Tạp Chí Giáo Dục

Đoàn công tác chụp hình chung với học sinh Trường Trung học Alppilan Lukio Helsinki, Phần Lan

Tương tự như giáo dục Việt Nam và giáo dục các nước trên thế giới, giáo dục trung học có vai trò quan trọng, kết thúc giáo dục phổ thông, chuẩn bị cho học sinh vào các trường đại học, cao đẳng và vào đời. Phần Lan đã tổ chức giáo dục trung học khá hoàn chỉnh bằng cách kế thừa, vận dụng những tinh hoa giáo dục của các nước vào một quê hương ở Bắc Âu thanh bình và rất trân trọng những giá trị học vấn của mình.
1. Trường Alppilan Lukio là một trường trung học phổ thông bình thường, được thành lập cách đây 50 năm (1959), có 35 giáo viên và 434 học sinh từ 16 đến 19 tuổi.
Từ ngoài nhìn vào thì đây là một ngôi trường có cơ sở vật chất nhỏ hẹp, không cầu kỳ về mặt kiến trúc, nhưng khi vào bên trong, những điều kiện phục vụ cho giáo dục toàn diện của nhà trường khá đầy đủ từ sân bãi tập luyện thể chất đến các phòng thực hành, biểu diễn nghệ thuật, thư viện của giáo viên và của học sinh.
Các phòng học ở đây khác với các trường tiểu học, phòng học được bố trí phục vụ cho từng bộ môn riêng biệt với các trang thiết bị phù hợp.
Biên chế lớp học không theo lớp mà theo môn, tùy theo số lượng học sinh chọn môn mà nhà trường xếp lớp theo từng giờ học, mỗi giờ học mỗi lớp được tổ chức từ 10 học sinh trở lên và không được quá 40 học sinh.
2. Năm học được chia làm 5 học kỳ, sau mỗi học kỳ học sinh có 1 tuần để ôn tập và kiểm tra để được công nhận. Học trình của học sinh trung học kéo dài từ 2 đến 4 năm, học sinh muốn tốt nghiệp phải vượt qua 75 đơn vị học phần (tín chỉ) trong đó có 51 tín chỉ bắt buộc về toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học, kinh tế, xã hội và tự chọn các tín chỉ còn lại. Mỗi tín chỉ trung bình có 38 tiết dạy, mỗi tiết dạy kéo dài 45 phút.
Vai trò tự học của học sinh được nâng cao đặc biệt, các em được giao việc (bài tập) để học tập trong trường, trong thư viện suốt ngày có sự hướng dẫn của thầy cô mỗi khi các em cần đến nhưng họ không gọi đó là dạy thêm học thêm.
Sách giáo khoa và bài tập do giáo viên tự viết hoặc biên soạn theo chuẩn kiến thức của Ủy ban Quốc gia Giáo dục ban hành. Ở Phần Lan, họ quan niệm nội dung chương trình, chuẩn kiến thức do Ủy ban Quốc gia Giáo dục ban hành như “cơ thể” con người, còn sách giáo khoa như “chiếc áo” thể hiện qua người “thợ may” khéo léo là giáo viên. Nên sách giáo khoa luôn được cải tiến từ hình thức đến nội dung, phù hợp với sự chọn lựa của từng học sinh.
Nội dung chương trình có thể được cải tiến, bổ sung cứ 5 năm một lần, nhưng sách giáo khoa thì có thể thay đổi từng năm một, tùy theo nhu cầu của học sinh và do những dẫn chứng minh họa trong sách không còn hấp dẫn nữa.
3. Để công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, Phần Lan cũng tổ chức thi cấp quốc gia qua các số môn cơ bản. Kỳ thi tốt nghiệp “extra courses in most subjects” được diễn ra nghiêm túc nhưng nhẹ nhàng theo cơ cấu phân cấp cho địa phương làm đề, trường coi thi và chấm thi dưới sự thẩm định nghiêm khắc của Thanh tra thuộc Bộ Giáo dục. Thi tốt nghiệp phổ thông ở Phần Lan được tổ chức 2 lần/năm vào mùa thu và mùa xuân.
Đất nước Phần Lan chọn ngày 1 tháng 5 hằng năm làm Ngày tốt nghiệp phổ thông của học sinh. Vào ngày này, các em học sinh tốt nghiệp được đội mũ màu trắng (theo mẫu chung, giống như mũ sĩ quan) tham gia các hoạt động tập thể, vui chơi, lễ hội trên các quảng trường, công viên mà cộng đồng xã hội, gia đình phụ huynh đặc biệt quan tâm và trân trọng, tạo niềm tự hào trong từng học sinh và xác định trách nhiệm của những người công dân mới vừa chính thức được công nhận trưởng thành.
Cảm nhận chung nhất sau khi tìm hiểu về một trường trung học của một nền giáo dục tiên tiến ở Phần Lan, chúng ta thấy hoạt động của nhà trường diễn ra rất êm đềm, không ồn ào trong dư luận nhưng rất chắc chắn trong từng hoạt động của từng thành viên nhà trường, thể hiện tính chuyên nghiệp, nền nếp, hiện đại và vững chãi trong quá trình giáo dục học sinh.
Hoạt động của học sinh rất tích cực, năng động trong học tập và sôi nổi trong sinh hoạt.
Hoạt động của giáo viên nhẹ nhàng, thầm lặng nhưng rất chuyên sâu, có tác động sâu sắc đến quá trình học tập của từng học sinh từ khía cạnh tâm lý đến hoạt động học tập, rèn luyện.
Hoạt động của cán bộ quản lý khoa học và bài bản, không ngừng đổi mới để phát triển trong hệ thống tổ chức của ngành và của nhà trường ổn định và nền nếp.
Hoạt động của các bộ phận phục vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, chu đáo, đến nơi đến chốn, thân thiện với mọi người xung quanh và với học sinh.
Về cơ sở vật chất nhà trường không cầu kỳ, không khoa trương hình thức nhưng đủ sức đáp ứng yêu cầu giáo dục thực chất về các lĩnh vực ứng dụng, thực hành.
Nền tảng cơ bản của một nền giáo dục tiên tiến như Phần Lan đã trải qua một quá trình xây dựng lâu dài từ khi giành độc lập năm 1917 đến nay với những chuyển biến thăng trầm, vượt khó. Điều đó nói lên rằng việc xây dựng một nền giáo dục tiên tiến tại Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là vấn đề khả thi, nếu ta có chủ trương, có kế hoạch, có sự đồng thuận và quyết tâm cao trong các lực lượng xã hội, tập trung mọi nguồn lực từ các cấp lãnh đạo đến người dân, từ Trung ương đến địa phương với truyền thống hiếu học vốn có của dân tộc và sự quán triệt sâu sắc quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta.
TS. Huỳnh Công Minh

 

Bình luận (0)