Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trên “trên cả tuyệt vời” là…”bá đạo”?

Tạp Chí Giáo Dục

Tiếng Việt có ba từ chỉ mức độ cao hay được dùng là rất, quá, lắm. Vừa qua, xem chừng chưa diễn tả được hết mức độ nên thêm cực kì, cực. Cũng chưa đủ, đã có thêm trên cả tuyệt vời và hiện giờ có… bá đạo, vãi.

Trên "trên cả tuyệt vời" là..."bá đạo"?
Từ ngữ đường phố, mạng xã hội đang có khuynh hướng bị không ít báo, đài dùng như ngôn ngữ chính – Ảnh minh họa: M.C

Đó là ý kiến của GS. TS Nguyễn Văn Khang (Viện Ngôn ngữ học) khi nói về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên truyền thông hiện nay. 

Ông khẳng định có những nhà báo sáng tạo thật sự và ít nhiều thành công dù "luôn phải đứng trước lựa chọn không đơn giản là chọn ngôn từ cũ, cách viết cũ, an toàn hay lựa chọn ngôn từ mới, sáng tạo để dễ bị coi là dùng sai, thậm chí bị ném đá là làm hỏng tiếng Việt”. 

Ngôn ngữ "an toàn" và "thời trang phá cách"

Tuy nhiên, GS. TS Nguyễn Văn Khang sau khi nêu hai chiều hướng cực đoan tiêu biểu trong sử dụng tiếng Việt là dùng ngôn ngữ an toàn và “thời trang, phá cách”, ông lo ngại thật sự trước một số chiều hướng có nguy cơ làm suy yếu tiếng Việt trên truyền thông.

Cụ thể không ít cơ quan truyền thông thích dùng những tính từ mạnh bạo mà không đúng, thậm chí sai lệch với nội dung bài viết để làm tên, tựa đề bài báo.

Ông nêu: “Có lẽ chưa bao giờ từ tuyệt vời được dùng với tần số cao như hiện nay trong sự phung phí đến mức xa xỉ của những phát ngôn khen xuất hiện trên truyền thông. Trong tiếng Việt có ba từ chỉ mức độ cao hay được dùng là rất, quá, lắm. Nhưng giờ đây xem chừng ba từ này chưa diễn tả được hết mức độ, nên tiếng Việt được cấp thêm cực kì, cực. Vẫn chưa thoả mãn, tiếng Việt lại được cấp thêm từ trên cả tuyệt vời và hiện nay đã có thêm bá đạo, vãi”.

“Nếu theo truyền thống thì vua, vương, hoàng đế mỗi thời chỉ có một, nhưng nay các từ này lại được dùng để chỉ các danh hiệu cao như vua bóng đá, vua sex, nữ hoàng sexy, ông hoàng nhạc nhẹ, nữ hoàng thời trang, nam vương, á vương…

Hay chữ tặc là yếu tố Hán Việt có nghĩa là kẻ cắp, kẻ trộm chỉ xuất hiện trong tiếng Việt trong từ mượn nguyên khối là hải tặc nhưng nay được dùng để tạo ra hàng loạt từ mới như cát tặc, game tặc, cẩu tặc, sưa tặc, đinh tặc…"

Ông nói nửa đùa nửa thiệt: "Theo dự đoán, hoàn toàn có thể có… tình tặc”.

50% bài báo mắc lỗi khi dùng tiếng Việt

Mức độ phổ biến và đáng báo động về những lỗi sai khi dùng tiếng Việt trên truyền thông được PGS. TS Đào Thanh Lan, khoa ngôn ngữ học (ĐH KHXH&NV HN) nêu: Khảo sát 130 bài phóng sự, tường thuật, ký, điều tra, phỏng vấn, dịch thuật trên nhiều tờ báo từ năm 2000-2004 thì có 61 bài có lỗi (50% bài có lỗi).

Xét về kiểu lỗi thì có 4 lỗi thuộc phạm vi văn bản (lỗi đặt tiêu đề chưa phù hợp với nội dung văn bản, lỗi phân đoạn, lỗi dùng phép liên kết giữa các câu, các đoạn trong văn bản) và 93 lỗi thuộc phạm vi câu. Xét về mức độ phạm lỗi trong một bài thì có 39 bài có 1 lỗi; 11 bài có 3 lỗi; 5 bài có 4 lỗi; 2 bài có 5 lỗi; 2 bài có 7 lỗi…

V.V. TUÂN/ TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)