Nhiều người quá bất ngờ và thú vị khi biết một trường tiểu học ở thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) vừa tổ chức lễ tổng kết và tri ân học sinh lớp 5, năm học 2023-2024. Rõ ràng, học sinh từ xưa và cho đến nay, chính là nhân vật trung tâm của giáo dục. Có học sinh mới có lớp học, có trường, có giáo viên, có hiệu trưởng… Có thể nói, giáo dục là một dịch vụ. Nếu vậy thì học sinh là khách hàng. Việc các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tri ân khách hàng là phổ biến và bình thường. Vì khách hàng đem lại sự tồn tại và phát triển thịnh vượng cho doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
Trong điều kiện hiện nay, mặc dù chất lượng dịch vụ giáo dục còn nhiều bất cập, còn đó các hiện tượng giáo viên yếu kém về cả chuyên môn lẫn phẩm chất, nhà trường lại có nhiều hoạt động mang bệnh thành tích và tính hình thức, vô bổ không cần thiết thì sự tri ân học sinh càng trở nên cần thiết và ý nghĩa. Tổ chức lễ tri ân học sinh, một lần nữa các trường học tiệm cận với nguyên lý: “Tất cả vì học sinh thân yêu”, phấn đấu khắc phục các tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, đây là một việc làm thể hiện tinh thần khiêm tốn, cầu thị và tràn ngập ý nghĩa nhân văn của các nhà trường; nên tiếp tục triển khai nhân rộng trên phạm vi toàn quốc!
Có ý kiến cho rằng nội dung trên cần được diễn đạt thành lễ tổng kết ra trường cho học sinh lớp 5, và để các em tri ân giáo viên. Đây là cách làm tốt nhưng không đúng lúc. Học sinh tri ân giáo viên là đúng, phải lẽ nhưng hãy để các em thể hiện tình cảm đó một cách tự nhiên, tại sao nhà trường phải tổ chức cái gọi là “lễ tri ân”?
Tri ân không chỉ thể hiện bằng vài lời nói văn hoa viết sẵn, bó hoa, quà tặng hay bữa tiệc chia tay, mà phải thể hiện bằng tình cảm chân thành, sâu sắc, bền lâu, bằng sự nỗ lực của học sinh trong hành trình tương lai, vươn lên trong cuộc sống để tự lực nuôi thân và cống hiến cho xã hội. Tri ân chỉ có thể tự học sinh, phụ huynh suy nghĩ và hành động; còn từ phía nhà trường và giáo viên tuyệt đối không nên đặt vấn đề. Bởi vì bản chất của hoạt động giáo dục hiện nay là dịch vụ, giáo viên làm công ăn lương, dạy thêm thu phí, có làm không công cái gì đâu mà đòi tri ân?
Chưa nói đến câu chuyện, có rất nhiều giáo viên kiến thức không cập nhật, kỹ năng lỗi thời. Có những giáo viên đạo đức yếu kém, càng trong ngành càng làm học sinh hư hỏng. Như gần đây có một số giáo viên vì lo ảnh hưởng thành tích mà liên tục ép buộc học sinh lớp 9 học yếu không được thi lên lớp 10 công lập, làm phụ huynh bức xúc, gây tổn thương cho học sinh.
Trần Quang Đại (Nghệ An)
Bình luận (0)