Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tri ân lực lượng tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 30-9, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu đã có lời tri ân lực lượng tình nguyện viên tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.


Lực lượng tình nguyện tổ chức bếp ăn hỗ trợ các trung tâm cách ly

Nhằm mục đích lan tỏa thông điệp trong Nhân dân, Tạp chí Giáo dục TP.HCM xin đăng tải toàn văn lời tri ân:

Hãy sống như những đóa hoa

Xin vẫy tay chào và khép lại một chặng đường đã qua với thật nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là chặng đường 100 ngày cả TP gồng mình chống dịch, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc; hàng ngàn y, bác sĩ phải từ giã gia đình xung phong lên tuyến đầu để giành lại sự sống cho bệnh nhân; hàng triệu người dân TP phải gác lại những nhịp sống đời thường để đồng hành trong cuộc chiến; nhiều đội hình tình nguyện trong cộng đồng xã hội từ đó cũng nở rộ để chăm lo cho những mảnh đời khó khăn cũng không ít mất mát, hy sinh nhưng vượt lên trên tất cả, mọi người đã cùng nhau hòa chung nhịp đập: nối vòng tay lớn để hoàn thành sứ mệnh “Vì Thành phố bình yên”, để yêu thương được nối dài và lan tỏa sự ấm áp, sẻ chia…

Xin cảm ơn hơn 300 con người suốt thời gian qua đã sát cánh cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam TP trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Những con người vốn chưa từng quen biết, nay cùng bước song hành trên một mặt trận yêu thương. Làm sao nói hết sự nhiệt tình từ các cô, chú cán bộ hưu trí; các thầy cô của Học viện Cán bộ TP, Đại học Quốc gia TP.HCM, lực lượng tình nguyện viên tăng cường đến từ các ban chuyên môn Thành ủy, sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị – xã hội TP; đội hình shipper tình nguyện, tập đoàn Phương Trang, câu lạc bộ Doanh nhân 2030, các đoàn xe thiện nguyện (đội xe Caravan Việt Nam, đội xe Hiếu Hà…); 5.439 tổ chức, cá nhân tham gia thiện nguyện… Ai cũng có những công việc bộn bề của riêng mình nhưng khi TP cần, họ biết quên mình sẵn sàng góp sức và những chuyến xe nghĩa tình đến các khu phong tỏa, cách ly…

“Chống dịch như chống giặc”, công việc nhiều áp lực và chưa từng trải qua, nhưng với sự quyết tâm mỗi người đều cố gắng vượt lên chính mình để hòa nhập thật nhanh tiến độ. Từ chuyện tiếp nhận, sắp xếp hàng hóa tại 5 kho của Trung tâm An sinh TP; thực hiện thủ tục tiếp nhận, phân phối quỹ và cứu trợ khẩn cấp; tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân; hỗ trợ hoạt động hành chính… đến việc vận chuyển hàng hóa hỗ trợ người dân khó khăn. Công việc nào được phân công cũng chẳng thấy ai so bì, cao thấp bởi mọi người biết cuộc chiến với giặc Covid-19 lần này chắc phải dài lâu.

Chiến trường nào chẳng mất mát thương đau, cũng đôi người ngã bệnh, 14 người bị nhiễm lây Covid-19. Sau thời gian phải cách ly điều trị, khi trở về vẫn phát huy tinh thần của tuổi trẻ: gian khó không lùi, vẫn xung kích, xung phong.

Nhớ ngày đầu tiên nghe điện thoại ghi nhận các ý kiến phản hồi, phản ánh… bạn sẽ phải tập quen dần với những cau có, cằn nhằn…; là đội ngũ thầy cô Đại học Quốc gia TP.HCM bỗng trở thành chuyên gia tâm lý: giải đáp, tư vấn cho người dân rõ về các gói hỗ trợ và ân cần chia sẻ những tâm tư; là những bếp ăn từ thiện với hàng ngàn suất ăn thiện nguyện, kịp thời chuyển đến với các lực lượng nơi tuyến đầu, các chốt trạm kiểm soát… để các y, bác sĩ, công an, biên phòng, dân quân thêm ấm lòng, kể cả những suất ăn khuya; là 605 tu sĩ các tôn giáo tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện điều trị Covid-19, các vị đã nêu cao tinh thần bác ái, thắp sáng tình yêu thương con người để phụng sự và hỗ trợ các y, bác sĩ chăm sóc các bệnh nhân; là tổ cấp giấy đi đường làm việc chẳng kể ngày đêm, để kịp hỗ trợ cho những chuyến xe thiện nguyện đến những khu cách ly, phong tỏa còn nhiều gian khó; hay đội ngũ shipper, tình nguyện viên SOS… quên ăn băng mình giữa trời trưa nắng nóng hay giữa cơn mưa ào ào như trút nước, bởi “những túi an sinh người dân đang rất cần, không thể lãng phí mỗi phút giây…”

Nhớ cả khi TP tiến hành các đợt giãn cách dài lâu, tại khu cách ly, phong tỏa xuất hiện nhiều mô hình thiết thực của các mạnh thường quân giúp người dân sớm ổn định cuộc sống: “Phiên chợ yêu thương”, “Gian hàng 0 đồng”, “Tủ lạnh 0 đồng”, “Siêu thị nghĩa tình”, ATM gạo, ATM khẩu trang, “Đi chợ giúp dân”… Vậy đó, người TP trước giờ vốn giàu tình nghĩa, chắc chắn sẽ chẳng bao giờ chịu bỏ ai ở lại phía sau.

Xin cảm ơn đội ngũ phóng viên báo chí đã sát cánh cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam TP trong trận chiến cam go chống giặc Covid-19 với những tuyến bài rất kịp thời, xúc động. Hành trình vừa qua, xin được vẫy tay chào và hẹn gặp nhau trên những cung đường mới, chúc mạnh khỏe, bình an, đôi chân thêm vững vàng tiếp bước những ngày sau…

Còn nhiều điều chưa thể làm bởi lực bất tòng tâm. Phía sau cuộc hành trình còn là những tâm tư và bao nỗi niềm trăn trở: cán bộ Mặt trận cơ sở quận, huyện, TP Thủ Đức trong suốt thời gian qua chịu thật nhiều áp lực. Có rất nhiều người bỗng trở thành F1, F0; là những đêm trắng với những công việc không tên. Họ miệt mài làm bằng cái tâm trong sáng nhưng đôi lúc bị hiểu lầm – không một tiếng cảm ơn!

Chúng ta đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa”, cùng nắm chặt tay nhau chung sức đồng lòng vững tin TP thân yêu của chúng ta sẽ trở lại trạng thái bình thường mới và sớm vượt qua đại dịch. Hãy sống như những đóa hoa hướng dương: lan tỏa nghìn việc tốt, sẻ chia sự tử tế, cùng nhau hướng về phía mặt trời để bóng tối khuất sau lưng.

T.A

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)