Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ tháng 6 đến tháng 9-2021) đã cướp đi mạng sống của rất nhiều người dân TP.HCM. Ở giai đoạn ấy, nhiều người mất đi mà không có người thân bên cạnh; nhiều em bé vừa chào đời đã mất mẹ, còn cha thì không thể bên cạnh… Chính vì vậy, sự xuất hiện của lực lượng tiếp nhận, bảo quản, xử lý thi hài, bàn giao tro cốt nạn nhân tử vong do Covid-19 và chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm Covid-19 là rất đáng trân quý.
Lực lượng quân đội tham gia đưa hài cốt những người tử vong do Covid-19 về với gia đình
Đưa hơn 20 ngàn người tử vong về nhà
Thiếu tướng Lê Xuân Thế, Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TP.HCM – nhớ lại, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hơn 36.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang TP đã có mặt tại tất cả các điểm nóng về dịch bệnh. Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, số ca nhiễm và tử vong trên địa bàn TP tăng nhanh, các bệnh viện đều quá tải từ cứu chữa người bệnh đến lưu giữ thi hài các nạn nhân tử vong do Covid-19. Trong cộng đồng, công tác xử lý thi hài còn nhiều bất cập, chưa đúng theo quy định phòng dịch của Bộ Y tế; các trung tâm hỏa táng của TP dù hoạt động hết công suất nhưng luôn trong tình trạng quá tải.
Trước yêu cầu cấp bách đó, Bộ Tư lệnh TP được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp điều hành công tác tiếp nhận, xử lý thi hài và bàn giao tro cốt. Bộ Tư lệnh TP đã thiết lập các nhà trữ lạnh bảo quản thi hài tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Nhà tang lễ TP, Bệnh viện dã chiến số 14, Nghĩa trang chính sách TP.
Bộ Tư lệnh thành lập 7 đội công tác đặc biệt làm nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý, bảo quản, khâm liệm và hỏa táng thi hài; 3 tổ vận chuyển tro cốt từ các trung tâm hỏa táng về Nhà tang lễ TP; 22 đội công tác đặc biệt của quận, huyện và TP.Thủ Đức để hàng ngày tiếp nhận hũ tro cốt từ Nhà tang lễ bàn giao cho thân nhân các gia đình…
Hơn 500 cán bộ, chiến sĩ, dân quân lực lượng vũ trang TP đã tình nguyện tham gia các đội công tác đặc biệt, bằng tình cảm, trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, hiểm nguy để thực hiện tốt đạo lý, truyền thống của dân tộc. Khi dịch Covid-19 được cơ bản khống chế, các đội công tác của Bộ Tư lệnh TP đã tiếp nhận, bàn giao 20.488 hũ tro cốt cho các gia đình có người thân tử nạn vì Covid-19 trên địa bàn TP và 50 tỉnh, thành trong cả nước.
Là một trong 500 cán bộ, chiến sĩ đó là anh Võ Đình Mật (Sư đoàn 370). Mỗi ngày, anh cùng đồng đội chở hàng chục quan tài từ các tỉnh lân cận đến các bệnh viện dã chiến để bỏ các bệnh nhân tử vong do Covid-19 vào sau đó đưa đến các nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng. Tận mắt nhìn thấy những người tử vong mỗi ngày một tăng thôi thúc anh và đồng đội phải làm tốt công việc hậu sự để các đơn vị khác sớm bàn giao tro cốt về cho gia đình người xấu số.
Chị Nguyễn Thị Hà – giáo viên Trường Mầm non Đông Nam Á – tại buổi tri ân
“Cứ có lệnh là chúng tôi lên đường bất kể ngày đêm. Chúng tôi chỉ mong công việc của mình phần nào xoa dịu nỗi đau của các gia đình có người mất do Covid”, anh Mật tâm sự.
Tháng 8-2021, anh T.V.D – dân quân xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ – tình nguyện về Đồng Nai tham gia công việc hỏa táng những người tử vong do Covid-19. Lần đầu tiếp nhận xử lý các thi hài khiến anh vô cùng sợ hãi.
“Tuy nhiên được sự động viên của các anh, các chú làm cùng, chứng kiến người thân các nạn nhân tử vong Covid-19 đến viếng, thắp hương khiến tôi vô cùng xúc động. Thấy việc làm của mình có ý nghĩa, tôi luôn tự nhủ cố gắng mỗi ngày để các nạn nhân sớm được về với gia đình”, anh D. chia sẻ.
Những “người mẹ” của trẻ sơ sinh mồ côi vì Covid-19
Trong đợt dịch bùng phát lần 4, H.O.P.E – trung tâm đầu tiên và duy nhất ra đời để chăm sóc các trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm Covid-19 đã được thành lập. Bằng nỗ lực và quyết tâm của Bệnh viện Hùng Vương cùng sự đồng hành và hỗ trợ của UBND TP, Sở Y tế TP, hàng trăm tình nguyện viên là cô giáo mầm non, nhân viên văn phòng, nữ tiếp viên hàng không, sinh viên… đã tham gia. Theo đó, Trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm Covid-19 đã nuôi dưỡng và chăm sóc 259 trẻ trong suốt 4 tháng.
Chị Nguyễn Thị Hà – giáo viên Trường Mầm non Đông Nam Á, Q.Bình Tân – là một trong những thành viên của H.O.P.E. Chị Hà kể lại: “Lúc đó tôi đang cách ly tại nhà, hay tin có Trung tâm H.O.P.E nên đã đăng ký đến chăm sóc trẻ. Tại H.O.P.E, mỗi phòng có khoảng 20 trẻ, tôi cùng 4 bảo mẫu thay phiên cho trẻ uống sữa, thay tã, ru ngủ… Lúc đó tôi mới 20 tuổi, chưa có gia đình, chưa từng sinh con, nhưng với kinh nghiệm chăm sóc trẻ mầm non, cộng thêm sự hướng dẫn của các y tá, điều dưỡng nên tôi rất tự tin khi chăm sóc các bé. Với chúng tôi, lúc bấy giờ được trao những em bé khỏe mạnh về với vòng tay yêu thương của gia đình là lúc vỡ òa hạnh phúc. Cảm xúc ấy giúp chúng tôi vượt qua nỗi sợ hãi Covid-19 để chăm các bé được tốt nhất”.
Mới đây, UBND TP.HCM đã tổ chức họp mặt tri ân các lực lượng tiếp nhận, bảo quản, xử lý thi hài, bàn giao tro cốt nạn nhân tử vong do Covid-19 và chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm Covid-19. Tại đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, ngay sau khi cơ bản kiểm soát dịch bệnh, TP đã tổ chức rất nhiều hoạt động để tri ân các cơ quan Trung ương, các tỉnh/thành, cộng đồng doanh nghiệp, kiều bào, các cơ quan ngoại giao… đã từng chia sẻ với TP để vượt qua khó khăn, thử thách trong những ngày tháng đương đầu với đại dịch Covid-19. Đặc biệt, TP đã tổ chức nhiều đợt tri ân các lực lượng tuyến đầu, đội ngũ chiến sĩ áo trắng, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang từ TP đến cơ sở, nhất là hệ thống chính trị cơ sở… “Những buổi tri ân là để nhớ lại thời khắc khó khăn chúng ta đã vượt qua bằng ý chí, nghị lực và lòng yêu thương; lấy đó làm bài học trên chặng đường tiếp theo trong quá trình xây dựng và phát triển TP”, ông Nên nhấn mạnh. |
70 ngày tình nguyện chăm sóc trẻ tại Bệnh viện Hùng Vương, chị Trần Thị Huyên (nhân viên Bến Thành Tourist) và các bảo mẫu khác cũng đã trao hàng trăm trẻ khỏe mạnh, an toàn về với gia đình. Đến bây giờ nhớ lại, chị Huyên vẫn không giấu được xúc động: “Trẻ vừa chào đời phải cách ly mẹ là đã rất thiệt thòi, đằng này có những trẻ rất đáng thương, mấy tháng liền không thấy mẹ ruột đến đón, chỉ có ông bà hoặc người thân. Thương trẻ, chúng tôi không cảm thấy mệt mỏi dù phải thức đêm chăm sóc, dỗ dành các con”.
Đã 2 năm trôi qua, thỉnh thoảng chị Huyên và các đồng nghiệp lại tổ chức đi thăm những đứa trẻ năm xưa. Nhìn các bé đã biết chạy, vui đùa bên gia đình khiến chị vô cùng hạnh phúc.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)