Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Tri ân những tấm gương thầm lặng

Tạp Chí Giáo Dục

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chụp hình lưu niệm cùng các thầy  cô đang dạy ở điểm trường của huyện nghèo

Chiều 12-11, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT phối hợp cùng TW Đoàn, Tập đoàn Thiên Long đã tổ chức Lễ tri ân 64 thầy cô giáo tiêu biểu đang công tác tại điểm trường thuộc 62 huyện nghèo của cả nước. Đây là hoạt động hướng tới chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Nhà giáo vùng khó

Cô Đàm Thu Thủy, sinh năm 1990, công tác tại một trường mầm non huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Cô đã có 4 năm làm việc trong ngành. Sinh ra và lớn lên tại Phú Thọ, sau khi học xong, lên công tác tại Bắc Hà. “Khi lên công tác biết là khó khăn nhưng không ngờ khó khăn đến vậy. Khó nhất là bất đồng ngôn ngữ, 100% học sinh là dân tộc H’Mông, lớp ghép 3 độ tuổi” – cô Thủy cho biết. Còn cô Phùng Thị Huyền, 25 tuổi, công tác tại một trường mầm non, huyện Mường Nhé, Điện Biên cho biết, cô công tác cách điểm trường chính 6km, có 25 học sinh. Mường Nhé là một huyện khó khăn của Điện Biên nên học sinh mầm non đến trường có khi không có quần hoặc không có áo và phần lớn không có dép để đến lớp. Nơi cô Huyền công tác chưa có điện lưới, nhận thức của người dân còn hạn chế. Sự vất vả nhất khi tiếp nhận công tác tại đây của cô Huyền chính là bất đồng ngôn ngữ. Nhưng qua thời gian, cùng với sự tự học hỏi, cô đã học được tiếng địa phương. Tình cảm giữa cô và trò gắn bó hơn. Điều cô mong muốn nhất hiện nay là nơi công tác có lớp học khang trang, đầy đủ cơ sở vật chất. Cũng đến từ vùng khó, cô Nguyễn Thị Hạ ở Trường TH Xuân Đài, huyện Tân Sơn, Phú Thọ, cho biết cô đã cống hiến cho giáo dục hơn 20 năm nhưng trong đó hơn 10 năm sau mới được vào công chức. Mấy năm nay đường đi đến trường đã thuận lợi hơn, trước đây từ nhà đến trường khoảng 20km nhưng đi bộ mất 6km. Con nhỏ, cô vẫn cố gắng sáng đi tối về. Vất vả nhưng nghĩ đến học sinh nên cô vẫn cố gắng.

Thầy Nguyễn Văn Bình

Đến từ Tây Nguyên, cô Tạ Thị Hương, Kon Tum đã công tác trong ngành 20 năm, trong đó, cô có 15 năm công tác ở đồng bằng, 5 năm lên miền núi nên thấm thía được học sinh miền núi vất vả thế nào. 15 năm công tác ở Bắc Giang, nơi rất gần với Hà Nội, khi bước chân lên Kon Tum, cô không thể hình dung sao nước mình lại có vùng còn khó khăn như thế. “Chính vì vậy tôi dồn hết tâm tư, tình cảm của mình cho các em. Đến Kon Tum, tôi xin đi công tác ở điểm lẻ, ở nơi không có sóng, không có điện, ngôn ngữ bất đồng. Chúng tôi cố gắng để các em có phần nào đó bằng các em miền xuôi. Việc dạy dỗ các em đã vất vả, chúng tôi còn phải vận động các tổ chức mua sách, bút cho các em. Mong tạo điều kiện thiết thực nhất để học sinh được đến trường” – cô Hương tâm sự. Trong khi đó, cô Lê Thị Hằng, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa, cũng đã chọn dạy ở địa điểm khó khăn không đường, không điện của huyện. Thứ bảy, chủ nhật hàng tuần được về thị trấn, cô phải gánh gạo, thực phẩm lên dạy các em. Không xa trung tâm nhưng đường mòn đi lại khó khăn. Cô đã công tác ở vùng này 15 năm. “Điều tâm huyết nhất của tôi là thương các em, thương đồng bào còn rất khó khăn. Năm đầu tiên, tôi thấy có em vừa cầm cơm nguội vừa chấm muối, vừa đi vừa ăn. Điều này tạo động lực để tôi ở lại. Tôi ở lại dạy các em và dạy bà con làm ăn. Bà con không còn khó khăn nữa nhưng điện vẫn chưa có. Khi nào về thị trấn, thứ tôi mang theo là khoảng 10 cái bút chữ A, vài quyền vở, một ít thuốc sơ cứu. 54 tuổi công tác 36 năm. Lần đầu tiên tôi được về Hà Nội, dù Thanh Hóa cách Hà Nội không xa nhưng chúng tôi không có điều kiện để đi” – cô Hằng tâm sự.

Cô Phùng Thị Huyền

Thầy Nguyễn Văn Bình, Trường TH số 2 Trà Phong, huyện Tây Trà, tỉnh  Quảng Ngãi, sinh ra ở miền biển, một vùng quê nghèo, thầy  thấy nhiều đứa trẻ không đi học nên ấp ủ ước mơ được làm thầy giáo. Tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Quảng Ngãi năm 2005, thầy Bình tình nguyện lên huyện Tây Trà công tác. Trường TH Trà Phong có 200 em. Điểm trường thầy dạy chỉ có lớp 5. “Những ngày đầu lên công tác, nhớ nhà, trời lại lạnh, nhưng thương bọn trẻ, mùa lạnh không có quần áo, không có dép đến lớp, mà mỗi bài giảng của thầy lại chăm chú lắng nghe. Nó như điều gì níu chân mình lại” – thầy Bình tâm sự. Chính vì vậy, thầy muốn góp phần nhỏ bé của mình cho các con, muốn các con học được nhiều chữ hơn. “Nhà dân ở đây còn nhiều thiếu thốn, chỉ tranh tre, nứa lá, có khi chỉ căng cái bạt lên. Mùa nóng thì nóng như hun, còn mùa lạnh thì lạnh như cắt. Nói thật, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi không nghĩ lại có những vùng khó khăn như thế” – thầy Bình chia sẻ thêm.

Tri ân thầy cô

Cô Nguyễn Thị Hạ

Tại lễ tri ân, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết trong những năm qua, chúng ta đã hoàn thành mục tiêu xóa mù và hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục, chất lượng giáo dục của chúng ta có những mặt được nâng lên và có những mặt đã sánh ngang với thế giới. Có những thành tích đó, nhờ sự tâm huyết của các thầy cô giáo. 64 thầy cô ở điểm trường lẻ trong đó có 20 thầy và 44 cô giáo. Làm giáo dục dạy chữ, dạy người được Đảng và Nhà nước rất quan tâm nhưng còn khó khăn, ở các vùng khó khăn còn vất vả hơn nhiều. 64 gương mặt hôm nay mỗi người có một hoàn cảnh nhưng đều tâm huyết với giáo dục. Nhiều thầy cô giáo đã bỏ tiền mua áo quần cho học sinh, chăm cho các em từng miếng ăn, giấc ngủ. Đó là điều đáng trân trọng. “Thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các thầy, cô tiếp tục cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần to lớn vào sự nghiệp “trồng người” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ.

Xúc động trước những câu chuyện của cô giáo vùng cao, tại buổi lễ, ông Nguyễn Phi Long – Chủ tịch Liên hiệp Hội Thanh niên Việt Nam – cho biết sẽ “tặng” điểm trường của cô giáo Phùng Thị Huyền tại huyện Mường Nhé, Điện Biên một ngôi nhà khang trang như cô mong ước. “Và dự kiến, ngôi nhà sẽ được khởi công xây dựng ngay vào đầu năm 2016”, ông Long quả quyết.

Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)