Nhạc sĩ Nguyễn Nam (ảnh nhân vật cung cấp) |
Ở Đài Truyền hình TP.HCM có hai “ông Nam”. Nếu như “ông Nam” thứ nhất được biết đến với chức danh to đùng – Tổng giám đốc Đài Truyền hình, con trai của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ nổi tiếng với câu thơ bất hủ “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” – Huỳnh Văn Nam thì “ông Nam” thứ hai lại được nhắc đến là tác giả của những ca khúc ăn khách hơn vai trò Trưởng ban Ca nhạc. Đó chính là nhạc sĩ Nguyễn Nam.
Quý hồ tinh bất quý hồ đa
Gặp nhạc sĩ Nguyễn Nam, nếu ai đó “vô tình” hỏi hố: “Ông năm nay bao nhiêu tuổi?” sẽ nhận được ngay một nụ cười… vặn lại: “Nghệ sĩ thì làm gì có… tuổi!”. Tuổi của người nghệ sĩ được đo đếm bằng độ bất hủ, bằng lớp bụi thời gian phủ lên công trình nghệ thuật họ để lại cho đời. Và những sáng tác của Nguyễn Nam, hầu như chưa bao giờ lên bụi. Tôi đến gặp anh, lần đầu với tâm thế là lời nhận xét của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Không hiểu sao cái mặt Nguyễn Nam trông… ó đâm thế” để rồi ngỡ ngàng nhận ra, sau “khoảnh khắc ó đâm” thì nhạc sĩ là một người hoàn toàn gần gũi, xởi lởi và vui tính khi trò chuyện.
Tốt nghiệp hai trường đại học (Trường Đại học Vạn Hạnh và Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn chuyên ngành Việt – Hán), chưa từng qua một trường lớp đào tạo về âm nhạc nào và cũng không viết nhiều, nhưng nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Nam là người ta nhớ ngay đến những ca khúc rất được yêu thích như: Tình ca cho em, Dòng sông và tiếng hát, Xa rồi mùa đông, Bay cao tiếng hát ước mơ… và đặc biệt là âm vang vui nhộn của Dịu dàng sắc xuân giúp nhạc sĩ đoạt giải Mai vàng. Sinh ra ở Thừa Thiên – Huế, những năm 70, Nguyễn Nam tham gia vào các phong trào học sinh sinh viên tranh đấu tại Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn. Lúc này, anh là nhạc sĩ sáng tác và cũng là giọng ca đầu đàn của phong trào. Trong không khí sục sôi ấy, Nguyễn Nam đã viết nên ca khúc Thư gửi người em gái Sài Gòn để cổ vũ cho phong trào học sinh, sinh viên. Đây cũng là ca khúc đầu tay của anh cho đến nay vẫn còn ghi dấu trong lòng người mộ điệu.
Tôi hỏi Nguyễn Nam: “Chọn “nghề” viết nhạc để gắn bó còn chuyên ngành được học trong những năm tháng giảng đường lại… để gió cuốn đi sao?”. Anh cười, đáp: “Tôi cũng không lý giải được. Mê sáng tác nên… cứ có cảm hứng là tôi viết. Khi nào tôi cảm thấy phải viết thì lập tức quên đi tất cả để cảm xúc được thăng hoa. Thậm chí công việc bề bộn, bận rộn mà nhiều khi vẫn muốn thoát ra để sống riêng cho nghệ thuật”.
Viết chậm và ít nhưng hầu như tác phẩm nào của Nguyễn Nam khi ra mắt đều có một chỗ đứng nhất định và được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Không chỉ vậy, có thể nói, Nguyễn Nam còn chắp cánh cho nhiều ca sĩ khi thể hiện những sáng tác của anh. Cơ hội để Phương Thanh thật sự được biết đến phải kể đến ca khúc Xa rồi mùa đông nhờ khả năng “thể hiện đến nốt mí”, Đàm Vĩnh Hưng tự nhận nhạc sĩ Nguyễn Nam “là người cha thứ hai, cho tôi nhiều cơ hội nhất trong những ngày gian khó”, còn ca sĩ Hồng Hạnh nhận giải thưởng Mai vàng khi thể hiện Tình ca cho em, định hình nên “thương hiệu” Người đàn bà xõa tóc hát tình ca trong lòng giới yêu nhạc…
Còn nhiều trăn trở
Âm nhạc của Nguyễn Nam, theo anh, sở dĩ được công chúng yêu mến là sự chân thực trong từng tác phẩm. Ca khúc do anh sáng tác thường xuất phát từ những câu chuyện, trải nghiệm và xúc cảm từ cuộc sống, từ đời thật của mình hay bè bạn. Do vậy, khi viết nhạc, ngôn từ anh sử dụng thường đơn giản, không cao siêu và cảm xúc không phơi bày thực dụng. Đó là lý do giúp nhạc của anh dễ nghe và cũng không “kén” người thể hiện. Như bài hát Khung trời đại học. Theo nhạc sĩ Nguyễn Nam: “Sự chân chất, gần gũi của ca từ trong bài hát này là do tôi cố ý viết. Đó chính là bản chất trong sáng của sinh viên và những sinh hoạt của họ trên giảng đường, nhà trường”. Để chứng minh, nhạc sĩ Nguyễn Nam cho tôi nghe lại ca khúc này. Anh kể: “Làm việc ngay bên ngôi trường ngày xưa tôi từng học (Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn nay là Trường Đại học KHXH-NV TP.HCM – PV) cho nên mỗi ngày đi làm, lắng nghe “không khí” của giảng đường, tôi thường nhớ về thầy cô, bạn cũ. Hoài niệm về tuổi ngọc tuổi ngà một trời thương một trời nhớ trở thành sự trăn trở, ấp ủ để tôi viết nên ca khúc này”. Để rồi khi lắng nghe Khung trời đại học của anh, ai trong chúng ta cũng đều có chung niềm thổn thức, như sống lại từng kỷ niệm từ những năm tháng trên giảng đường đại học. Trong không khí của tháng 11 – tháng tri ân người thầy, Nguyễn Nam cho biết trong cuộc đời của anh, nỗi nhớ thương nhiều nhất chính là người thầy đầu tiên cho anh biết yêu thương, biết cảm nhận cuộc sống. Thầy tên Chương, giáo viên văn của Trường Tiểu học Nam Đà Nẵng. Bấy giờ, nhạc sĩ đang học lớp 4. Anh khẳng định: “Chính cách dạy văn, lối cư xử ân cần gần gũi của thầy Chương đã cho tôi một cái nhìn trọn vẹn về đời sống tinh thần thông qua những câu văn, chuyện kể”. Theo nhạc sĩ, đây có lẽ là lý do giúp anh có được một đời sống tâm hồn phong phú, nhiều cảm xúc để từ đó viết nên những tác phẩm có chất lượng, mang đậm dấu ấn… Bây giờ, dù bận bịu với công việc hàng ngày, không có nhiều thời gian nhưng nhạc sĩ vẫn tranh thủ về thăm thầy cũ trường xưa vào những khi anh thấy lòng thật nhớ…
Sau thành công của Xa rồi mùa đông, Dòng sông và tiếng hát… mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Nam lại “tái ngộ” thính giả bằng ca khúc Hà Nội – Tôi và em, nhân kỷ niệm thủ đô 1.000 năm tuổi. Tuy nhiên, trăn trở “thường trực” trong lòng anh lúc này lại chính là đề tài về mẹ. Anh cho hay: “Mấy mươi năm theo nghề sáng tác, tôi chưa từng viết ca khúc nào về mẹ. Và có lẽ chưa bao giờ đề tài mẹ thôi thúc, day dứt tôi nhiều như lúc này đây”. Mẹ của anh đã không còn nhiều sức khỏe, vì vậy, anh không giấu: “Tôi muốn viết về mẹ bằng sự biết ơn và tất cả nỗi lòng của một người con nên lần nào viết xong tôi cũng thấy không vừa lòng và… xé bỏ”.
Tuyết Dân
Sự nghiêm khắc và khó tính với chính mình khi viết, với nhạc sĩ Nguyễn Nam, xuất phát từ quan niệm một tác phẩm muốn thành công, có chỗ đứng thì không những người nhạc sĩ khi viết xong phải cảm thấy bằng lòng mà công chúng còn hiểu, đồng cảm và hòa mình với nó. |
Bình luận (0)