Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tri ân thầy cô bằng âm nhạc: Bài 2: Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung: Nhớ mãi “Tháng năm học trò”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung

Không chỉ nổi tiếng với nhạc phim, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung còn được nhiều thế hệ học trò biết đến qua các ca khúc viết về thầy cô, mái trường như: Lời thầy cô, Tháng năm học trò, Thầy cô vẫn hát…
Dù rất bận nhưng khi biết tôi muốn trao đổi về những ca khúc thời áo trắng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung đã dành cho tôi một cái hẹn. Gặp nhau tại Hội Âm nhạc TP.HCM, tôi được nghe anh “trải lòng” về những “tháng năm học trò” của mình nhân Ngày 20-11 sắp tới.
Tìm về những “tháng năm học trò”
Khi nhắc đến những bài hát về thời áo trắng ngây thơ, anh không ngần ngại hát cho tôi nghe những câu “Ngày xưa bé mới đến trường. Mẹ đưa đến lớp, nước mắt như mưa… Thời gian mong sao chớ quên công ơn cô thầy, ngày xưa đến trường…” rất ngẫu hứng. Những ca từ mượt mà với giai điệu thân thương ấy đã trở nên quen thuộc với bao thế hệ học sinh, thậm chí nhiều người lớn cũng thuộc nằm lòng. Nói về những ca từ trên, nhạc sĩ xuất thân từ môi trường thanh niên xung phong cho biết: “Đó là ca khúc Tháng năm học trò được viết ở thập niên 80”. Bài hát là một kỷ niệm của tuổi thơ mà chính nhạc sĩ đã trải qua. Sau khi đoạt giải, ca khúc này được công chúng yêu âm nhạc đón nhận rất nồng nhiệt. Đây cũng là động lực để anh tiếp tục sáng tác những bài hát viết về “người đưa đò” như Lời thầy cô, Thầy cô vẫn hát…
Hiện nay, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung đảm nhận vai trò của một nhạc sĩ, thầy giáo, người dẫn chương trình và đôi khi là một ca sĩ. Khá có duyên với chủ đề thầy cô và học trò, nhưng khi được hỏi ca khúc nào là tâm đắc nhất, anh vẫn “khó” trả lời. Bởi như chính anh đã nói, mỗi ca khúc là một niềm cảm hứng riêng và người sáng tác sử dụng bút pháp riêng trong từng chủ đề. Riêng với chủ đề lứa tuổi học trò, khi đặt bút viết, ngoài cảm hứng sáng tác trong anh còn chứa đựng một tinh thần trách nhiệm rất cao. Những ca từ phải được chọn lựa kỹ càng sao cho thật trong sáng, đáng yêu. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung luôn quan niệm những tác phẩm do mình viết ra không chỉ mang tính giải trí đơn thuần mà phải là hành trang để bạn trẻ bước vào đời. Vì thế, ca từ cũng như nhạc điệu trong từng sáng tác của anh luôn sống động và rất gần gũi với lứa tuổi học trò.
Thầy cô là thần tượng
Có rất nhiều người thầy, người cô đã giúp nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung trưởng thành trên con đường âm nhạc của mình như nhạc sĩ Thế Bảo, cô Bình Trang, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ… Với anh, thầy cô là thần tượng rất đặc biệt. Có lần trong lớp học, khi đang giảng bài say sưa, cô giáo không may bị vấp té. Cả lớp anh nhao nhao lên, đứa khóc, đứa hét, rồi xúm nhau chạy lại đỡ cô dậy (dù lúc ấy rất nhỏ). Và anh nhớ không lầm mình là người khóc nhiều nhất. Rồi lúc cô ngã bệnh, anh lại vội vàng chạy đến chăm sóc cô. Tuổi thơ của anh là những tháng năm gắn bó với thầy cô của mình. “Khi lớn lên, tôi nhìn thầy cô của mình với góc độ, tư tưởng khác và luôn kính trọng họ. Chính điều đó đã giáo dục tôi sau này cố gắng trở thành người thầy tận tâm với học trò của mình” – nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung chia sẻ.
Vốn xuất thân và trưởng thành từ môi trường thanh niên xung phong (tham gia Đoàn văn công lực lượng thanh niên xung phong TP.HCM), sau đó trở về học Nhạc viện Sài Gòn – Khoa Sáng tác, vì thế với anh: “Môi trường thanh niên xung phong là một môi trường rất tốt để những ai có ý chí và đam mê biết vươn lên. Tôi may mắn trưởng thành từ môi trường đó”. 21 năm tham gia lực lượng thanh niên xung phong đã tạo nên chất liệu “tốt” cho rất nhiều ca khúc thành công của anh sau này. Từ bài hát đầu tay Tiếng hát em như một dòng sông đến Hạt mưa long lanh, Đêm rừng Đăk Min… cho đến sau này là những ca khúc trong hai phim là Đồng tiền xương máu, Giã từ dĩ vãng… đều chất chứa những gam màu của cuộc sống rất sống động và một niềm tin lạc quan yêu đời. Không chỉ thế, anh còn viết nhạc cho nhiều vở kịch như Tin ở hoa hồng, Kẻ ghét đời, Ba chàng ngự lâm… Thế nhưng, dù có viết ở lĩnh vực nào đi nữa thì mảng âm nhạc về lứa tuổi học trò vẫn mãi đậm sâu trong ký ức anh.
Hiện nay, ngoài chức danh là ủy viên Ban chấp hành Hội Âm nhạc TP.HCM, anh còn bận rộn với công việc là một giáo viên dạy thanh nhạc, là một ca sĩ, một MC, một người tổ chức nhiều hoạt động âm nhạc cho giới học sinh – sinh viên.
Bài, ảnh: Nguyên Hải

Phần thưởng xứng đáng cho những tháng năm miệt mài sáng tạo trên con đường âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung chính là Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng của Bộ Văn hóa Thông tin; Huy chương danh dự của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Huy chương Vì thế hệ trẻ… Thế nhưng, niềm vui lớn nhất của Nguyễn Đức Trung là những ca khúc anh viết về thầy cô đến nay vẫn còn in đậm trong tâm trí bao thế hệ học sinh.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)