Nhạc sĩ Phan Hồng Sơn |
Nói về nhạc sĩ Phan Hồng Sơn là nói về một cuộc đời gắn bó với âm nhạc. Cơ duyên để anh trở thành một nhạc sĩ bắt nguồn từ những lần “lấn sân” do nhận thấy khả năng âm nhạc mình còn… yếu.
Một cuộc đời nghệ thuật
Nhạc sĩ Phan Hồng Sơn hiện là Phó ban Ca nhạc, Đài Truyền hình TP.HCM. Anh từng tốt nghiệp Khoa Sáng tác Nhạc viện TP.HCM, trong sự nghiệp sáng tác của mình, anh không định danh bằng số lượng tác phẩm. Nhưng nhắc đến nhạc sĩ Phan Hồng Sơn là người yêu âm nhạc nhớ ngay đến những ca khúc trữ tình, sâu lắng: Khánh Hội và em, Nỗi nhớ quê xa, Tháng giêng hò hẹn, Huyền thoại một đời người…
Lớn lên từ những phong trào văn nghệ, nhưng con đường thực sự để Phan Hồng Sơn trở thành một nhạc sĩ lại bắt nguồn từ ý thức cá nhân. Anh kể: “Hồi còn công tác ở Sở Văn hóa Thông tin, nhiệm vụ chủ yếu của tôi là tham gia xây dựng các phong trào nghệ thuật cổ động quần chúng. Bấy giờ nhạc công còn ít, hầu hết anh em phải tự thân vận động, ai biết gì chơi nấy. Tôi biết đánh guitar nên… đánh. Nhưng tôi nhận thấy sự thiếu chuyên môn của mình đã dẫn đến các tiết mục không được quy củ, bài bản. Đến khi sinh hoạt tại Câu lạc bộ sáng tác Thành đoàn TP.HCM do nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang phụ trách, tôi càng thấy mình yếu kém hơn. Lúc này tôi cũng tập tành viết một số bài nhưng không ưng ý nên xé bỏ. Sự thiếu chuyên môn khiến tôi luôn mong muốn được học hỏi để hoàn thiện mình”. Sau một thời gian công tác, anh được sở cho theo học tại Trường Lý luận nghiệp vụ văn hóa. Đam mê sáng tác là động lực giúp anh vượt qua gian khó để học tập, cả khoảng thời gian 8 năm tu nghiệp tại Nga của anh cũng không ngoài mục đích muốn hoàn thiện mình hơn trong lĩnh vực âm nhạc.
Tác phẩm mới nhất của anh được nhiều người mến mộ là ca khúc Để mai sau là huyền thoại. Đây là bài hát và có lẽ cũng chính là quan điểm sống của nhạc sĩ Phan Hồng Sơn, của một người dành hết tâm huyết cho âm nhạc.
Bài ca… tặng vợ
Trong số các sáng tác của mình, ca khúc tâm đắc nhất của nhạc sĩ Phan Hồng Sơn phải kể đến bài Chuyện một cô giáo. Đối với nhạc sĩ Phan Hồng Sơn, điều anh tâm đắc nhất là vì Chuyện một cô giáo mang một ý nghĩa nhất định. Bài hát không những là kỷ niệm về một thời yêu nhau mà còn là món quà anh dành tặng vợ – cô Nguyễn Thị Khánh Lan, hiện là giáo viên văn của Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM.
Nhạc sĩ kể lại, anh gặp và yêu Lan từ những ngày cô còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Năm 1984, Lan tốt nghiệp ra trường và được phân công về giảng dạy tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang). Bấy giờ, nơi đây vẫn còn khó khăn, đường sá lầy lội. Nhiều giáo viên khi được phân công về đây đã không chịu nổi cam khổ phải bỏ về, có người còn bỏ cả nghề do đồng lương ít ỏi. Lúc này nhạc sĩ đang hoạt động phong trào tại Sở Văn hóa, mỗi lần xuống thăm, thấy cảnh cơ cực, khó khăn của người yêu khiến anh nhiều lần ngậm ngùi… muốn khóc. Càng thương anh càng cảm phục người yêu bất chấp gian khó bởi yêu nghề, yêu trẻ mà trụ lại với học trò, nhất là khi Lan vốn dân Sài thành chính gốc. Từ đó, nhạc sĩ đem lòng ấp ủ, muốn viết tặng người yêu một ca khúc lấy cảm hứng từ chính câu chuyện thật của cô. “Thai nghén” xúc cảm rất lâu nhưng Phan Hồng Sơn vẫn không bằng lòng với bất kỳ sáng tác nào của mình khi viết về đề tài này. Mãi đến lúc thành phố có cuộc vận động thi viết về ngành giáo dục càng khiến anh suy nghĩ nhiều hơn. Cộng với cảm xúc xưa còn nguyên vẹn, anh viết một mạch Chuyện một cô giáo trong tâm trạng đầy xúc động. Tác phẩm này anh không tham gia dự thi và lúc này, cô giáo ngày xưa cũng đã trở thành người vợ hiền của anh. Dù muộn màng nhưng nhạc sĩ cho biết: “Khi bài hát hoàn chỉnh, vợ tôi rất cảm động bởi đó là một món quà ý nghĩa. Còn vì ca khúc bắt nguồn từ chính tâm tư của tôi và mang dáng dấp câu chuyện thật của cô ấy”.
Nếu như cô giáo Lan trở thành hình ảnh “đặc biệt” thì với nhạc sĩ Phan Hồng Sơn, ông giáo Tụy ở Trường Bưởi ngày xưa (nay là Trường Chu Văn An – Hà Nội) lại là người anh tri ân, thương nhớ nhất. Phan Hồng Sơn vốn là một trong những học sinh miền Nam trên đất Bắc, đi học giấu theo nỗi buồn xa gia đình và cả nỗi… khổ là sự khó khăn của cuộc sống, ông giáo Tụy như hiểu được tâm tư cậu học trò, tuy gia cảnh thầy nghèo khó vẫn thương anh như con, đưa về nhà nuôi dưỡng. Thầy Tụy chẳng những dạy văn mà còn dạy cả nhân cách cho anh. Câu nói của thầy đến giờ nhạc sĩ vẫn còn nhớ như in “Làm người phải có nhân cách. Nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta phải có lòng nhiệt tình, có trái tim yêu nước, thậm chí phải có cả sự hy sinh”. Bằng những áng văn thơ, thầy Tụy đã vực dậy tinh thần, truyền đạt ý thức trách nhiệm, lòng yêu nước cho biết bao thế hệ trong cuộc chiến chống ngoại xâm này. Đây cũng chính là lý do khiến nhạc sĩ nặng lòng với hình ảnh người thầy nhất trong sự nghiệp sáng tác của anh.
Bài, ảnh: Tuyết Dân
Với nhạc sĩ Phan Hồng Sơn, hình ảnh người thầy luôn có một chỗ đứng nhất định. Đây là nguyên do khiến anh trở thành khán giả trung thành nhất của chương trình Một thời dấu yêu do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức hàng năm. Anh cho biết: “Chương trình này rất ý nghĩa trong việc tri ân về người thầy, về ngành giáo dục. Nhất là các tiết mục ca nhạc được dàn dựng công phu, có sự chuẩn bị chu đáo và mỗi năm một đổi mới, nâng cao chất lượng”. |
Bình luận (0)