Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trị bệnh sỏi mật

Tạp Chí Giáo Dục

Theo y học cổ truyền, sỏi mật hình thành là do dịch mật ứ trệ lâu ngày…

Nếu tình chí không bình thường, ăn uống không điều độ, thấp nhiệt ở trung tiêu, trùng tích… là yếu tố gây nên can đởm ứ trệ, ảnh hưởng đến chức năng sơ tiết của can đởm, sự bài tiết dịch mật không được thông suốt. Dịch mật bị ứ trệ lâu ngày sẽ hóa nhiệt, thấp nhiệt giao tranh, làm cho dịch mật càng tồn đọng, dần dần kết lại thành sỏi. Đường mật không thông suốt, dịch mật ứ ra ngoài gây vàng da, vàng mắt, cơ chế sinh sỏi mật chủ yếu là thấp nhiệt ứ đọng can đởm.
Chữa trị cổ phương
Điều trị sỏi mật theo y học cổ truyền có nhiều thể khác nhau. Theo lương y Vũ Quốc Trung, với thể can đởm khí trệ – biểu hiện, sườn phải đau quặn từng cơn, lan sau lưng lên vai, có sốt nhẹ, miệng đắng không muốn ăn, buồn nôn, nôn, rêu lưỡi vàng nhớt…, thì phép trị là "sơ can lợi đởm, lý khí chỉ thông", bài thuốc gồm các vị: sài hồ 6g, chỉ xác 9g, bạch thược 9g, xuyên khung 6g, hương phụ 9g, cam thảo 3g, xuyên luyện tử 9g, diên hồ sách 9g, kim tiền thảo 30g.
Với thể can đởm thấp nhiệt – biểu hiện: sườn phải trướng đau kéo dài hoặc từng cơn, đau lan lên vai, sốt cao sợ rét, miệng đắng, họng khô, buồn nôn, nôn, rêu lưỡi vàng nhớt, thì phép trị là "thanh nhiệt hóa thấp, lợi đởm bài thạch", bài thuốc gồm các vị: kim tiền thảo 6g, nhân trần 15g, uất kim 9g, chỉ xác 9g, mộc hương 9g, hổ trượng căn 9g, bồ công anh 30g, liên kiều 12g, diên hồ sách 9g, kê nội kim 6g.
Với thể huyết ứ nhiệt kết – biểu hiện: sườn phải nhói đau kéo dài nhiều ngày, sốt, rét, đêm nặng hơn, vùng đau có thể sờ thấy u cục, bụng trướng, đại tiện táo, môi có ban ứ, chất lưỡi tím, thì phép trị "hoạt huyết hóa ứ, thanh nhiệt công hạ", bài thuốc gồm: đào nhân 9g, sinh địa hoàng 9g (cho sau), cam thảo 6g, mang tiêu 9g, diên hồ sách 9g, nhân trần 12g, kim tiền thảo 30g.
Với thể nhiệt độc nội thịnh – biểu hiện bụng sườn quặn đau trướng đầy không dám đụng vào, sốt cao rét run, đại tiện táo, tiểu tiện đỏ, ra nhiều mồ hôi, nặng thì hôn mê nói sảng, chất lưỡi đỏ sẫm, thì phép trị là "thanh nhiệt giải độc, hóa ứ chỉ thống", bài thuốc gồm: nhân trần 15g, sơn chi 9g, đại hoàng 6g, kim ngân hoa 9g, liên kiều 12g, bồ công anh 30g, tử hoa địa đinh 30g, đan bì 9g, xích thược 9g.
Cách sắc các bài thuốc trên: cho các vị thuốc vào 750 ml nước, nấu còn 250 ml, chia uống 3 – 4 lần dùng trong ngày
Thanh Tùng (dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)