Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Trị” học trò yếu

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Kim Bình (phải) trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của HS sau thời gian dài được cô kèm cặp tại Phòng Ban giám hiệu
Thời gian qua, cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chi Lăng (Hải Châu, Đà Nẵng), với cách làm đậm chất sư phạm, giàu lòng nhân ái đã giúp nhiều học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn, học yếu kém vươn lên trong học tập…
Được nghe nhắc nhiều về hình ảnh một người quản lý giáo dục tâm huyết, tận tình nhưng quả thật, khi gặp và trò chuyện với cô Kim Bình, chúng tôi mới thấm hết tấm lòng yêu trẻ của cô. Nhiều phụ huynh có con học ở ngôi trường này, mỗi lần nhắc về cô Hiệu trưởng nhà trường đều trầm trồ khen ngợi “cô là Hiệu trưởng nhưng lúc nào cũng trìu mến với HS, thân thiện và tận tình với phụ huynh…”. Do đó, ai cũng yên tâm khi con cái được học trong môi trường ấy.
Lớp học của… cô Hiệu trưởng
Cô Kim Bình về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chi Lăng từ năm học 2008-2009. Trường nằm ở địa bàn còn khó khăn, đa số phụ huynh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có nhiều trường hợp HS sống trong gia đình ba mẹ vướng vào vòng lao lý hay ly thân khiến các em thiếu hụt tình cảm…
Còn nhớ, cách nay hơn 3 năm, nhà trường có hai HS lớp 1 dù đã qua thời gian dài học tập nhưng hai em lại không thể biết mặt chữ. Giáo viên (GV) chủ nhiệm không thể dành riêng nhiều thời gian cho hai em trong khi các em khác tiếp thu bài nhanh và phải tuân theo nội dung chương trình. Sau đó, Ban Giám hiệu nhà trường tìm hiểu mới biết, việc không biết mặt chữ của hai em một phần do tư duy chậm, phần khác do sau giờ học trên lớp trở về nhà, các em không được ba mẹ quan tâm. Một trong hai em có ba mẹ ly thân, em còn lại ba mẹ bán hàng vặt mưu sinh xuyên đêm nên không quan tâm, nhắc nhở con việc học hành. Sau nhiều trăn trở, cuối cùng cô Kim Bình quyết định, cô sẽ đảm nhiệm hướng dẫn một em, em còn lại do Phó hiệu trưởng hướng dẫn. Thế là cứ vào giờ học, hai HS “đặc biệt” này được GV chủ nhiệm đưa xuống phòng Ban Giám hiệu học bài. Qua một tháng kèm cặp nắn từng con chữ, uốn từng vần đọc, hai em đã có thể trở lại lớp học bình thường. “Vui nhất là cuối năm đó, cả hai em đều đạt danh hiệu HS khá. Còn những năm tiếp theo thì đạt danh hiệu loại giỏi”, cô Kim Bình phấn khởi nói.
Cô Kim Bình cho biết đó chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp đáng lưu tâm ở trường. “Cách nay cũng hơn 3 năm, có em N. học lớp 1, hễ phụ huynh đưa tới cổng trường là khóc, phản ứng dữ dội. Không thể để ảnh hưởng đến lớp học, cũng không thể để em ấy thất học, tôi nghĩ ra cách “rủ” em vào phòng mình chơi. Cứ thế suốt 1 tuần, N. tha thẩn chơi và trò chuyện với tôi. Khi thấy N. có vẻ thân thiện hơn, tôi bắt đầu đưa sách vở ra dạy em học. Cứ đến giờ học, một cô kèm một trò, giờ ra chơi tôi dẫn N. lên lớp để cùng chơi với các bạn. Sau 1 học kỳ, tôi nhỏ nhẹ bảo N.: “Con có thấy nếu chơi ở lớp thì vui hơn vì có nhiều bạn cùng chơi không?”, N. gật đầu và đồng ý quay lại lớp học”, cô Kim Bình kể.
Lan tỏa yêu thương
Ở Trường Tiểu học Chi Lăng, việc xây dựng môi trường sư phạm tích cực, thân thiện, hết lòng vì HS rất được Ban Giám hiệu chú trọng, quan tâm. Cô Kim Bình cho biết, cách nay 6 năm khi cô mới về làm Hiệu trưởng, tình trạng tuyển sinh của trường lúc đó gặp rất nhiều khó khăn. Sau nhiều cuộc họp tìm hiểu nguyên nhân, mọi người mới vỡ lẽ ra rằng, ngoài trình độ dân trí không đồng đều dẫn đến việc học hành của con cái không được quan tâm…, thì cơ sở vật chất của nhà trường cũng là nguyên nhân dẫn tới việc nhiều phụ huynh tìm trường khác cho con học. Thế là sau khi tìm được nguyên nhân, nhà trường bắt tay vào khắc phục cùng với sự hỗ trợ của cấp trên. Cơ sở vật chất của trường được hoàn thiện dần, đảm bảo cho HS ăn học đàng hoàng đã gây được sự chú ý của phụ huynh. Nhưng điểm cốt yếu nhất ở đây chính là nỗ lực của mỗi GV xuất phát từ chữ tâm – quan tâm đến từng hoàn cảnh của HS. Cụ thể, thầy cô giáo luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng HS trước khi đi vào khuôn khổ học tập. Mặt khác, nhà trường còn mở rộng khâu tuyên truyền đến từng phụ huynh về ý thức học chữ. Bên cạnh đó, nhà trường có những phong trào nhằm khích lệ GV kịp thời. “Ở môi trường của nhà trường, chúng tôi tạo ra không khí hòa nhã, thi đua dạy tốt nhưng không hề tạo áp lực về điểm số, thành tích. Mỗi GV đều tâm niệm lấy chữ tâm làm đầu để cùng các em, nhất là những HS có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, vượt khó tới trường”, cô Kim Bình chia sẻ.
Chị N.T.M, phụ huynh của em Đ. đang học lớp 1, chia sẻ: “Tôi có hoàn cảnh rất éo le, ba cháu Đ. vướng vào vòng lao lý phải chịu án phạt tù 18 năm. Tôi một nách nuôi 4 con thơ. Khó khăn quá nên tôi đành gửi hai đứa vào trung tâm bảo trợ trẻ, còn Đ. từ đầu năm học dù đã đủ tuổi nhưng gia đình không có tiền cho cháu tới trường. May nhờ có sự giúp đỡ của nhà trường, tổ dân phố nên bây giờ cháu mới được đi học. Từ ngày được tới trường, cháu vui vẻ hẳn, luôn kể về các cô giáo rất trìu mến. Nhìn con, tôi thấy cuộc sống đỡ nặng nề hơn”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Không chỉ nỗ lực trong chất lượng dạy học, các thầy cô giáo ở trường còn tổ chức Ngày hội heo đất vì bạn nghèo để hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn trong học tập và cuộc sống.
 
 

Bình luận (0)