Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trị sởi theo cổ truyền

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Y học cổ truyền gọi sởi là bệnh thời khí do lục dâm gây ra. Bệnh sởi còn gọi là ma chẩn, sa tử, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Bệnh xuất hiện với những nốt đỏ trên da, nổi hơi cao, sờ vào có cảm giác như hạt vừng nên gọi là ma chẩn, cần chẩn đoán phân biệt với phong chẩn. Nguyên nhân là do tà độc vào kinh phế. Phế chủ bì mao nên mụn phát ra da, khoảng trên dưới 10 ngày thì khỏi, nhưng nếu cơ thể yếu, nhiệt thịnh bế ở bên trong, nhiệt tà quá mạnh, các nốt ban không mọc ra được gây biến chứng: viêm phổi, tiêu chảy…

Các bài thuốc trị sởi sẽ có diếp cá, cỏ nhọ nồi, lá mơ, rau má… – Ảnh: Hạ Huy – Thái Nguyên – Minh Khôi

Trị từng thời kỳ

Bệnh diễn biến theo 3 thời kỳ: thời kỳ khởi phát (từ khi phát nóng đến ngày sởi mọc khoảng 3 – 5 ngày), bắt đầu ho, phát sốt, ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, mỏi mệt, buồn ngủ, thân nhiệt cao dần, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng, đồng thời ăn kém, tiêu phân loãng. Phép chữa lúc này là làm cho nọc sởi xuất ra ngoài, với bài thuốc gồm: lá dấp cá 16 gr, rau giệu 16 gr, cam thảo đất 12 gr, đậu cọc rào 12 gr. Các vị tươi càng tốt, rửa sạch cho vào nồi cùng 300 ml nước, sắc còn 150 ml, chia làm 2 lần dùng trong ngày. Cứ cách 3 giờ lại cho bệnh nhi uống một lần. Hoặc dùng bài thuốc thứ gồm: lá nọc sởi tươi (còn có tên là lá ban) 40 g rửa sạch, đem nấu với 300 ml nước, nấu còn 150 ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.

Với thời kỳ sởi mọc (kể từ khi mới mọc đến khi sởi mọc đều khắp người ước độ 3 ngày). Thời kỳ này các triệu chứng lâm sàng có nóng dữ dội hơn, phiền khát, ho suyễn nặng thêm, tiêu chảy, màu sởi đỏ sẫm, rêu lưỡi vàng nhớt, chất lưỡi đỏ, nặng hơn nữa thì lưỡi khô. Phép chữa là thanh nhiệt giải độc (làm dịu nóng và giải độc), với bài thuốc gồm lá tre 20 gr, mạch môn 12 gr, sa sâm 12 gr, cam thảo đất 12 gr, sài đất 16 gr, ngân hoa 16 gr, củ sắn dây 12 gr. Dùng 600 ml nước sắc lấy 300 ml, chia làm nhiều lần, mỗi lần uống 30 – 40 ml, cách 3 giờ uống 1 lần trong ngày.

Thời kỳ sởi bay (kể từ khi sởi mọc đến khi sởi lặn hết độ 3 ngày). Nếu bệnh nhi vốn bình thường, không có kèm triệu chứng gì khác thì sau khi sởi mọc 3 ngày, bắt đầu sởi lặn, nóng sốt cũng lui theo, các triệu chứng cũng hết, 4 – 5 ngày sau ngoài da có các vảy nhỏ khảm tróc ra, để lại những vết xam xám, độ 2 tuần sau thì tiêu mất. Nếu lúc này bệnh nhi có xuất hiện ra những hiện tượng như gò má đỏ, nóng cơn, ho ít đờm, ra mồ hôi trộm, rêu lưỡi nhuận, sáng, chất lưỡi đỏ mà khô, mạch tế sác đó là nhiệt độc của sởi còn sót lại làm cho hao tổn tân dịch của phổi và dạ dày. Phép chữa cần phải bồi dưỡng tân dịch. Nếu sau khi sởi bay có biến chứng lỵ thì cho dùng bài thuốc: rau má 20 gr, rau sam 16 gr, lá mơ 16 gr, củ phượng vĩ 12 gr, cam thảo dây 8 gr, cỏ nhọ nồi 12 gr, vỏ núc nác 12 gr. Đem sắc với 400 ml nước, còn 150 ml, chia 2 – 3 lần uống trong ngày.

Nếu sau khi sởi bay còn ho kéo dài, cho uống: vỏ rễ dâu 20 gr (tẩm mật sao vàng), mạch môn 12 gr, cam thảo dây 8 gr, bách bộ 12 gr, lá táo 8 gr, lá chanh 6 gr. Sắc với 400 ml nước, còn 150 ml, chia uống 3 lần trong ngày.

Lương y Vũ Quốc Trung

(TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)