Quan hệ giữa trí thông minh và màu da là một vấn đề rất nhạy cảm. Nhiều nhà khoa học có uy tín đã thử đề cập đến vấn đề này một cách dè dặt…
Trước hết, ai cũng công nhận: người ở xứ lạnh có màu da sáng, người ở xứ nóng có màu da sậm. Năm 1990, hai nhà nghiên cứu Anh J. Philippe Rushton và Richard Lyn đưa ra ý kiến, vì cuôc sống ở xứ lạnh khắc nghiệt hơn ở xứ nóng, nên theo quy luật đấu tranh sinh tồn, người có màu da sáng thông minh hơn người có màu da sậm. Thật quá đơn giản! Một lý luận khó chấp nhận, vì không ai có thể nói rằng cuộc sống ở vùng cực băng giá khắc nghiệt hơn cuộc sống ở vùng sa mạc cháy bỏng Sahara.
Nhân dịp xuất bản Tạp chí Trí thông minh, hai nhà tâm lý học Mỹ Donal I. Templer và Hiroko Arikawa thử đưa ra một ý kiến mới có vẻ “khoa học” hơn, để lý giải mối quan hệ giữa trí thông minh, màu da và khí hậu. Họ bỏ qua các nước mà theo họ, dân cư mới được ổn định không lâu lắm như Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Úc, Israel. Ở 129 nước còn lại, trí thông minh được họ đánh giá theo chỉ số IQ; màu da được đo bằng con số từ 1 đến 8, theo độ sậm tăng dần; khí hậu được đo bằng nhiệt độ trung bình giữa mùa đông và mùa hè. Theo họ, mối liên hệ giữa trí thông minh và màu da, giữa khí hậu và màu da rất là chặt chẽ. Về mối liên hệ giữa khí hậu và trí thông minh thì kết quả không được rõ ràng bằng, nhưng về đại thể, đó là một tỷ lệ nghịch, nghĩa là con người ở xứ càng lạnh càng thông minh hơn. Lý do, theo họ, sự tuyển chọn gien thông minh ở xứ lạnh được phát triển hơn. Như vậy, trên thực tế họ chấp nhận ý kiến của hai nhà nghiên cứu Anh nói trên, tuy rằng họ cũng công nhận “còn thiếu những dẫn chứng thực tế”.
Mùa xuân năm 2006, vấn đề trên lại được đem ra thảo luận sôi nổi trên Tạp chí Trí thông minh, với hai luận cứ đối lập nhau. Người thứ nhất là một ông Arthur Jensen nào đó, tác giả cuốn sách gây nhiều tranh cãi ở Mỹ, trong đó ông chứng minh rằng “người da đen kém thông minh hơn người da trắng”, một kết luận đã bị nhiều người phủ nhận. Hai nhà phê bình Earl Hunt và Robert Sternberg đã bác bỏ mạnh mẽ mọi giá trị khoa học trong lập luận của Jensen cũng như của Templer và Arikawa. Theo các ông, họ đã tính các chỉ số IQ trên những mẫu có kích thước biến đổi tùy nước, mà rất ít mẫu có thể đại diện cho tập hợp dân cư. Hơn nữa, họ đã tỏ ra không khách quan khi gán chỉ số IQ cho 129 nước, theo kiểu yêu ghét chủ quan, vô căn cứ. Còn về màu da? Họ đã dựa vào ý kiến hời hợt, cảm tính của ba sinh viên, những người không có chút kiến thức nào đặc biệt trong lĩnh vực này. Hơn nữa, so sánh các chỉ số IQ trong những nền văn hóa khác nhau là điều không thích hợp: những tiêu chí thông minh trong nền văn hóa này không thể đem ghép cho tiêu chí thông minh trong nền văn hóa kia. Ví dụ:ở Kenya trẻ em rất rành trong việc phân biệt, đánh giá sự tốt xấu về mặt dược tính của cây cỏ, cũng như rất tháo vát trong những tình huống khó khăn do thiên nhiên áp đặt, thì lại có chỉ số IQ thấp!
Các nhà phê bình cho rằng luận cứ của phái “người da trắng thông minh hơn người da đen” có mang màu sắc phân biệt chủng tộc và “tốt nhất là đừng cho xuất bản một ấn phẩm như thế”. Tất nhiên Templer, Arikawa cũng phản bác lại ý kiến lên án mình.
Trong bối cảnh đó, một sự kiện thú vị được tường thuật rộng rãi, gây nhiều chú ý: theo một cuộc điều tra, bốn nước và lãnh thổ châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông có chỉ số màu da từ 2 đến 3 và chỉ số thông minh IQ đi từ 104 đến 107. Trong khi đó các nước châu Âu có chỉ số màu da là 1 mà lại có chỉ số IQ đi từ 97 đến 102! Nên nhớ rằng Hồng Kông và Đài Loan là xứ nóng.
Không ai đề cập hay bình luận gì về sự kiện này!!
PHAN THANH QUANG
(theo Khoa học con người)
Bình luận (0)