Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tri thức dân gian mỳ Quảng trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ VH-TT&DL vừa có quyết định về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Tri thức dân gian mỳ Quảng của tỉnh Quảng Nam.

Nghề chế mỳ Quảng của tỉnh Quảng Nam đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Một dạng làng nghề độc đáo

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, nghề làm mỳ Quảng là một dạng làng nghề độc đáo chỉ có ở Quảng Nam. Trải qua nhiều thế kỷ hình thành và phát triển, nghề chế biến mỳ Quảng ở xứ Quảng là sự sáng tạo không ngừng của các thế hệ nghệ nhân làng nghề. Những tri thức nghề nghiệp, kỹ năng, quy trình chế biến được đúc kết qua thời gian, gắn liền với các sản phẩm làng nghề mang tính đặc trưng vùng miền. Chính vì vậy, văn hóa ẩm thực mang sức sống cội nguồn mà chủ nhân của những di sản ẩm thực cũng là người gìn giữ và trao truyền sức sống của di sản, là mối liên kết mạch nguồn giữa truyền thống và hiện đại qua các thế hệ.

Nghề chế biến mỳ Quảng ở tỉnh Quảng Nam phản ánh hành trình đi về phương Nam của cư dân Đại Việt trên vùng đất Quảng Nam xưa. Năm 1471, cuộc Nam tiến của vị vua anh minh Lê Thánh Tông đã xác lập vững chắc công cuộc khai khẩn của người Việt tại xứ Quảng. Suốt từ nửa sau thế kỷ XV cho đến thời kỳ chúa Nguyễn, vùng đất rộng lớn phương Nam với thổ nhưỡng phì nhiêu, sản vật phong phú nhưng còn thưa vắng bóng người đã trở thành “miền đất hứa” đối với cư dân vùng Thanh Nghệ Tĩnh và đồng bằng Bắc bộ đang khao khát tạo lập một không gian sống, một cuộc đời mới. Các thế hệ tiền nhân qua lao động cần cù, cải tạo, thích nghi với điều kiện tự nhiên trên vùng đất mới, dần dần đã định hình nên bản sắc, cốt cách con người xứ Quảng. Một trong những biểu hiện rõ nét, sinh động của cốt cách ấy là đặc tính ẩm thực mà mỳ Quảng là một minh chứng tiêu biểu.

Về nguồn gốc của món mỳ Quảng, cho đến nay vẫn còn rất nhiều cách lý giải. Song nhận định có tính thuyết phục cao là nghề truyền thống chế biến mỳ Quảng ra đời cùng với quá trình mở đất, lập làng của người Quảng Nam xưa; sớm nhất là sau mốc lịch sử vua Lê Thánh Tông mở cõi – năm 1471 và muộn nhất là thời kỳ các chúa Nguyễn trấn nhậm xứ Đàng Trong từ năm 1558. Theo cách lý giải này, mỳ Quảng là thành quả sáng tạo của các thế hệ cư dân xứ Quảng dựa trên sản vật của từng địa phương, đồng thời giao lưu tiếp biến với tinh hoa ẩm thực các vùng miền và quốc tế. Mỳ Quảng cũng linh hoạt trong cách chế biến, nhanh gọn, dễ di chuyển và có thể ăn cả ngày… nên nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cùng với bánh tét, mỳ Quảng là hồi quang sinh động, rõ nét của lưu dân xứ Quảng thời mở cõi.

Mỳ Quảng là món ăn đa dụng của người xứ Quảng

Mỳ Quảng là món ăn của người Quảng. Đây là giá trị văn hóa bản địa, lưu danh xuất phát từ nông thôn, làng, xã. Quá trình di dân của lớp tiền nhân đi trước nếu không có làng, xã, sẽ không có giá trị của mỳ Quảng. Cho đến nay, nghề chế biến mỳ Quảng đã khẳng định giá trị ẩm thực của xứ Quảng trong tiến trình hội nhập và phát triển.

Giàu giá trị văn hóa

Nghề chế biến mỳ Quảng ở tỉnh Quảng Nam hội tụ tạo nên một giá trị ẩm thực đặc sắc của xứ Quảng. Tính đặc sắc được thể hiện rõ nét trong việc lựa chọn kết hợp đa dạng nguồn nguyên liệu để chế biến hệ nhân mỳ. Mỳ Quảng theo bước chân lưu dân trong hành trình đi về phương Nam rộng mở, sẵn lòng đón nhận bất cứ nguyên liệu gì trên đường để dung nạp, tiếp biến, làm nên sự đa dạng, phong phú trong hương vị ẩm thực. Đây chính là một món ăn có nhiều biến tấu, làm nổi bật tính chất văn hóa ẩm thực dân gian và là món ăn hiếm hoi có thể “chiều” được tất cả các kiểu khách. Tính đặc sắc của mỳ Quảng còn được thể hiện trong việc kết hợp hài hòa màu sắc của các nguyên liệu để làm nên một tác phẩm nghệ thuật sinh động, bắt mắt. Trong tô mỳ Quảng có sự hiện diện, hài hòa của nhiều sắc màu, như màu xanh của các loại rau, màu trắng/vàng của sợi mỳ, màu đỏ của tôm – cua, của ớt, bột điều…

Mỳ Quảng còn thể hiện tính đặc sắc ở sự đa dụng. Món ăn này hiện diện trong giỗ chạp, Tết nhất, lễ cúng cơm mới, dựng nhà mới, tiệc tùng… Đây cũng là món ăn quanh năm suốt tháng, “tứ thời, bát tiết” đều có thể lấy món mỳ làm “chính vị” thay cơm. Trong xã hội hiện đại, mỳ Quảng đã trở thành “đại sứ văn hóa” của xứ Quảng; hiện diện trong các lễ hội, sự kiện văn hóa – du lịch, hội nghị tổng kết, hội thảo, các sự kiện ngoại giao của tỉnh Quảng Nam với các đoàn khách trong nước và quốc tế. Có thể nói, mỳ Quảng là “đại sứ văn hóa” mang tầm quốc gia, quốc tế. Mỳ Quảng đang ngày càng được khẳng định giá trị và sự lan tỏa có với tư cách là một di sản văn hóa ẩm thực riêng có của xứ Quảng.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, việc nghề chế biến mỳ Quảng được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định được giá trị văn hóa của tri thức dân gian. Qua đó, góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa ẩm thực mỳ Quảng nhằm thu hút du khách, phát triển du lịch và kinh tế địa phương.

Thiên Phúc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)