Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trị tóc rụng không khó

Tạp Chí Giáo Dục

Rụng tóc là nỗi lo của cả nữ giới lẫn nam giới (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

“Cái răng cái tóc là góc con người”, tóc rụng nhiều không những khiến mái tóc mất thẩm mĩ mà còn là dấu hiệu thể trạng sức khỏe không tốt cũng như việc chăm sóc tóc không đúng cách…
Vì đâu tóc rụng?
Vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, Yến Vy (Q.Thủ Đức) cấp tốc chuẩn bị tinh thần bước vào ôn luyện kỳ thi đại học. Không biết kết quả kỳ thi tốt nghiệp ra sao nhưng bỏ ra gần tháng ôn thi, thần sắc Vy thể hiện sự mệt mỏi, đặc biệt điều khiến Vy càng lo lắng là mái tóc có dấu hiệu rụng nhiều. Vy cho biết: “Chỉ khi tập trung vào ôn thi, tóc em mới có dấu hiệu rụng nhiều. Mỗi lần đưa tay lên vuốt, tóc rụng trong tay. Với tình trạng này khiến em lo lắng. Liệu ôn xong kỳ thi đại học, tóc em có còn nhiều không? Trong khi đó Thúy Hằng (Q.3) chia sẻ: “Thấy mọi người uốn và nhuộm tóc đẹp quá, mình cũng làm theo nhưng đẹp chẳng thấy đâu mà thấy mái tóc của mình ngày càng khô cứng, gãy, chẻ ngọn, yếu, rụng nhiều ở trán và đỉnh đầu. Mình lo quá, không biết tóc rụng rồi có mọc lại không?”.
Không hiếm các trường hợp như Vy và Hằng bày tỏ tâm trạng hoang mang khi bị rụng tóc. Theo ThS.BS Nguyễn Văn Út (CKII – Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM) thì việc tập trung ôn thi có thể khiến tâm trạng Vy căng thẳng dẫn đến stress, tóc sẽ tăng tiết bã nhờn gây nghẽn sự lưu thông máu, nang tóc hoạt động chức năng hút dinh dưỡng yếu khiến tóc rụng. Ngược lại, trường hợp của Hằng cũng là trường hợp nhiều người mắc phải. Vì lạm dụng các loại thuốc nhuộm, thuốc duỗi, sử dụng không đúng cách khiến nang tóc bị tổn thương, yếu đi khả năng hút nước, giữ nước, dinh dưỡng nuôi tóc. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác như do cơ thể thiếu các chất kẽm, protein, biotin, sắt, các acid béo thiết yếu, đạm… hay trẻ ở tuổi dậy thì, phụ nữ có thai thay đổi nội tiết hormone, tâm sinh lý… cũng khiến tóc rụng.
Thông thường, một ngày số tóc rụng từ 50-100 sợi là bình thường. Mỗi sợi tóc đều trải qua thời kỳ sinh trưởng, ngừng sinh trưởng và rụng. Thời kỳ sinh trưởng có thể kéo dài 2-6 năm, thời kỳ ngừng sinh trưởng từ 2-3 tháng và đến thời kỳ rụng nhưng lại thay thế bằng cách mọc ra. Thời gian tóc mọc trở lại bình thường trung bình từ 6-12 tháng. Tóc rụng có thể rải rác khắp đầu cũng có thể rụng thành từng chỏm. Nếu tóc rụng nhiều mà để lâu không điều trị, nang tóc sẽ bị thoái hóa khiến tóc mọc lại chậm, thậm chí vĩnh viễn mất đi vẻ thẩm mĩ mái tóc.
Trị tóc rụng không khó
Chất mucopolysaccharide giữ chức năng thẩm thấu các mô liên kết, hấp thu chất dinh dưỡng, máu, nước nuôi dưỡng tóc. Khi con người mắc phải những nguyên nhân gây rụng tóc như trên sẽ làm ảnh hưởng đến mucopolysaccharide. Cụ thể mucopolysaccharide sẽ bị thiếu khiến mô liên kết bị xơ cứng, mất khả năng thẩm thấu dẫn đến nang tóc yếu khả năng hút nước, hấp thu dinh dưỡng từ máu khiến tóc yếu…
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Út thì, để tóc khỏe mạnh, không rụng chỉ cần quan tâm đến sức khỏe cũng như cách chăm sóc tóc là được. Theo đó, nên ăn đầy đủ các chất, ngủ đủ giấc, uống đủ nước, bổ sung đầy đủ các vitamin A, E, B6, B5… và chất khoáng. Điều này không chỉ giúp nang tóc khỏe mà còn giúp cho cấu tạo lớp sừng của tóc tốt hơn; tránh cũng như cố gắng giảm stress để ngăn tiết chất nhờn để tóc thoáng khí… giúp nang tóc hoạt động tốt.
Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều dầu gội, trong khi đó dầu gội có tính chất tẩy rửa mạnh vì thế nên chọn dầu gội phù hợp với tóc. Đừng quá lạm dụng các loại thuốc nhuộm, duỗi, dầu xả… để hạn chế tóc tăng tiết bã nhờn. Nên gội đầu nhẹ nhàng, không dùng móng tay cào da đầu mạnh tránh trầy xước da đầu, ảnh hưởng đến nang tóc; luôn giữ tóc và da đầu được sạch, thoáng mát tránh gàu gây viêm nang tóc. Cố gắng thường xuyên massage nhẹ nhàng da đầu để mạch máu được lưu thông tốt, nang tóc dẫn máu, nước, chất dinh dưỡng tốt hơn, giúp tóc khỏe mạnh hơn.
Trinh Ngọc

Bình luận (0)