Trước sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT, nhiều người cho rằng nhiều công việc không cần đến sức lao động của con người. Vậy theo các chuyên gia, xu hướng này được dự đoán ra sao?
PGS-TS Nguyễn Văn Vũ, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin kiêm Trưởng bộ môn công nghệ phần mềm Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ có những thay đổi ít nhiều. Theo đó, một phần công việc của các kỹ sư phần mềm sẽ được thay thế bằng sự hỗ trợ của AI ở mức độ căn bản. Tuy nhiên, sự phát triển của ChatGPT và công nghệ AI nói chung cũng sẽ tạo ra việc làm mới, chẳng hạn như người có khả năng diễn đạt câu hỏi phù hợp để ChatGPT tạo ra các mã nguồn chính xác.
Với công cụ AI như ChatGPT, lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ có những thay đổi ít nhiều. HÀ ÁNH
"Vai trò của các lập trình viên hoặc kỹ sư phần mềm không bị thay thế mà chỉ thay đổi cách thức triển khai các nhóm công việc cụ thể", PGS Vũ phân tích.
Cũng theo PGS Vũ, tình trạng tương tự cũng diễn ra ở lĩnh vực ngành nghề khác như các công việc sáng tạo nội dung… Với sự hỗ trợ của AI, các sản phẩm này sẽ được tạo ra nhanh chóng hơn, số lượng nhân lực cần tuyển dụng có thể giảm xuống. Thời gian tới, các công ty tuyển dụng nhân sự sáng tạo nội dung có thể cũng yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm sử dụng ChatGPT hoặc công cụ tương tự.
PGS Vũ phân tích thêm, công cụ này sẽ cho ra câu trả lời nhanh chóng với những câu hỏi liên quan đến các văn bản luật nhưng không thay thế được các luật sư trong việc giải quyết những tình huống luật cụ thể. Tương tự, phần mềm này có khả năng dịch thuật với độ chính xác cao các văn bản thông thường, nhưng khi dịch một tác phẩm thì con người vẫn đóng vai trò quan trọng. Bởi lẽ ChatGPT trình bày rất tốt, nhưng chưa có khả năng hiểu ý nghĩa của văn bản và câu chữ như con người.
Một ví dụ khác, theo PGS Vũ: "Việc viết một báo cáo cũng trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Người dùng có thể nhận được kết quả phân tích nhanh chóng bằng cách gửi một bảng biểu số liệu cho ChatGPT, nhưng để đưa ra ý nghĩa và thông điệp cơ bản của số liệu vẫn cần hoạt động của con người".
Sinh viên học tiếng Anh với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo. NHẬT QUANG
"ChatGPT sẽ tiếp tục được hoàn thiện hơn trong tương lai. Tuy nhiên công cụ này sẽ không thay thế hoàn toàn con người trong công việc sáng tạo nội dung", PGS Vũ nhấn mạnh.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng nhìn nhận: "Sự sáng tạo của AI tuy không bằng con người nhưng hỗ trợ các doanh nghiệp trong một số công việc liên quan đến viết lách, tính toán, tổng hợp… Do vậy, ChatGPT chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xu hướng ngành nghề và thị trường lao động khi số lượng công việc liên quan đến các hoạt động trên giảm xuống. Một số phần việc có thể thay thế toàn bộ, một số việc thay thế một phần".
Thạc sĩ Trần Thanh Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Giáo dục, ĐH Durham (Anh), cho rằng ChatGPT tuy đóng vai trò đắc lực hơn nhiều công cụ có sẵn nhưng khó có thể thay đổi bản chất việc dạy và học, nhất là dạy học ngoại ngữ. Thạc sĩ Vũ cũng cho hay người học ngành ngoại ngữ tham gia giảng dạy sau tốt nghiệp chiếm tỷ trọng lớn hơn rất nhiều so với biên – phiên dịch, và là xu hướng đã diễn ra nhiều năm nay. "Vì AI hỗ trợ việc giao tiếp liên ngôn ngữ ngày càng hiệu quả, khó có thể nói rằng nó không thể thay thế việc biên – phiên dịch. Tuy vậy, nếu xét về việc hình thành hay biến mất một ngành nghề thì phải xem nhu cầu và đối tượng cạnh tranh. Trong tương lai, nếu số người biết ngoại ngữ tăng cao hay có công cụ hiệu quả tương đương con người thì có thể ngành này phải đổi hướng hoặc biến mất", anh Vũ nói.
Theo Hà Ánh – Ngọc Long/TNO
Bình luận (0)