Đó là ưu điểm nổi bật của phương pháp điều trị ung thư gan bằng ứng dụng kỹ thuật xạ trị chiếu chọn lọc tắc còn gọi là phương pháp tắc mạch xạ trị đang được BV Quân y 175 thực hiện thay cho phương pháp cắt gan truyền thống trước đây.
TS.BS Đào Đức Tiến |
TS.BS Đào Đức Tiến – Khoa Nội tiêu hóa (BV Quân y 175) cho biết, tắc mạch xạ trị (TMXT) là một phương pháp can thiệp qua động mạch sử dụng đồng vị phóng xạ đưa trực tiếp vào khối u qua động mạch nuôi nhằm tập trung tại chỗ liều chiếu xạ cao, đồng thời hạn chế tổn thương nhu mô gan lành. Phương pháp còn được gọi là xạ trị chiếu trong chọn lọc (SIRT) với đồng vị phóng xạ thường được sử dụng nhất là Yttrium-90.
Ung thư biểu mô (UTBM) tế bào gan là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới là nguyên nhân gây tử vong ung thư hàng thứ 3 sau ung thư phổi và ung thư dạ dày. Tỷ lệ mắc UTBM tế bào gan khác nhau theo vùng địa lý trên thế giới là do phân bố tần suất các yếu tố nguy cơ gây bệnh không đều, đặc biệt là tình trạng nhiễm virus viêm gan B, C. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc UTBM tế bào gan rất cao vì tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và nhiều yếu tố nguy cơ khác khá phổ biến. Theo BS Tiến, hiện nay có rất nhiều phương pháp khác nhau trong điều trị UTBM tế bào gan trong đó phẫu thuật cắt gan vẫn là phương pháp điều trị tốt nhất. Tuy nhiên phương pháp này chỉ có thể áp dụng cho 25-30% số trường hợp vì UTBM tế bào gan thường phát hiện muộn trên nền gan xơ nên làm hạn chế chỉ định phẫu thuật. Tại châu Á, cho đến nay phương pháp đã được áp dụng hơn 10 năm và mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân UTBM tế bào gan giai đoạn trung gian trước đó thất bại với điều trị hóa tắc mạch truyền thống và thậm chí cả giai đoạn tiến triển có huyết khối tĩnh mạch cửa. Ở Việt Nam, điều trị UTBM tế bào gan bằng phương pháp TMXT tiến hành lần đầu tiên tại BV TW Quân đội 108 năm 2013, sau đó được triển khai tiếp ở một số BV lớn khác với kết quả bước đầu rất khả quan. TMXT là phương pháp điều trị phức tạp hơn hẳn phương pháp hóa tắc mạch thông thường vì tác nhân gây độc tế bào đưa vào u gan là chất phóng xạ được mang bởi hạt vi cầu; có nguy cơ cao gây các tai biến, biến chứng nặng (thậm chí tử vong) cho bệnh nhân và cho cả nhân viên y tế nếu không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Vì vậy, cần phải lựa chọn bệnh nhân rất cẩn thận, sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các chuyên khoa và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn phóng xạ trong quá trình can thiệp.
PV: Thưa BS, so với các phương pháp trước đây thì kỹ thuật này có những điểm gì mới và ưu điểm nổi trội?
– TS.BS Đào Đức Tiến: Phương pháp này áp dụng cho những bệnh nhân UTBM tế bào gan có khối u gan kích thước lớn, có huyết khối tĩnh mạch cửa đặc biệt là huyết khối hạ phân thùy và phân thùy mà các phương pháp can thiệp mạch trước đây không thể áp dụng được. Với tác dụng của đồng vị phóng xạ Yttrium-90 và khả năng đâm xuyên trong mô trung bình là 2,5mm và tối đa là 11mm nên có thể làm giảm hoặc mất huyết khối tĩnh mạch cửa. Hơn nữa, sau khi điều trị thì biểu hiện của hội chứng sau tắc mạch (đau, sốt, mệt mỏi, nôn và buồn nôn) thì ít gặp, diễn biến thường rất nhẹ nhàng trong thời gian 1-2 ngày sau điều trị.
+ Khó khăn nhất của ứng dụng kỹ thuật này là ở chỗ nào, đòi hỏi những gì ở tay nghề BS, ê-kíp thực hiện, máy móc hiện đại, thuốc bổ sung…?
Để bơm đồng vị phóng xạ Yttrium-90 phải dùng các xét nghiệm cận lâm sàng có độ chính xác cao với máy móc hiện đại SPECT và PET/CT đặc biệt là máy CT scaner từ 64 dãy trở lên. Bên cạnh đó, phải có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của nhiều chuyên khoa như: Nội tiêu hóa, can thiệp mạch, chẩn đoán hình ảnh và y học hạt nhân. Đồng thời ê-kíp BS phải đánh giá chính xác liều phóng xạ Yttrium-90 để bơm vào khối u, nếu liều thấp thì hiệu quả tiêu diệt khối u thấp, nếu liều quá cao sẽ gây ra nhiều biến chứng như suy gan do tia xạ, viêm phổi do tia xạ… Hơn nữa, kỹ thuật này luôn đòi hỏi ê-kíp can thiệp phải có trình độ cao, được đào tạo chính quy, tập huấn trong và ngoài nước để đảm bảo đưa đồng vị phóng xạ vào đúng vị trí cần điều trị từ đó nâng cao hiệu quả hoại tử khối u gan cũng như hạn chế các tai biến và biến chứng sau can thiệp.
+ Những bệnh nhân cụ thể nào đã được điều trị bằng ứng dụng kỹ thuật SIRT này, thưa BS?
– Phương pháp này áp dụng cho những bệnh nhân UTBM tế bào gan có khối u gan kích thước lớn, có huyết khối tĩnh mạch cửa đặc biệt là huyết khối hạ phân thùy và phân thùy mà các phương pháp can thiệp mạch trước đây như TOCE, DEB-TACE không thể áp dụng được. Đồng thời cũng áp dụng cho những bệnh nhân UTBM tế bào gan đã điều trị thất bại với phương pháp tắc mạch truyền thống trước đó.
+ Có ý kiến cho rằng điều trị phương pháp này không hề đau đớn, tốn sức bệnh nhân, thời gian nằm viện chỉ 2 ngày có đúng như vậy không?
– Theo kinh nghiệm của chúng tôi cũng như nhiều nghiên cứu trên thế giới thì phương pháp này sau khi điều trị thì biểu hiện của hội chứng sau tắc mạch (đau, sốt, mệt mỏi, nôn và buồn nôn) thì ít gặp, diễn biến thường rất nhẹ nhàng trong thời gian 1-2 ngày sau điều trị và an toàn, tỷ lệ tai biến biến chứng rất thấp nếu tuân thủ quy trình nghiêm ngặt trước và sau điều trị.
Phương pháp điều trị ung thư gan bằng ứng dụng kỹ thuật xạ trị chiếu chọn lọc (ảnh do nhân vật cung cấp) |
+ Thưa BS, nếu phương pháp hiện đại chắc chắn giá thành sẽ cao có đúng như vậy không?
– Phương pháp này có chi phí hơi cao vì đồng vị phóng xạ Yttrium-90 phải sản xuất tại Singapore và nhập khẩu về Việt Nam.
+ Ngoài ung thư gan các loại ung thư phổ biến khác như K vú, phổi, dạ dày, tử cung, vòm họng… có áp dụng được kỹ thuật này hay không?
– Phương pháp này áp dụng cho bệnh nhân ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát (di căn từ vị trí khác đến gan như ung thư đại trực tràng).
+ Những lời khuyên và căn dặn của BS đối với các bệnh nhân bị ung thư về chế độ sinh hoạt, ăn uống, làm việc trong đó có ung thư gan trước và sau khi điều trị bằng SIRT?
– Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tuân thủ quy trình điều trị nghiêm ngặt trước và sau điều trị. UTBM tế bào gan thường trên nền bệnh nhân có xơ gan kèm theo nên cần nghỉ ngơi, tránh lao động quá sức, ăn theo chế độ bệnh nhân xơ gan, điều trị virus viêm gan nếu có… Sau điều trị cần tuân thủ đúng thời gian tái khám để được khám lâm sàng, xét nghiệm và chụp CT scaner… từ đó đánh giá được mức độ hoại tử khối u cũng như sự thoái triển của huyết khối tĩnh mạch cửa.
+ Cảm ơn BS.
Ngọc Quang
(Thực hiện)
Bình luận (0)