Dự kiến đến năm 2015, sẽ xây dựng ít nhất 5 đến 7 dự án song phương cấp cơ sở và cấp Bộ giữa Bộ Giáo dục – Đào tạo và các cơ quan đối tác của Thụy Sĩ. Đó là những nội dung được hướng tới trong diễn đàn giáo dục đại học lần thứ nhất giữa hai nước đã được Bộ Giáo dục – Đào tạo và Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, tổ chức vào ngày 12-10, nhằm tiến tới kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Sĩ.
Đại biểu trình bày những vấn đề đang đặt ra với giáo dục đại học Việt Nam
|
Đến dự có Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Trần Quang Quý; ngài Andrej Motyl, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam, cùng đại diện các trường đại học và nghiên cứu của Việt Nam và Thụy Sĩ.
Diễn đàn nhằm tăng cường trao đổi khoa học, hợp tác giáo dục giữa hai nước, tạo điều kiện để sinh viên Việt Nam hưởng thụ nền giáo dục Thụy Sĩ; xây dựng các cầu nối để các cơ sở đào tạo đại học Thụy Sĩ có điều kiện tiếp cận các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam, triển khai các chương trình hợp tác song phương.
Thứ trưởng Trần Quang Quý phát biểu: Diễn đàn giáo dục đại học Việt Nam – Thụy Sĩ diễn ra trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam đang đứng trước những thách thức cần đổi mới. Một trong những câu hỏi đặt ra với giáo dục Việt Nam là làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển xã hội và hội nhập sâu rộng với quốc tế. Diễn đàn sẽ đặt ra nhiều vấn đề để bàn luận nhằm giúp giáo dục Việt Nam phát triển dựa trên những kinh nghiệm giáo dục mà Thụy Sĩ chia sẻ.
Các chương trình hợp tác về giáo dục và đào tạo:
1. Giáo dục về Môi trường: Dự án Tăng cường Năng lực cho công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu trên lĩnh vực Khoa học và Công nghệ Môi trường tại miền Bắc; giữa Viện Khoa học và Công nghệ nước của Thụy Sĩ với trường đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội (ĐHQGHN) và đại học Xây dựng Hà Nội; trị giá khoảng: 5.193.000 đô la Mỹ
2. Giáo dục về Quản lý: Dự án Chương trình Thụy Sĩ – AIT về Phát triển Quản lý tại Việt Nam; giữa đại học: Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Bách khoa Hà Nội, Bách khoa thuộc ĐH Quốc gia Hồ Chí Minh, Kinh tế Hồ Chí Minh với Cơ quan hợp tác phát triển Thụy Sĩ, Viện Công nghệ Châu Á, Bangkok, Thái Lan; trị giá khoảng: 15.532.000 đô la Mỹ
3. Giáo dục về Môi trường – IER: Dự án Nâng cao năng lực cho Viện Môi trường và Tài nguyên; giữa Viện Môi trường và Tài nguyên thuộc ĐH Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên Môi trường, Cục Bảo vệ môi trường Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP Hồ Chí Minh với Viện Công nghệ Liên bang – Khoa Quản lý Hệ thống Công nghiệp Thụy Sĩ; trị giá khoảng: 4.052.000 đô la Mỹ.
4. Dự án Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam đặt tại Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (ĐH Bách Khoa Hà Nội), được Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ
5. Tập huấn và xây dựng năng lực cho các trường đại học ngân hàng tại Việt Nam, do Cục Kinh tế Nhà nước Thụy Sĩ tài trợ
|
Theo Khánh Hà
(QĐND Online)
Bình luận (0)