Để nâng cao chất lượng các trường nghề, UBND TP.HCM dành nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường; triển khai các đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao nguồn lực giáo viên đứng lớp.
Tuần qua, đoàn giám sát HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về giám sát công tác quản lý Nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2025.
Hơn 10 ngàn người được hỗ trợ học nghề
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, từ năm 2020 đến nay, TP.HCM triển khai thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn. Trong đó tập trung ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; đầu tư phát triển cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo cung ứng nhu cầu tái cơ cấu cho các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn TP đến năm 2025.
Qua đó, lao động được đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận tăng qua từng năm (năm 2020 tỷ lệ đạt 86,42%, đến tháng 6-2024 đạt 87,63%). TP.HCM tổ chức khảo sát, thu thập nhu cầu sử dụng lao động 74.914 lượt doanh nghiệp và tổ chức khảo sát, thu thập thông tin nhu cầu tìm việc của 137.063 người lao động. Trong đó, có 2.821 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 37.418 chỗ làm việc thuộc 8 ngành đào tạo nhân lực trình độ quốc tế.
Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến tháng 6-2024, có 10.178 người được hỗ trợ, tham gia học nghề ở 50 ngành nghề đào tạo. Trong đó, ngành có nhiều người đăng ký là đào tạo lái xe B2, nhóm ngành thẩm mỹ, làm đẹp, dịch vụ, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật nấu ăn… với số tiền 37,428 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến tháng 6-2024, các thành phần kinh tế đã tạo việc làm mới cho 497.774 lao động, trung bình mỗi năm có trên 141.000 lao động được tạo việc làm mới; tỷ lệ thất nghiệp năm 2023 giảm còn 3,9%. Dự kiến đến năm 2025 đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM đề ra; tỷ lệ thất nghiệp đô thị phấn đấu duy trì đến cuối năm 2025 kéo giảm dưới 4%.
Triển khai các đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Tại buổi giám sát, các đại biểu cho rằng cần đánh giá nhu cầu và hiệu quả của công tác đào tạo lại hiện nay. Theo các đại biểu, TP.HCM cần tăng cường đầu tư phát triển đội ngũ giảng viên các trường nghề, nâng chuẩn đào tạo; đầu tư trang thiết bị hiện đại, học liệu số, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng kiểm định giáo dục nghề nghiệp; cần có chính sách đặc thù, mạnh mẽ hơn nữa để thu hút, giữ chân học viên học nghề thuộc 8 ngành, lĩnh vực đặc thù của TP.HCM. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền và có các giải pháp căn cơ để các doanh nghiệp và người lao động mạnh dạn tham gia bảo hiểm xã hội; có các cơ chế chính sách đủ mạnh để phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện…
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM cho rằng, cần quan tâm về đầu tư có trọng tâm và hiệu quả cho việc đào tạo nghề. Theo ông Bình, TP.HCM cần đánh giá thực chất việc phân luồng 30-70% sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Qua đó, đảm bảo thực hiện đúng chủ trương Trung ương và thực chất hiệu quả từ việc phân luồng, đầu tư nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề. Tương tự, ông Tăng Hữu Phong – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đề nghị UBND TP đánh giá chất lượng của các trường nghề công lập so với các trường ngoài công lập, cũng như các giải pháp phát huy cơ sở vật chất các trường nghề do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Tại buổi làm việc, bà Trần Thị Diệu Thúy – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, công tác đào tạo nghề trên địa bàn được UBND TP.HCM quan tâm trong thời gian qua. Tuy nhiên, cạnh tranh giữa các trường nghề công lập và ngoài công lập hiện nay rất lớn. Để nâng cao chất lượng các trường nghề, UBND TP dành nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường này. Đồng thời, triển khai các đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao nguồn lực giáo viên đứng lớp…
Theo bà Thúy, UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành có liên quan rà soát các quy định pháp luật hiện hành để tham mưu đề xuất các nội dung theo kiến nghị của các đơn vị đảm bảo đúng quy định. Đối với những nội dung chưa có trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật sẽ kiến nghị các cơ quan bộ, ngành nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Quốc hội ban hành văn bản quy định làm cơ sở pháp lý để địa phương thực hiện.
“Trước mắt, TP.HCM đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục, bảo hiểm xã hội để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan biết và tuân thủ nghiêm các quy định. Đa dạng hình thức, nội dung phổ biến, tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Phát huy tính chủ động của các sở ban ngành trong việc phối hợp tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến lĩnh vực, ngành…” – bà Thúy nói.
Kết luận buổi giám sát, ông Huỳnh Thanh Nhân – Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác quản lý Nhà nước về lao động và việc làm trong thời gian qua. Ông Nhân cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại như dư nợ vốn vay lớn, nợ quá hạn, nợ không có khả năng thu hồi cần hết sức quan tâm; giới thiệu đi lao động ở nước ngoài chưa đạt theo yêu cầu, mong muốn của TP.HCM; một số chỉ tiêu về an toàn vệ sinh lao động còn nhiều hạn chế; công tác phối hợp thông tin về lao động việc làm giữa các cơ quan quản lý Nhà nước của địa phương với các doanh nghiệp chưa kịp thời; công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa hoàn thành…
Nhật Huy
Bình luận (0)