Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Triển khai chương trình “Điều ước cho em” trong ngành giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bộ GD-ĐT vừa ban hành kế hoạch triển khai chương trình “Điều ước cho em” trong ngành giáo dục nhằm hỗ trợ học sinh và cơ sở giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do lũ, lụt để tổ chức bữa ăn trưa đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, cung cấp nhu cầu thiết yếu cho học sinh.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng áo ấm cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nhạn Môn (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) 

Đồng thời, chương trình cũng nhằm khắc phục tình trạng thiếu thốn về trang thiết bị học tập, cơ sở vật chất… phục vụ công tác giảng dạy của giáo viên, hoạt động của nhà trường.

Huy động các nguồn lực xã hội hóa giúp trường học vượt qua khó khăn

Theo Bộ, do thực trạng cơ sở vật chất tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn cùng sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và bão lũ liên tiếp ở các tỉnh miền Trung thời gian qua, nhiều trường học đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học, tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh, hệ thống điện, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường; phần lớn các thiết bị dạy học bị mất mát, hư hỏng nặng… Những điều này ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục, giáo viên và học sinh.

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh cũng như để tổ chức dạy tốt, học tốt, Bộ GD-ĐT ban hành kế hoạch triển khai chương trình nói trên.

Theo đó, Bộ yêu cầu triển khai để chương trình được lan tỏa đến các cơ sở giáo dục, nhất là những nơi khó khăn, ảnh hưởng bão lụt và các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Các hoạt động của chương trình bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Các nguồn lực vận động hỗ trợ đảm bảo đúng mục đích. Huy động các nguồn lực xã hội hóa, sự chung tay của cả cộng đồng xã hội để hỗ trợ, chia sẻ giúp các cơ sở giáo dục vượt qua những khó khăn, đảm bảo điều kiện tốt hơn trong tổ chức hoạt động giáo dục.

Cụ thể, các cơ sở giáo dục sẽ cập nhật những thông tin như: Khó khăn về nhu cầu sử dụng điện, nước; về nhà vệ sinh (đối với điểm trường chưa có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh xuống cấp nhưng nay chưa có kinh phí sửa chữa, duy tu hoạt động); về nhu cầu thường xuyên (tổ chức bữa ăn trưa, sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh). Cục Cơ sở vật chất chủ trì, phối hợp Công đoàn ngành giáo dục tiếp nhận kinh phí, trang thiết bị hỗ trợ và đề xuất phương án hỗ trợ các cơ sở giáo dục; kết nối các doanh nghiệp, tổ chức tài trợ. Vụ Giáo dục thể chất phối hợp tổng hợp đề xuất hỗ trợ bữa ăn học đường, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, kết hợp tăng cường các hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh; đề xuất xây dựng, duy tu công trình nước sạch, vệ sinh trường học…

Học sinh được học tập tốt hơn

Trước đó, ngày 24-12, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã tới thăm và tặng quà một số trường học khó khăn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Đây là hoạt động khởi động chương trình “Điều ước cho em” do Bộ GD-ĐT phối hợp với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các Bộ ngành liên quan triển khai.

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nhạn Môn (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn), gần 400 chiếc áo ấm, gần 400 đôi ủng và nhiều phần quà ý nghĩa với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng đã được tặng cho học sinh, giáo viên.

Theo Bộ trưởng, chương trình “Điều ước cho em” sẽ góp phần quan trọng để đưa học sinh đến trường và được học tập tốt hơn, giúp giáo viên ở những vùng khó khăn được cải thiện điều kiện làm việc… Với sự kết nối trực tiếp từ những người cần được giúp đỡ tới những người có thể giúp đỡ, chương trình sẽ tạo ra được mạng lưới cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau, chung tay phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

Để việc kết nối đạt hiệu quả, theo Bộ trưởng, các trường phải rà soát, thống kê những điều kiện còn thiếu một cách chính đáng, từ đó tập hợp chia sẻ trực tiếp tới những đơn vị, cá nhân có mong muốn hỗ trợ. Bộ GD-ĐT sẽ nhận nhiệm vụ kết nối một cách minh bạch, kịp thời, đúng người, đúng việc, đúng nhu cầu của cả kênh hỗ trợ và kênh cần hỗ trợ.

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)