Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM), sách giáo khoa (SGK) mới sẽ chính thức áp dụng tại lớp 1. Theo đó, các địa phương đang nỗ lực để khi triển khai chương trình đạt kết quả tốt nhất…
Tiết dạy thử môn tiếng Anh lớp 1 tại Trường TH Nguyễn Huệ (Q.1,TP.HCM). Ảnh: N.Định
TP.HCM: Dạy thử SGK mới
Năm học 2020-2021, Trường TH Lê Văn Tám (Q.7) đón nhận 6 lớp 1. Để tạo điều kiện thực hiện chương trình mới, cô Trần Thị Lan Hương – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết, nhà trường cố gắng ổn định sĩ số 35 HS/lớp, đồng thời phấn đấu đáp ứng chỉ tiêu 1,5 GV/lớp đối với lớp 1. Về cơ sở vật chất, bên cạnh 1 phòng STEM hiện có, HS được học trải nghiệm trên iPad, học toán, khoa học bằng tiếng Anh, năm học tới trường sẽ trang bị thêm 1 phòng STEM. Về phía GV khối 1, đến thời điểm này các cô đã bắt tay vào soạn giáo án chương trình mới, thường xuyên trao đổi qua các buổi họp tổ chuyên môn. Đặc biệt là từ cuối tháng 5, GV đã mạnh dạn dạy thử nghiệm một số hoạt động ở các bộ môn như toán, tiếng Việt trong SGK mới đối với HS lớp 1 hiện tại để đánh giá về mức độ phù hợp.
“Chương trình mới mang tính mở, đòi hỏi sự sáng tạo của GV rất nhiều. Hiện tại GV đang được tập huấn trực tuyến về SGK, sắp tới sẽ được tập huấn trực tiếp chuyên sâu hơn. GV được coi rất nhiều tiết dạy mẫu. Sắp tới, trường sẽ nghiên cứu lập ngân hàng ngữ liệu trong từng tổ chuyên môn”, cô Hương cho biết thêm.
Tính đến thời điểm này, Trường TH Nguyễn Huệ (Q.1) đã triển khai được 12 tiết dạy thử ở tất cả các bộ môn trong bộ sách “Chân trời sáng tạo” trên đối tượng HS. Trong các tiết dạy thử, GV đều sáng tạo tổ chức các hoạt động lồng ghép yếu tố đặc thù địa phương, phát huy tối đa năng lực HS… “Sau khi nghiên cứu chọn ra bộ SGK, từ tháng 5, tổ bộ môn khối 1 đã họp xây dựng giáo án, mỗi GV lên 2 tiết dạy thử. Sau mỗi tiết dạy thử, GV sẽ góp ý, thảo luận. Nhà trường cũng đã trang bị cho mỗi GV khối 1 cả 5 bộ SGK mới để thầy, cô nghiên cứu, làm tư liệu giảng dạy”, cô Bùi Thị Thanh – Hiệu trưởng nhà trường – thông tin.
Theo cô Thanh, điểm khác biệt rõ rệt nhất trong chương trình GDPTM so với chương trình hiện hành là GV thoát ly ra ngoài SGK khi SGK chỉ là tài liệu giảng dạy. Với mỗi bài học trong chương trình mới, GV sẽ xác định mục tiêu, từ đó tổ chức các hoạt động giảng dạy phù hợp với đối tượng HS, đề cao tính sáng tạo, chủ động, linh hoạt rất lớn của người thầy…
“Vài năm trở lại đây, GV đã rất mạnh dạn đưa các phương pháp dạy học tích cực, đổi mới vào trong giảng dạy, tạo điều kiện rất thuận lợi cho nhà trường khi triển khai chương trình mới. Đặc biệt, trường cũng tạo mọi điều kiện để thầy, cô nâng cao về CNTT nhằm hỗ trợ một cách tốt nhất tính hiệu quả của chương trình mới”, cô Thanh nói.
Mới đây Trường TH Nguyễn Thái Bình (Q.4) đã rà soát lại các trang thiết bị, đồ dùng dạy học để chuẩn bị triển khai chương trình mới, SGK mới. Các tiết dạy thử được triển khai ở một số bộ môn như toán, tiếng Việt nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm dựa trên sự tiếp thu của HS. “Với chương trình hiện hành, nhiều thầy, cô đã tiếp cận được với phương pháp mới. Thế nhưng, khi tiếp cận chương trình mới, các tiết dạy phải xây dựng lấy chính HS làm trung tâm, hiệu quả tiết học vẫn phụ thuộc vào người thầy. Qua các tiết dạy thử sẽ là bước để GV hình dung, làm quen với cách thức triển khai chương trình”, thầy Lê Ngọc Phong – Hiệu trưởng nhà trường – nhận định.
Quy trình tập huấn, bồi dưỡng GV phục vụ cho chương trình GDPTM được Trường TH An Bình (Q.2) thiết kế ở nhiều góc độ, từ tập huấn về chương trình, phương pháp, xây dựng kế hoạch dự giờ, góp ý tổ chuyên môn đến cả tập huấn về tâm lý GV. Đã có 2 tiết dạy mẫu môn toán, tiếng Việt được GV thực hiện để làm quen với chương trình mới, SGK mới. Trong giáo án chương trình, thầy cô cũng đã xây dựng thêm những tình huống lường trước khi áp dụng với đối tượng HS.
Cô Phạm Thị Thùy Trang – Hiệu trưởng nhà trường – cho hay, chương trình GDPTM hướng tới dạy học theo cá thể. Chỉ khi GV thực sự hiểu về mỗi học trò – từ tính cách, năng lực học tập, năng lực tư duy đến hoàn cảnh gia đình thì mới có thể thiết kế được những hoạt động giảng dạy phù hợp với từng đối tượng HS, hướng tới mục tiêu bài học. Ngay trong mỗi bài học, GV cũng phải đề ra được một năng lực mà từng đối tượng HS yếu, thiếu, cần để bổ sung.
“Bước vào chương trình mới, thầy cô phải bước ra ngoài những khuôn mẫu cũ về giáo án, hoạt động, phương pháp giảng dạy, đánh giá HS. Chính sự bứt phá của GV sẽ là yếu tố chính quyết định tính thành bại của chương trình”, cô Trang nhấn mạnh.
Từ quá trình nghiên cứu chương trình GDPTM, SGK mới đến việc xây dựng giáo án, lên tiết dạy thử, cô Nguyễn Hoàng Linh Trúc – GV lớp 1, Trường TH Nguyễn Thái Bình – đánh giá, giáo án chương trình mới khác với chương trình hiện hành là mục tiêu dựa vào chính năng lực phẩm chất của HS. Giáo án phải xây dựng được các hoạt động dạy học làm rõ được những mục tiêu mà HS đạt được. Nhận định thì dễ nhưng bắt tay vào sẽ không hề đơn giản. Mỗi lớp học có tới 35, 40 em, thậm chí là trên 50 em. Chỉ riêng việc xác định được năng lực HS để phát triển trong bài học đã là vấn đề. Sẽ không có một giáo án nào là chuẩn mực để áp dụng cho tất cả các lớp. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là nhiệm vụ bắt buộc của mỗi GV khi tham gia trong chương trình mới.
Cô Nguyễn Mai Lan Anh – Tổ trưởng chuyên môn khối 1, Trường TH Lê Văn Tám – cũng cho hay, điều cơ bản nhất khi xây dựng bài học trong chương trình mới là thiết kế hoạt động, chọn được ngữ liệu phù hợp với từng đối tượng HS ngay trong một lớp để tạo ra sự thoải mái, thích thú. Một GV đạt yêu cầu trong chương trình mới là phải biết được HS cần gì, thích gì và muốn gì để thiết kế các hoạt động tương ứng, nhưng vẫn phải đạt được các mục tiêu năng lực phù hợp. Muốn vậy, hơn khi nào hết GV phải thật sự chủ động, kế thừa và làm mới hơn nữa những phương pháp đổi mới gắn với HS…
ĐBSCL: Đảm bảo cung ứng đủ sách
Để chuẩn bị cho chương trình GDPTM ở lớp 1, năm học 2020-2021, Trường TH Nguyễn Du, Q.Ninh Kiều chọn bộ SGK “Chân trời sáng tạo”. Thầy Lê Kinh Đô – Hiệu trưởng nhà trường – chia sẻ: “Nhà trường chọn bộ “Chân trời sáng tạo” vì cách dùng câu phong phú, đặc biệt từ ngữ sử dụng rất gần gũi với địa phương. Khi giảng dạy, HS dễ hiểu. Những hình ảnh minh họa trong bộ sách đẹp, thu hút. Đặc biệt, nội dung giảng dạy tích hợp và bám sát định hướng GD phát triển năng lực HS với trọng tâm là chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực người học. Kết cấu nội dung giảng dạy ở tất cả các môn đều chặt chẽ, liên kết các kiến thức thành một hệ thống, do vậy GV thuận lợi trong ôn tập và giúp HS dễ khắc sâu kiến thức”.
Trường TH Trần Quốc Toản chọn bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Cô Huỳnh Thị Xuân Lan – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Bộ SGK này dùng từ ngữ phù hợp địa phương, kết cấu chương trình giảng dạy khoa học, thầy cô giáo rất dễ triển khai trong quá trình giảng dạy. Phương pháp giảng dạy giúp HS dễ hiểu, tiếp thu nhanh và đi sâu vào hình thành năng lực, phẩm chất cho các em”.
Cũng chọn bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống”, cô Nguyễn Thị Xuân Thảo – Hiệu trưởng Trường TH Mạc Đĩnh Chi – phân tích: “Trong nội dung giảng dạy các môn, sau mỗi bài học đều có bài tập thực hành, từ dễ đến nâng cao để HS thực hành. Các bài tập có nhiều cấp độ, phù hợp năng lực từng HS. Có những bài tập được nhóm tác giả thiết kế như trò chơi để trẻ vừa vui vừa học. Với phương pháp giảng dạy chủ đạo “Lấy HS làm trung tâm”, thiết kế bài dạy tập trung vào việc giúp trẻ tự khám phá để đạt kiến thức, kết nối các hoạt động trải nghiệm, đồng thời giúp thầy, cô giáo có thể tự làm đồ dùng để làm phong phú, nâng cao hiệu quả các tiết dạy”.
Cần Thơ có 180 cơ sở GD tham gia chọn SGK lớp 1. Việc lựa chọn SGK lớp 1 (trên cơ sở 5 bộ sách được Bộ GD-ĐT phê duyệt) được các trường thực hiện dân chủ, bình đẳng, công khai, theo hướng dẫn của UBND TP. Kết quả số trường TH chọn bộ “Cánh diều” chiếm từ trên 21% đến hơn 26%; Số trường chọn các bộ sách còn lại chiếm từ trên 72% đến hơn 78%, trong đó nhiều trường chọn bộ “Chân trời sáng tạo”.
Nhìn chung khuynh hướng chọn SGK lớp 1 của các cơ sở GD ở ĐBSCL đều dựa vào tiêu chuẩn gần gũi với thực tế địa phương trong thiết kế phương pháp giảng dạy và từ ngữ sử dụng. Cụ thể, tại Hậu Giang, theo thông tin từ Sở GD-ĐT cho thấy, toàn tỉnh có 162 trường TH, trong đó 77% trường chọn bộ “Cánh diều”, kế đến là bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và bộ “Chân trời sáng tạo”. 2 bộ “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” không có trường nào lựa chọn. Tại Long An: 100% trường; Tây Ninh: 95% trường; Tiền Giang 75,86% chọn bộ “Cánh diều”…
Bà Trần Hồng Thắm – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ – cho biết: “Sở GD-ĐT đã báo cáo Bộ GD-ĐT và UBND TP kết quả chọn SGK lớp 1 và cung cấp thông tin cho các nhà xuất bản (NXB) có SGK được các cơ sở GD trên địa bàn lựa chọn để có phương án cung ứng SGK các môn học đầy đủ cho HS trước ngày 15-8. Sở cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cấp SGK lớp 1 cho tủ sách thư viện các trường ở địa bàn khó khăn, quan tâm hỗ trợ những HS có hoàn cảnh đặc biệt để tất cả HS lớp 1 đều có SGK trong năm học mới”.
Đến nay các NXB đã phối hợp với sở GD-ĐT các tỉnh, thành trong khu vực hoàn thành kế hoạch tập huấn sử dụng SGK cho 100% thầy, cô giáo dạy lớp 1 năm học 2020-2021 trước khai giảng năm học mới. Một số NXB còn chuẩn bị phương án tập huấn online để đa dạng hóa hình thức tập huấn.
GV là những người tiếp cận đầu tiên trong chọn lựa SGK để mang lại hiệu quả trong học tập, giảng dạy. Ảnh: H.Giang
Tại các cơ sở GD, ban giám hiệu thông báo cho phụ huynh về SGK lớp 1 qua nhiều kênh. Tại Cần Thơ, phòng GD-ĐT các quận, huyện chỉ đạo các trường hướng dẫn phụ huynh mua SGK cho con. Phụ huynh có thể mua ở các nhà sách hoặc nhờ trường mua giúp.
Bà Trần Hồng Nga – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Sách, Thiết bị trường học Cần Thơ – cho biết: “NXBGDVN tại TP.Cần Thơ đảm bảo cung ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời SGK lớp 1, không để xảy ra tình trạng thiếu sách, sốt sách trên thị trường ĐBSCL. Ngoài đảm bảo cung ứng đủ SGK cho GV và HS, NXB còn có cơ chế hỗ trợ tồn kho để giúp các đơn vị, các kênh phát hành chủ động trong kế hoạch đặt hàng và dự trữ sách phục vụ nhu cầu khách hàng. Hiện nay công ty đang nhập sách về kho và đóng gói các bộ SGK để cung cấp cho nhà sách của công ty và các nhà sách khác trên địa bàn”.
Miền Trung: GV sẵn sàng với chương trình mới
Tính đến thời điểm hiện tại, các trường ở miền Trung như Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị đã hoàn tất các khâu lựa chọn SGK lớp 1. Các trường đã có nhiều hình thức thông báo như công khai trên cổng thông tin nhà trường, bảng thông báo tại trường, tờ rơi hoặc thông qua các cuộc họp phụ huynh; phối hợp với các trường mầm non trên địa bàn tổ chức giới thiệu đến phụ huynh có con 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 về SGK đã được lựa chọn sử dụng tại trường tiểu học trong năm học tới. Đảm bảo 100% phụ huynh biết SGK sẽ thực hiện tại địa bàn, trường học mà trẻ dự kiến theo học lớp 1 năm học 2020-2021. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu SGK năm học 2020-2021 trên địa bàn.
Tại Đà Nẵng, bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD-ĐT – cho biết, quá trình chọn lựa SGK có một số khó khăn. Giá bìa SGK mới cao hơn bộ SGK cũ (chưa tính đến sách bài tập, sách tham khảo, dụng cụ học tập…) sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân nói chung và người lao động nghèo nói riêng. Ngành GD-ĐT sẽ gặp khó khăn trong thanh tra, kiểm tra, dự giờ thăm lớp. HS chuyển trường sẽ khó khăn khi mua SGK mới, nếu trường mới có bộ sách khác trường cũ. Tuy nhiên, sở sẽ nghiên cứu, hướng dẫn kỹ việc sinh hoạt chuyên môn ở các trường: căn cứ khung chương trình để nhận xét đánh giá; đặc biệt lưu ý việc sinh hoạt cụm chuyên môn ở các trường sử dụng những bộ SGK khác nhau… Sở cũng có kế hoạch làm việc với các NXB, gửi văn bản đề nghị với Bộ GD-ĐT về chính sách hỗ trợ giá SGK cho HS nghèo. Tiếp tục hướng dẫn sử dụng SGK, sách hỗ trợ (sách bài tập, sách tham khảo…) hiệu quả để sử dụng nhiều năm. Nghiên cứu việc lựa chọn SGK cho năm học 2021-2022 hiệu quả nhất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tới phụ huynh và HS.
Tại Quảng Trị, theo báo cáo năm học 2020-2021, toàn tỉnh có khoảng 13.200 HS lớp 1. Ông Phan Hữu Huyện – Trưởng phòng GDTH, Sở GD-ĐT – cho biết, hiện nay SGK lớp 1 đã được tập kết đầy đủ tại Công ty Phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Trị, khi có nhu cầu từ các trường TH, công ty sẽ chuyển trực tiếp về trường theo số liệu đăng ký.
“Đối với vùng khó, vùng dân tộc thiểu số, một số phụ huynh chưa nắm được kế hoạch đổi mới chương trình và SGK nên các đơn vị trường học sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tư vấn hỗ trợ phụ huynh mua SGK đúng theo chủng loại, số lượng quy định. Sở sẽ tăng cường chỉ đạo, để hạn chế những bất cập như trên có thể xảy ra”, ông Huyện nói thêm.
Cũng theo ông Huyện, ngành GD-ĐT tỉnh đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ GV, cán bộ quản lý GD trên toàn tỉnh. Nội dung tập huấn bao gồm tìm hiểu về chương trình GDPTM và hướng dẫn sử dụng SGK lớp 1.
Ông Phan Văn Hải – Trưởng phòng GDTH, Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế – cũng cho biết, ngoài việc chuẩn bị đủ số lượng SGK cho toàn bộ HS lớp 1 thì tất cả các trường đều sử dụng một phần kinh phí để mua sách dự phòng cho đối tượng HS thuộc diện chính sách, hộ nghèo… mượn, đảm bảo 100% HS đến trường phải có SGK.
Theo ông Hải, việc đưa nhiều đầu sách vào giảng dạy thì nhà quản lý phải nghiên cứu đầy đủ các cuốn sách để chỉ đạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho GV được sát với đối tượng HS. Ngoài ra tại danh mục tối thiểu dành cho lớp 1 thì hệ thống tranh ảnh minh họa cho SGK phải sử dụng các thiết bị hiện đại như ti vi có kết nối wifi, máy chiếu… có nhiều trường chưa trang bị đầy đủ cho các lớp 1 được. Chưa kể đánh giá HS cũng là trăn trở của GV khi dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất… Do vậy, đề nghị Bộ GD-ĐT quan tâm và hướng dẫn thêm bằng tài liệu, video về các hoạt động dạy học lớp 1 để GV tham khảo khi có nhiều môn khá mới như hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất…
Đến hết ngày 15-7, Thừa Thiên – Huế có 1.626 GV và 430 cán bộ quản lý tham gia tập huấn về sử dụng SGK lớp 1 bằng phương thức trực tiếp và trực tuyến. Quá trình dạy học GV tham khảo thêm tài liệu ở các website của các NXB. Khó khăn hiện nay của địa phương là GV dạy các bộ môn (ngoại ngữ, thể dục, âm nhạc) sinh hoạt chuyên môn khá vất vả vì 1 trường chỉ 1 GV. Trước đây sinh hoạt chuyên môn theo cụm huyện nhưng nay mỗi trường 1 cuốn SGK nên GV khó chia sẻ với nhau. Đối với vùng sâu, vùng khó khăn, GV các bộ môn này phải dạy liên trường cũng là trở ngại khi tiếp cận cùng lúc 2 cuốn sách khác nhau.
N.Định – Đ.Phượng – H.Giang
Bình luận (0)