Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn vừa ký quyết định ban hành kế hoach “Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành GD-ĐT năm 2012”. Báo Giáo Dục TP.HCM trích đăng lần lượt kế hoạch này.
Thực hiện Quyết định số 1363/QĐ-UBND ngày 25-3-2010 của Chủ tịch UBND TP về ban hành kế hoạch triển khai đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường” trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2010-2012; thực hiện Quyết định số 569/QĐ-UBND ngày 7-2-2012 của UBND TP ban hành kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2012 trên địa bàn TP.HCM; Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch PBGDPL năm học 2012 của ngành GD-ĐT TP.HCM với nội dung cụ thể như sau:
I. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích
Tiếp tục phát huy vai trò PBGDPL là nhiệm vụ trọng tâm của ngành; được thực hiện liên tục với sự phối hợp thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL trong ngành GD-ĐT TP nhằm góp phần đưa các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến các đối tượng một cách thường xuyên, kịp thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và học sinh – sinh viên (CBCCVC và HSSV) của ngành GD-ĐT; góp phần phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Công tác PBGDPL phải được triển khai rộng khắp đến các cơ sở giáo dục (CSGD) trên địa bàn, đến mọi CBCCVC và HSSV của ngành GD-ĐT nhằm góp phần nâng cao hiểu biết tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật và hành vi chấp hành pháp luật một cách tự giác của nhà giáo, cán bộ quản lý CSGD và người học, góp phần ổn định môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
2. Yêu cầu
– Kế thừa kết quả và kinh nghiệm công tác PBGDPL trong thời gian qua, đảm bảo sự liên tục và tính hệ thống của các công tác PBGDPL. Công tác PBGDPL phải đúng chủ trương, đường lối quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của ngành GD-ĐT.
– PBGDPL phải đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện, hiệu quả và phù hợp hình thức, biện pháp PBGDPL phải được đổi mới thường xuyên. Việc lựa chọn nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với đối tượng theo hướng kết hợp thực tiễn, học đi đôi với hành. Ngoài việc cung cấp thông tin pháp luật, công tác PBGDPL còn phải vận động CBCCVC và HSSV chấp hành pháp luật.
– Thực hiện tốt trong điều kiện thực tế: Công tác PBGDPL trong ngành GD-ĐT được thực hiện tốt, phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhiệm vụ trọng tâm của ngành; từng bước hoàn thiện công tác PBGDPL một cách đầy đủ, đầu tư hợp lý các điều kiện phục vụ cho công tác này.
– PBGDPL phải phù hợp với đặc điểm xã hội, văn hóa truyền thống và các cuộc vận động, các phong trào lớn của ngành; phối hợp các lực lượng công tác PBGDPL trong và ngoài ngành GD-ĐT.
– Đầu tư hợp lý, hiệu quả các phương tiện, điều kiện phục vụ công tác PBGDPL.
– Gắn chặt hơn nữa công tác PBGDPL với giáo dục đạo đức, giáo dục công dân. Kết hợp giáo dục chính khóa với giáo dục ngoại khóa: Tích hợp lồng ghép nội dung pháp luật một cách hợp lý trong các môn học đạo đức, giáo dục công dân, pháp luật, đảm bảo sự liên thông về kiến thức giữa các cấp học và trình độ đào tạo. Kết hợp giáo dục pháp luật thông qua các môn học với các hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt dưới cờ.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)