Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Triển khai đề án Dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020: Cần tạo thuận lợi cho dạy và học

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm qua 19-10, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về triển khai đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 tại 5 điểm Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thái Nguyên. Đây là đề án đổi mới toàn diện dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học, chương trình theo khung chuẩn châu Âu để đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam có đủ năng lực ngoại ngữ, biến ngoại ngữ thành thế mạnh phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chậm tiến độ

Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 được phê duyệt từ tháng 9-2008 nhưng phải đến tháng 6-2011 mới được cấp kinh phí hoạt động từ chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, do triển khai muộn nên một số công việc hiện chưa theo kịp tiến độ đã đề ra trong giai đoạn 1 (2008-2010) của đề án. Thay vào đó, tất cả sẽ được chuyển sang thực hiện trong giai đoạn 2 (2011-2015) với một số nhiệm vụ cụ thể như: kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ngoại ngữ cho các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học; xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút các công dân Việt Nam giỏi ngoại ngữ, các giáo viên là người Việt Nam ở nước ngoài, giáo viên bản ngữ và tình nguyện viên tham gia dạy ngoại ngữ tại Việt Nam…

Một giờ học Anh văn ở Trường THPT Lương Thế Vinh, TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Minh Cả cho rằng: "Việc học ngoại ngữ là một yêu cầu rất cần thiết. Cụ thể như ở Quảng Nam là nơi phát triển du lịch nên người dân có nhu cầu rất lớn về học ngoại ngữ. Sau 2 năm khởi động, có 85% các lớp tiểu học dạy tiếng Anh, THCS, THPT đạt 100%. Tuy nhiên chất lượng còn rất khiêm tốn. Một thực tế rõ ràng là vẫn còn nhiều học sinh, sinh viên trong tỉnh học rất giỏi, đậu thủ khoa nhưng trình độ ngoại ngữ có hạn nên phải lỗi hẹn với nhiều suất học bổng du học nước ngoài. Theo tôi, lỗi không phải do các em mà do cách dạy học của chúng ta lâu nay, các em chỉ thành thạo việc đọc hiểu nhưng giao tiếp vô cùng lúng túng, thi chứng chỉ quốc tế rất khó khăn. Chúng ta dạy tiếng Anh mà quá thiên về cú pháp dạy như một môn khoa học chứ không phải là ngôn ngữ thứ 2 để phục vụ giao tiếp, phục vụ học tập".

Ông Cả cũng cho rằng dạy ngoại ngữ hiện nay còn khó khăn vì dạy đại trà với sĩ số 55 HS/lớp, trang thiết bị còn thiếu thốn. Còn đội ngũ giáo viên thì thiếu quá nhiều. Thống kê cho thấy hiện Quảng Nam thiếu 200 giáo viên tiếng Anh tiểu học, ở bậc THPT thiếu 30 giáo viên. Trong đó số người đạt chuẩn trình độ B1, B2 chỉ… đếm trên đầu ngón tay.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương trong cả nước. Kết quả kiểm tra trình độ năng lực tiếng Anh đối với giáo viên tiếng Anh các cấp tiểu học, THCS, THPT vừa qua cho thấy tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ năng lực theo yêu cầu còn chiếm tỷ lệ cao ở cả 3 cấp học. Nhiều giáo viên còn yếu về phương pháp giảng dạy do ý thức tự bồi dưỡng chưa cao, ít cơ hội được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các giáo viên bản ngữ. Hiện đang tồn tại một nghịch lý ở bậc tiểu học là giáo viên chuyên ngành không thành thạo ngoại ngữ, còn giáo viên ngoại ngữ lại không hiểu biết về chuyên ngành. Nguyên nhân là do giáo viên được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, đa số được đào tạo theo hình thức không chính quy hoặc chuyển từ giáo viên tiếng Nga sang dạy tiếng Anh.

Các tỉnh thành đề nghị nâng cao trình độ giáo viên tiếng Anh hiện tại, bên cạnh đó, nhà nước cần tạo mọi điều kiện về thời gian, tài liệu và kinh phí để giáo viên tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực. Ngoài các khóa học trong nước nên có các khóa học ngắn hạn, dài hạn ở nước ngoài để giáo viên có điều kiện được cọ xát, nâng cao trình độ.

Dạy và học phải đúng thực chất

Ở góc độ đào tạo đội ngũ giáo viên cho các trường, PGS-TS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho rằng, với một đề án lớn như vậy bộ phải mạnh dạn cho phép các trường đại học thành lập các trung tâm bồi dưỡng kiểm tra và đánh giá trình độ, được cấp bằng tương đương với chứng chỉ quốc gia, quốc tế để tạo phong trào học ngoại ngữ mạnh mẽ trong xã hội. Đồng thời, để thu hút người giỏi không thể có mức thu nhập ngang bằng giữa một giáo viên giỏi và một giáo viên chưa đạt chuẩn. Nếu không có thang bậc thu nhập thỏa đáng, chúng ta sẽ tự đánh mất đi cơ hội thu hút người tài… Nhiều ý kiến cũng đề nghị phải có bước đột phá thay đổi mạnh mẽ phương pháp giảng dạy, theo hướng rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ, tranh luận, làm việc theo nhóm… chia nhỏ lớp học từ 16 đến 20 HS/lớp để đạt hiệu quả cao.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: Dạy và học ngoại ngữ phải đúng thực chất. Phải xác định mục tiêu quan trọng của việc học ngoại ngữ không chỉ để hội nhập mà còn là cơ hội để hiểu được 1/3 thành tựu kinh tế khoa học của thế giới. Muốn vậy đội ngũ giáo viên phải chuẩn, đây là vấn đề khó khăn của đề án nhưng các chúng ta kiên quyết phải thực hiện. Các trường đại học, cao đẳng phải phát huy được vai trò là nơi đào tạo nguồn đội ngũ giáo viên có chất lượng. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác dạy và học ngoại ngữ. Khuyến khích thành lập các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chất lượng cao, “nội địa hóa” học phí để mọi người đều có điều kiện để học ngoại ngữ. Các địa phương phải tạo mọi điều kiện để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị học tập và tạo điều kiện cho mỗi giáo viên dạy ngoại ngữ ít nhất được một lần đi nước ngoài học tập kinh nghiệm.

LÊ LINH – THU TÂM

Theo SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)