Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận: Đào tạo nhân sự khó hơn lựa chọn công nghệ!

Tạp Chí Giáo Dục

 Đó là nỗi lo thường trực trong suy nghĩ của các nhà quản lý, các chuyên gia đầu ngành công nghệ hạt nhân của nước ta.
Bên lề Hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 9 diễn ra tại tỉnh Ninh Thuận (từ 18-19.8), PV Báo LĐ đã ghi lại nội dung những trao đổi thẳng thắn của Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử  VN Nguyễn Hữu Tấn, PCT UBND tỉnh  Ninh Thuận Đỗ Hữu Nghị và TS Điền Quang Hiếu – phụ trách Phòng kỹ thuật Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Năm 2011, Bộ GDĐT và Tập đoàn EVN đã ký thoả thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân. Ảnh: TTXVN
Năm 2011, Bộ GDĐT và Tập đoàn EVN đã ký thoả thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân. Ảnh: TTXVN
Thưa ông, sau sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima – 1 của Nhật Bản, với tư cách Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN, ông có thể cho biết nỗi lo thường trực trong suy nghĩ của mình?
– Viện trưởng Nguyễn Hữu Tấn: Sau sự cố điện hạt nhân ở Nhật Bản, ưu tiên số 1 của Việt Nam  khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân là phải lựa chọn công nghệ. Thế giới hiện có gần 450 lò phản ứng hạt nhân phát điện đã qua nhiều thế hệ công nghệ, theo tôi biết, những nước đi mua công nghệ thường chọn công nghệ thế hệ lò thứ ba hoặc 3+, còn những nước sử dụng công nghệ lò thế hệ thứ hai đều do họ tự phát triển (khi đó chưa có công nghệ lò thế hệ thứ ba). Việt Nam “đi sau”, chúng ta quyết tâm lựa chọn công nghệ mới, hiện đại, đã được kiểm chứng tốt nhất để đảm bảo an toàn.
Tất nhiên, khi mua công nghệ mới và tốt hơn thì sẽ đắt hơn, Chính phủ sẽ phải tính toán lại để chuẩn bị nguồn vốn, nhưng quan trọng hơn và cũng khó khăn hơn đó là phải làm thế nào đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục vụ nhà máy điện hạt nhân. Hiện tại, hầu hết cán bộ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân của nước ta được đào tạo ở nước ngoài  đều đã lớn tuổi, hoặc chuyển ngành; số còn lại chủ yếu làm công việc nghiên cứu. Theo kế hoạch, nếu không có gì thay đổi, còn khoảng 9 năm nữa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên chính thức  vận hành, nhưng ngay bây giờ các bộ ngành cần tích cực phối hợp triển khai chính sách ưu tiên tuyển sinh, đào tạo một cách có hệ thống và chính quy thì mới có thể chủ động vượt qua thách thức, trở ngại.
Gần đây, Bộ GDĐT liên tục thông báo ưu tiên học bổng đại học nhằm khuyến khích tuyển sinh đào tạo lĩnh vực năng lượng nguyên tử, nhưng thực tế “đầu vào”rất khiêm tốn, vì sao con em nông dân ở Ninh Thuận không mặn mà với chuyên ngành này?
– PCT Đỗ Hữu Nghị: Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa được tiến hành sâu rộng và đồng bộ; không chỉ ở Ninh Thuận mà cả nước vẫn còn rất nhiều người chưa hiểu về năng lượng nguyên tử và tại sao Việt Nam phải xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Phương pháp tuyển sinh cũng có vấn đề, tôi nghĩ rằng nếu các trường ĐH trực tiếp tuyển sinh đào tạo chuyên ngành năng lượng nguyên tử để chọn nhân tài thì sẽ tốt hơn cách mà Bộ GDĐT đang làm là ưu tiên học bổng để thu hút sinh viên xuất sắc của các trường ĐH. Tôi đề nghị Bộ GDĐT và Bộ LĐTBXH  cùng “bắt tay ” tổ chức các chiến dịch tư vấn mùa tuyển sinh để tìm kiếm ứng viên; về phía chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ vận dụng chính sách hỗ trợ con em nông dân đăng ký học những ngành, nghề  có thể phục vụ lâu dài cho nhà máy điện hạt nhân.
– TS Điền Quang Hiếu: Cần khoảng 6 năm mới đào tạo được một lứa kỹ sư chuyên ngành năng lượng nguyên tử. Trước đây, chỉ những sinh viên trúng tuyển ở top đầu mới được Nhà nước cho du học ngành năng lượng nguyên tử; rất tiếc khi về nước không phải ai cũng được làm việc đúng ngành, nghề; hơn nữa nhiều người vì “không có đất dụng võ” hoặc theo xu thế phát triển của xã hội mà “ra đi”. Hiện nay, mặc dù EVN có chương trình đào tạo khá hoàn hảo, nhưng khoa Điện hạt nhân của Trường ĐH Điện lực không tuyển đủ chỉ tiêu. Trong thực tế, tuyển cán bộ công chức vào làm việc tại các nhà máy điện rất khó, tuyển nhân lực vào nhà máy điện nguyên tử càng khó hơn, bởi vì đây là một ngành đặc biệt, yêu cầu chất lượng “đầu vào” cao, vì vậy nhà nước cần ban hành chính sách lương thỏa đáng. Sắp tới, EVN sẽ phối hợp với các nhà thầu tổ chức đào tạo và đào tạo lại trong từng giai đoạn triển khai dự án.
Thưa ông, Bộ KHCN vừa đặt hàng các nhà khoa học ở Viện Địa chất nghiên cứu lại khu vực dự kiến xây dựng NMĐHN Ninh Thuận. Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã và đang triển khai các bước thực hiện như thế nào?
– TS Điền Quang Hiếu: Xây dựng NMĐHN là chủ trương lớn, sử dụng nguồn vốn cũng rất lớn; dự án liên quan đến nhiều bộ, ngành và đang trong giai đoạn chuẩn bị; vì vậy rất cần các kết quả nghiên cứu chính thức về địa chất thủy văn-địa chất công trình, đặc biệt là những thông số cụ thể, chi tiết về hoạt động đứt gãy địa chất ở khu vực sẽ xây dựng nhà máy. Hiện chưa có chủ trương nào khác về địa điểm dự kiến xây dựng 2 NMĐHN tại Ninh Thuận.
Ban QLDA đã và đang phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động… người dân trong vùng dự án; mặt khác thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư  và xây dựng cơ sở hạ tầng; đồng thời chuẩn bị hình thành trung tâm quan hệ công chúng trên địa bàn. Xin nói thêm, chúng ta đã lựa chọn được nhà tư vấn lập dự án đầu tư NMĐHN số 2 là Cty năng lượng nguyên tử Nhật Bản và đang tiếp tục thương thảo với nhà tư vấn (Nga) lập dự án đầu tư NMĐHN số 1.
– Xin chân thành cảm ơn!
Bảo Chân thực hiện
(Theo laodong)

Bình luận (0)