Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Triển khai giảng dạy âm nhạc dân tộc trong nhà trường: Thiếu nhạc cụ lẫn giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

NGƯT Phạm Thúy Hoan hướng dẫn các em HS sử dụng đàn tranh

Việc giảng dạy âm nhạc dân tộc cho học sinh (HS) sẽlà điều kiện giúp các em tiếp cận nét đẹp các giá trị văn hóa dân tộc, nuôi lớn tình yêu quê hương đất nước, qua đó các em còn phát huy năng khiếu…
Tuy nhiên, hiện việc triển khai giảng dạy âm nhạc dân tộc trong nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những trường thuộc các huyện ngoại thành.
Nhiều trường… nói không với giảng dạy
Chị Phạm Thanh Thúy, phụ huynh một HS Trường Tiểu học Cầu Xáng (huyện Hóc Môn) cho biết: “Nhìn thấy các bạn nhỏ chơi đàn tranh trong các chương trình âm nhạc trên ti vi, con gái tôi muốn được học lắm song trường không giảng dạy. Tôi cũng cố gắng tìm nơi dạy đàn tranh ngoài trường nhưng từ nhà đến trung tâm huyện khá xa, học phí lại khá cao, vì thế tôi đành gác lại mong muốn của cháu”. Cùng chung tâm trạng như chị Thúy, nhiều phụ huynh tại xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) chia sẻ rằng được chơi các nhạc cụ dân tộc, trẻ nhỏ tỏ ra rất thích thú. Những thể loại nhạc cụ, những kiểu dáng khác nhau khiến các em tò mò và ham muốn khám phá.
Huyện Hóc Môn có gần 30 trường tiểu học, thế nhưng toàn huyện không có giáo viên (GV) nào biết sử dụng nhạc cụ dân tộc. Vì thế các trường không thể tổ chức giảng dạy, và HS cũng không được tiếp cận, làm quen trực tiếp với loại hình nhạc cụ này. Khá hơn huyện Hóc Môn, huyện Cần Giờ có đến 45 nhạc cụ dân tộc nhưng lại không có GV nào sử dụng thông thạo. Vì thế nhạc cụ có cũng chỉ để “trưng bày” và HS muốn được học cũng chỉ ngồi chờ…
Ông Phan Văn Kèo, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn, cho hay: “Giảng dạy âm nhạc dân tộc cần phải có GV, nhạc cụ, phòng dạy nhạc… Thế nhưng hiện nay huyện không có GV biết sử dụng nhạc cụ và nhạc cụ cũng không có nên không thể triển khai giảng dạy được”. Khó khăn này không riêng huyện Hóc Môn hay Cần Giờ gặp phải mà còn là khó khăn chung của một số huyện ngoại thành khác như: Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi. Toàn huyện Bình Chánh có đến 105 nhạc cụ dân tộc, nhiều nhất là tiêu (51 cây), sáo (49 cây) nhưng số GV biết sử dụng thì chỉ vỏn vẹn có 3 người.
Với những khó khăn như vậy thì việc giảng dạy âm nhạc dân tộc vẫn chỉ thông qua tranh ảnh, băng đĩa hay phát thanh các bài hát dân ca cho các em xem, nghe là chính. Hình thức giảng dạy mang tính chất lý thuyết, HS thiếu thực hành, rèn luyện, việc tiếp cận âm nhạc dân tộc khá mờ nhạt.
Được học âm nhạc dân tộc – những tiết học mang tính chất “vừa học vừa chơi” khiến các em HS cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái; đồng thời còn hình thành những kỹ năng sống ngay từ thời thơ ấu. Đặc biệt, trong thời buổi hiện nay, khi thị trường âm nhạc hiện đại ngày một phát triển và xâm nhập sâu rộng thì việc triển khai giảng dạy âm nhạc dân tộc càng cần thiết và cấp bách hơn.
Trở ngại lớn vẫn là đội ngũ GV
Hiện nay hầu hết GV giảng dạy âm nhạc trong trường tiểu học và THCS không được đào tạo chuyên sâu nên dẫn đến tình trạng không biết sử dụng nhạc cụ. Từ đó, việc giảng dạy vẫn trên tinh thần… khuyến khích. “Trường nào có điều kiện thì nên đưa vào giảng dạy để các em HS tiếp cận và học tập” – ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) nói.
Ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh cho rằng, thiếu nhạc cụ thì có thể tìm cách đầu tư, chứ thiếu GV thì rất khó để xoay xở.
Khoa Nghệ thuật thuộc Trường ĐH Sài Gòn là khoa duy nhất tại TP có đào tạo GV chuyên ngành âm nhạc. Hàng năm chỉ tiêu khoa đưa ra trung bình từ 30-40 sinh viên (SV), đào tạo chuyên sâu về sư phạm âm nhạc. Cụ thể, SV được học dân ca, nhận biết tất cả các nhạc cụ dân tộc, và chỉ học nhạc cụ (bắt buộc) suốt bốn năm là đàn organ, để ra trường họ có thể dạy nhạc lí cơ bản, dạy xướng âm, đệm cho HS hát mà không được đào tạo chuyên sâu về từng loại nhạc cụ dân tộc. Ngược lại, đối với những GV biết sử dụng các nhạc cụ dân tộc thì được đào tạo chủ yếu ở nhạc viện. Tại đây họ được đào tạo chuyên sâu về từng nhạc cụ, nhạc lí song đội ngũ này sau khi ra trường ít theo nghề giáo vì nhiều lí do như không có kỹ năng sư phạm… NGƯT Phạm Thúy Hoan, giảng viên Nhạc viện TP.HCM nói: “Mức thu nhập hiện nay của GV không cao, khó trang trải cho cuộc sống, thế nên sau khi ra trường các bạn thường theo đoàn biểu diễn, hoặc lĩnh vực khác là chính”.
Từ những khó khăn này cho thấy việc tìm nguồn GV đã khó lại càng khó hơn. Có chăng chỉ những ai thật sự tâm huyết mới tham gia giảng dạy. Đơn cử, tại Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (Q.3) có đến 20 cây đàn tranh thế nhưng chỉ duy nhất cô Phạm Thúy Hoan đứng lớp trong vài năm trở lại đây. Cô Dương Thị Ngọc Thu, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Cô Hoan quá đam mê âm nhạc dân tộc nên tự nguyện xin về trường giảng dạy, truyền đạt cho các em. Trên thực tế, những GV tâm huyết đứng bục giảng về âm nhạc dân tộc như cô Hoan rất ít”.
Về vấn đề này, ThS. Lâm Trúc Quyên, Trưởng khoa Nghệ thuật Trường ĐH Sài Gòn chia sẻ: “Hiện nay, không chỉ đội ngũ GV giảng dạy âm nhạc dân tộc thiếu mà ngay cả đội ngũ GV dạy nhạc cũng thiếu bởi nhu cầu đội ngũ này rất nhiều. Nhiều năm trở lại đây, khoa được phép liên kết với các tỉnh để đào tạo thì có nhiều tỉnh liên kết như Bình Phước, Đắk Lắk, Kiên Giang… SV các tỉnh về học cũng rất nhiều. Nếu được cho phép mở rộng đào tạo cũng như đào tạo chuyên sâu từng nhạc cụ thì khoa sẵn sàng, vì nghệ thuật là bao gồm tất cả các ngành. Làm được điều này sẽ phần nào tháo gỡ khó khăn về đội ngũ GV giảng dạy âm nhạc dân tộc”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
 
“Hiện nay, không chỉ đội ngũ GV giảng dạy âm nhạc dân tộc thiếu mà ngay cả đội ngũ GV dạy nhạc cũng thiếu bởi nhu cầu đội ngũ này rất nhiều”, ThS. Lâm Trúc Quyên, Trưởng khoa Nghệ thuật Trường ĐH Sài Gòn cho biết. 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)