Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 tại TP.HCM vướng phải hàng loạt khó khăn, tác động đến hiệu quả thực hiện chương trình. Rất nhiều vấn đề giải pháp, kiến nghị đã được Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM thẳng thắn góp ý nhằm “hiến kế” cho thành phố.
Nhiều vấn đề được Đoàn ĐBQH TP.HCM “hiến kế” cho ngành giáo dục để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018
Quan tâm vấn đề đào tạo ra người Việt Nam yêu nước
Trong buổi làm việc của Đoàn ĐBQH TP.HCM với ngành giáo dục TP.HCM thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2022, ĐBQH Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM nhìn nhận, Nghị quyết 88 của Quốc hội đặt mục tiêu là đào tạo ra người Việt Nam phát triển đầy đủ phẩm chất, năng lực; người Việt Nam có văn hóa, yêu nước, tự trọng.
Tại TP.HCM, qua chương trình lắng nghe tiếng nói thiếu nhi, vấn đề được học sinh quan tâm nhiều là môn lịch sử học ở trường không được trải nghiệm, khiến môn học nhàm chán. Bà đặt vấn đề việc trải nghiệm đó có thể định lượng được không, định lượng bằng cách nào?
“Học sinh nói rất thích học môn lịch sử song do khả năng truyền đạt của giáo viên, và quá trình học thì ít được đi bảo tàng, các nơi để trải nghiệm nội dung đã học. Vậy làm sao để định lượng việc trải nghiệm này nhiều hơn. Riêng đối với các trường ngoài công lập thì việc giáo dục học sinh 5 điều Bác Hồ dạy được cụ thể hóa như thế nào để giáo dục học sinh trở thành người Việt Nam yêu nước?”, đại biểu Tô Thị Bích Châu trăn trở.
Liên quan đến vấn đề này, ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban VHXN, HĐND TP.HCM thẳng thắn, khi đi khảo sát ở bảo tàng, khu di tích lịch sử thì thấy số lượng học sinh đến các điểm này tham gia hoạt động ngoại khóa so với các năm trước có tăng nhưng không đáng kể. Trong khi đó, gần đây các trường lại có xu hướng cho học sinh đi ngoại khóa ở các khu du lịch ở Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu, một số bảo tàng, di tích lịch sử và một số điểm dấu ấn của TP.HCM thì lại ít được quan tâm. Ông cho rằng, ngành giáo dục cần phải phân tích tỷ lệ học sinh đi ngoại khóa như thế hàng năm ra sao, làm sao phát triển giá trị văn hóa lịch sử gắn với giáo dục học sinh…
ĐBQH Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM lại chia sẻ sự lo lắng và quan tâm về vấn đề đạo đức học đường trước nhiều thông tin trên mạng xã hội. Ông đề nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT và hiệu trưởng nhà trường phải luôn luôn nhắc nhở, giảm tối đa các tiêu cực trong môi trường giáo dục hiện nay, giáo dục đạo đức học sinh…, trong đó chú trọng giáo dục học sinh về “tiên học lễ, hậu học văn”; về “5 điều Bác Hồ dạy”, “tôn sư trọng đạo…
Cần rất nhiều cơ chế để gỡ khó
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, tính riêng con số 1,6 triệu học sinh toàn TP.HCM năm học này đã gấp hơn 3 lần dân số của tỉnh Bắc Kạn, Lai Châu. Do vậy, nhu cầu đầu tư cho TP rất cao, Đoàn ĐBQH TP.HCM luôn đề nghị Quốc hội dành một tỷ lệ điều tiết ngân sách để TP tái đầu tư hạ tầng, bao gồm hạ tầng về giáo dục.
“Trong nhiều năm TP.HCM là đầu tàu, đi đầu trong đổi mới nên hình thành nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, kéo theo đó là lực lượng lao động của các địa phương khác lên TP làm việc, lập nghiệp, lập gia tình, kéo theo đó là gia tăng nhu cầu học tập. Nhiều sinh viên cũng lựa chọn TP.HCM làm nơi học tập, lập nghiệp. Do vậy, nhu cầu nhà trẻ, trường tiểu học lúc nào cũng căng thẳng cho các quận, huyện. Vấn đề thiếu trường ở các địa phương luôn tồn tại do thiếu nguồn kinh phí, thiếu đất, vướng thể chế… Đôi khi có tiền lại thiếu đất, khi có đất thì lại vướng quy hoạch, dính thể chế. Do vậy nhu cầu xây dựng trường học rất khó khăn. HĐND TP.HCM cần có thêm sự quan tâm cho ngành giáo dục. Bởi, căn cơ phát triển bền vững nhất là phát triển giáo dục và y tế”, ĐB Trần Hoàng Ngân kiến nghị.
ĐB này đánh giá, thực trạng thiếu giáo viên tại TP.HCM tác động đến hiệu quả thực hiện Chương trình GDPT 2018. Hiện nay, để tuyển được giáo viên ngoại ngữ, tin học thì ngoài yêu cầu chuyên môn còn phải quan tâm đến thu nhập. Thu nhập của giáo viên hiện nay rất thấp. TP.HCM còn có NQ 54 nên thu nhập của giáo viên cũng đỡ phần nào. “Hiện nay các ngành như ngôn ngữ Anh điểm đầu vào các trường đại học cũng cao, nhu cầu tuyển làm giáo viên tiếng Anh thì có thể cho “nợ” chứng chỉ sư phạm, đồng thời xem xét hỗ trợ chứng chỉ sư phạm cho sinh viên học ngành này để có thể có ngay giáo viên giảng dạy tin học, ngoại ngữ. Ngoài ra, về cơ sở vật chất, đầu tư thêm phòng tin học với máy móc thiết bị đáp ứng, HĐND TP cần quan tâm hỗ trợ vì việc huy động vốn xã hội hóa vận động thì khó lắm”, ĐB Trần Hoàng Ngân đề xuất.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc chia sẻ, để thực hiện Chương trình GDPT 2018, sở đã rất chủ động trong việc bồi dưỡng giáo viên, nhất là chủ động đối với các bộ môn mới. Sở giáo dục sẽ tiếp tục tham mưu với Sở Nội vụ về cơ chế tuyển dụng nhằm đảm bảo giáo viên đáp ứng đủ…
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, để triển khai giảng dạy tin học thì phải có phòng máy. Như vậy, máy vi tính này là thiết bị dạy học hay là máy tính để bàn bắt buộc đấu thầu tập trung. Đề xuất của Sở GD-ĐT là có 2 hướng. Một là nếu xem xét ở thiết bị giáo dục thì đưa vào danh mục mua sắm, không đưa vào danh mục mua sắm tập trung thành phố. Còn nếu đưa vào danh mục mua sắm thì giao quyền tự chủ cho các địa phương.
Bên cạnh đó, ông Quốc cho rằng ở một số bộ môn đặc thù yêu cầu tốt nghiệp đại học mới được giảng dạy thì sẽ rất khó, trong khi đó giáo viên âm nhạc, tin học thì cũng có thể tuyển trình độ cao đẳng được để giảng dạy.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM nhận định, TP.HCM triển khai chương trình mới với nhiều thách thức về thiếu trường lớp, giáo viên, áp lực song lại chịu thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện, TP vẫn còn gần 26% giáo viên chưa đạt chuẩn, là thách thức đòi hỏi TP cần phải có lộ trình phù hợp để nâng chuẩn giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình trong thời gian tới. Về thiết bị tối thiểu phục vụ Chương trình GDPT mới TP mới chỉ đáp ứng được 75-76%, kể cả bàn ghế mới đáp ứng được dưới 90%. Máy tính chỉ đạt 55%, thiết bị học tiếng Anh còn thấp hơn nữa…, rất khó khăn cho giáo viên thực hiện công việc.
Bên cạnh đó việc không tuyển được giáo viên thì phải hợp đồng lao động, tuy nhiên khi hợp đồng lại không được lấy từ nguồn ngân sách để chi trả mà phải lấy từ nguồn thu của trường. Điều này là rất khó với các trường. Theo bà Tuyết, thu nhập của giáo viên hiện nay rất thấp. Nếu thời gian qua không có NQ 03 của TP thì không biết sẽ có thêm bao nhiêu giáo viên nghỉ việc. Do đó về lâu dài, căn cơ thì thu nhập của nhà giáo phải được tính toán, đoàn kiến nghị với Sở GD-ĐT TP.HCM tiếp tục có những đề xuất, kiến nghị để làm sao thu nhập giáo viên sống được, ổn định cuộc sống.
“Thi đua là cần thiết để đạt được mục tiêu sớm hơn, hiệu quả hơn song không để thi đua gắn liền với đặt nặng thành tích, ảnh hưởng đến chất lượng chương trình. Điều này xin được gửi gắm đến ngành giáo dục thành phố, làm sao có giải pháp giúp học sinh càng ngày càng chất lượng nhưng mà không nặng thành tích…”, bà Văn Thị Bạch Tuyết đặt vấn đề.
Đỗ Yến Hoa
Bình luận (0)