Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Triển khai Luật Mang thai hộ: Còn nhiều lúng túng

Tạp Chí Giáo Dục

Đông đảo bệnh nhân đến khám tại Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ
Ai là người đứng ra xác nhận thân nhân người mang thai hộ (MTH)? Giấy tờ xác nhận cụ thể gồm những loại nào? Trẻ sinh ra chẳng may mắc các bệnh hiểm nghèo nhưng người MTH và người nhờ MTH không muốn nhận con thì làm sao? Hoặc các biến chứng trong quá trình MTH được giải quyết thế nào?… Đó là những lúng túng mà các đơn vị thực hiện kỹ thuật MTH gặp phải kể từ khi nghị định số 10/2015 của Chính phủ về cho phép MTH có hiệu lực.
Nội dung này được đề cập tại hội thảo Phổ biến nghị định do Bộ Y tế phối hợp cùng Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM tổ chức vừa qua tại TP.HCM.
Nhiều câu hỏi đặt ra
Là một trong 3 đơn vị được phép triển khai hỗ trợ sinh sản bằng MTH, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ đã thành lập Hội đồng khoa học để thẩm định hồ sơ, quy trình cơ bản nhằm thực hiện các bước MTH như: Sàng lọc bệnh nhân, tư vấn hướng dẫn làm hồ sơ. Sau đó các hồ sơ được hội chẩn, kiểm tra tính pháp lý rồi mới tiến hành kỹ thuật MTH. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, bệnh viện gặp không ít lúng túng. Theo Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ Hoàng Thị Diễm Tuyết, việc xác định pháp lý người MTH khá phức tạp. “Trong nghị định quy định người MTH phải có đầy đủ giấy tờ nhưng không chỉ ra cụ thể gồm các loại giấy tờ nào và cơ quan nào có thẩm quyền đứng ra xác định thân nhân? Hoặc trường hợp người MTH phải có sự đồng ý của chồng nhưng nếu vợ chồng không có hôn thú, vậy có hợp pháp không? Rồi vợ chồng đã có con song chẳng may con bị down và người vợ vì một lí do nào đó không còn khả năng mang thai, vậy có thể nhờ MTH được không?”, BS. Diễm Tuyết đặt câu hỏi.
BS. Nguyễn Thị Ngọc Sương, Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương TP.HCM cũng cho rằng, sẽ có những trường hợp trẻ sinh ra nhờ MTH nhưng vì nảy sinh tình cảm giữa người MTH với đứa trẻ nên người MTH không giao trả cho người nhờ MTH; người nhờ MTH không nhận con vì trẻ sinh ra mắc bệnh hiểm nghèo. Trong các trường hợp này giải quyết ra sao? Chưa kể, các biến chứng trong quá trình MTH được giải quyết thế nào? Luật Lao động các cơ quan đều có chế độ thai sản nhưng theo quy định mỗi gia đình chỉ có 2 con, vậy người MTH mang lần thứ 3 thì có được hưởng các chế độ thai sản không? Riêng vấn đề lưu trữ phôi, những trường hợp thụ tinh ống nghiệm thành công với 2 con rồi nhưng vẫn còn thừa phôi, cặp vợ chồng muốn chuyển phôi đẻ thêm nữa, hoặc muốn rút phôi sang trung tâm khác, như thế có vi phạm về kế hoạch hóa gia đình?
Ngoài các thắc mắc trên, một số ý kiến khác còn cho rằng thực hiện MTH khó tránh tình trạng phát sinh lách luật để thực hiện dịch vụ vì mục đích thương mại như: Đẻ thuê, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích vật chất sau khi có thai hoặc sinh con; BS, nhân viên trung tâm tiếp tay thực hiện MTH đối với đối tượng không đủ điều kiện…
Thực hiện theo đúng luật nhưng tiếp tục góp ý bổ sung
Hiện nay, trường hợp vô sinh không thể chữa trị ở nước ta khá cao, khoảng 7,7%, tức chiếm khoảng 700.000 đến 1.000.000 cặp vợ chồng hiếm muộn trong cả nước. Cho phép MTH là quy định thể hiện tính nhân đạo, mang đến hy vọng, cơ hội làm cha, làm mẹ cho các cặp vợ chồng này. Theo đó, Luật MTH cho phép các cặp vợ chồng có quyền nhờ người MTH khi có xác nhận của đơn vị y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con. Và người được nhờ MTH cũng phải có đủ các điều kiện như: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ MTH, có độ tuổi phù hợp, đã từng sinh con, có xác nhận của đơn vị y tế có thẩm quyền về khả năng MTH và chỉ được MTH 1 lần. Nếu người phụ nữ MTH đã có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của chồng; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Vụ phó Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho hay: “Để MTH vì mục đích nhân đạo được thực hiện đúng, cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương trong việc xác định mối quan hệ họ hàng của người MTH và người nhờ MTH, cũng như có mẫu hợp đồng thống nhất và điều kiện giao dịch chung giữa các đơn vị thực hiện kỹ thuật. UBND địa phương sẽ là nơi chịu trách nhiệm trong việc xác định mối quan hệ giữa người nhờ MTH và người MTH”.
Còn theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Quang Huy, MTH vì mục đích nhân đạo có các điều kiện ràng buộc cụ thể, quy định quyền, nghĩa vụ các bên có liên quan và việc giải quyết tranh chấp đều dựa theo pháp luật hiện hành. Cụ thể, người MTH được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ MTH. Sinh con do MTH không tính vào con số theo chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Riêng người nhờ MTH chậm nhận con phải có trách nhiệm chu cấp nuôi dưỡng và không được từ chối nhận con. Tất cả các bên trong quan hệ MTH vi phạm các điều kiện, quyền, nghĩa vụ được quy định tại Luật Hôn nhân gia đình thì bị xử lý theo trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến cho biết: “Hiện luật đưa ra có những quy định chưa phù hợp, chưa chặt chẽ nhưng các đơn vị vẫn phải thực hiện đúng theo luật. Một số vấn đề như vợ chồng đã có con song chẳng may con bị down và người vợ vì một lí do nào đó không còn khả năng mang thai… thì cần nhìn ở góc độ khác, ghi lại những bất cập đó, đóng góp ý kiến và sau này luật sẽ có bổ sung, điều chỉnh sao cho ngày càng hợp lý, chặt chẽ hơn”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
 
Ông Nguyễn Hồng Hải cho biết: “Hiện nay, Bộ luật Hình sự chính thức đưa tội MTH vì mục đích thương mại vào luật là tội phạm. Những cá nhân nào thực hiện MTH với mục đích thương mại có thể bị chịu khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù giam. Người hành nghề liên quan thì bị cấm hành nghề công việc từ 1-5 năm”.

Bình luận (0)