Sau THCS, tùy theo năng lực, sở trường, điều kiện gia đình mà người học chọn lựa những hướng đi phù hợp. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 không phải là con đường duy nhất sau THCS.
Thi tuyển sinh lớp 10 không phải là con đường duy nhất sau THCS. Trong ảnh: Chuyên gia đang tư vấn cho học sinh trong chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” lần 7 năm học 2021-2022
Lời khuyên này được các chuyên gia nêu ra trong chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” lần 7 năm học 2021-2022 do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức tại nhiều trường THCS trên địa bàn Q.Bình Thạnh và TP.Thủ Đức mới đây.
Thi tuyển sinh không phải là con đường duy nhất sau THCS
Ông Nguyễn Bảo Quốc (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định, năm học 2022-2023, TP.HCM tiếp tục thực hiện đề án phân luồng học sinh sau THCS. Cụ thể, chỉ 70% học sinh sau tốt nghiệp THCS theo học các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố thông qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10; 30% còn lại rẽ sang các hướng đi khác, như học THPT ngoài công lập, Trung tâm GDNN-GDTX, Trung tâm GDTX, học TC-CĐ nghề… “Công tác phân luồng hướng nghiệp học sinh sau THCS đang được TP.HCM triển khai rất mạnh mẽ. Để tránh áp lực trong kỳ thi tuyển sinh, với những học sinh có sức học không đảm bảo hoặc các em thực sự có mong muốn, nguyện vọng theo học nghề thì nên mạnh dạn rẽ sang các hướng khác. Sau THCS, học lớp 10 THPT công lập không phải là con đường duy nhất”, ông Nguyễn Bảo Quốc khẳng định.
Chia sẻ với phụ huynh và học sinh về các hướng đi sau THCS, ông Nguyễn Nhân Nghĩa (chuyên viên Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho hay, thực tế nhiều học sinh vẫn chưa xác định được đúng năng lực, sở trường của bản thân trong lựa chọn nguyện vọng. Nhiều phụ huynh cũng không đánh giá được đúng sức học của con, kỳ vọng nhiều, dẫn đến đăng ký các nguyện vọng trường không phù hợp, tạo áp lực khi thi cử cũng như học tập nếu trúng tuyển.
Theo ông Nguyễn Nhân Nghĩa, sau THCS, học sinh có rất nhiều con đường để đi, tùy theo năng lực học tập, đam mê, sở thích và điều kiện gia đình của mỗi học sinh. Và tùy theo năng lực mà học sinh có thể lựa chọn thi tuyển sinh lớp 10 hoặc không thi tuyển. Việc không thi tuyển mà rẽ sang các hướng đi khác không phải là yếu kém mà là hướng đến sự phù hợp.
Trong khi đó, ThS. Nguyễn Minh Hà (Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn) chia sẻ, sau THCS, học sinh có thể tìm hiểu theo học chương trình 9+ tại các trường cao đẳng nghề. Lợi thế của chương trình này được Chính phủ hỗ trợ 100% học phí, chỉ hơn 3 năm học đã có bằng cao đẳng chính quy và chứng nhận hoàn thành chương trình THPT, người học có thể liên thông tiếp lên bậc ĐH nếu có nhu cầu hoặc ra trường tham gia vào thị trường lao động với cam kết có việc làm. “Các em phải nhìn lại năng lực học tập của bản thân để đánh giá đúng đắn nhất hướng đi phù hợp với mình. Nếu muốn khẳng định bản thân, vừa đi học, vừa giúp được gia đình thì các em có thể suy nghĩ đến hướng đi vào các trường cao đẳng nghề. Hiện tại, các trường cao đẳng nghề đào tạo đa dạng ngành nghề, quá trình đào tạo gắn liền với thực tiễn, tiệm cận với nhu cầu của thị trường lao động”, ThS. Nguyễn Minh Hà khuyên.
Nếu thi tuyển, hãy tận dụng thật tốt các cơ hội
Năm học 2022-2023, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức) dự kiến tuyển 19 lớp 10, bao gồm 5 lớp chuyên, 1 lớp tích hợp và 13 lớp 10 thường. Thầy Đỗ Dương Cung (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, hàng năm mức điểm chuẩn của trường luôn thuộc tốp cao của thành phố. Ngay cả xét tuyển như năm ngoái, mức điểm học bạ cũng đứng ở vị trí cao. Do vậy, khi đăng ký nguyện vọng vào trường, các em học sinh cần cân nhắc thật kỹ, xác định đúng năng lực, đảm bảo tận dụng thật tốt các cơ hội nguyện vọng. “Năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần đầu tiên thực hiện ở bậc THPT (lớp 10) với 7 môn học bắt buộc, 5 môn lựa chọn và 3 cụm chuyên đề. Vì thế, khi đặt nguyện vọng, các em phải tìm hiểu kỹ về mô hình đào tạo các nhóm môn tự chọn của từng trường để đạt hiệu quả. Quan tâm này sẽ giúp các em chọn lựa được hướng đi đúng đắn nhất về ngành nghề sau này”, thầy Đỗ Dương Cung nhấn mạnh.
“Sau THCS, học sinh có thể tìm hiểu theo học chương trình 9+ tại các trường cao đẳng nghề. Lợi thế của chương trình này được Chính phủ hỗ trợ 100% học phí, chỉ hơn 3 năm học đã có bằng cao đẳng chính quy và chứng nhận hoàn thành chương trình THPT, người học có thể liên thông tiếp lên bậc ĐH nếu có nhu cầu hoặc ra trường tham gia vào thị trường lao động với cam kết có việc làm”, ThS. Nguyễn Minh Hà (Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn) cho biết. |
Để đặt nguyện vọng tuyển sinh lớp 10 một cách hiệu quả, ông Nguyễn Nhân Nghĩa khuyên, người học có thể cân nhắc, tính toán chọn lựa các trường ở nguyện vọng 2 chênh lệch nguyện vọng 1 là 1 điểm; nguyện vọng 3 chênh lệch nguyện vọng 2 khoảng 2 điểm. Đối với học sinh thi chuyên thì ngoài 3 nguyện vọng thường, các em có thêm 4 nguyện vọng chuyên. Trong đó, nguyện vọng 1, 2 là nguyện vọng vào trường THPT chuyên, trường THPT thường có lớp chuyên; nguyện vọng 3, 4 là nguyện vọng thường trong trường chuyên hoặc nguyện vọng tích hợp. Các nguyện vọng bao gồm cả chuyên và thường sẽ được xét theo thứ tự từ trên xuống dưới, học sinh không đậu nguyện vọng chuyên sẽ được xét xuống nguyện vọng thường. “Kiến thức trong đề thi tuyển sinh vẫn dựa theo những kiến thức mà học sinh đã học, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Trong điều kiện dịch bệnh, đề thi cũng sẽ có những điều chỉnh để phù hợp như giảm nhẹ mức độ vận dụng cao, nội dung bám sát thực tế hơn để tạo sự nhẹ nhàng hơn cho học sinh. Quan trọng là các em phải biết sắp xếp được thời gian học tập, có định hướng để phấn đấu”, ông Nguyễn Nhân Nghĩa chia sẻ.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)