Nghị quyết 98 (NQ98) của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã tạo ra cơ hội lớn để TP thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực GD-ĐT. NQ không chỉ là một cơ chế mà sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững, toàn diện giáo dục tại TP.HCM và lan tỏa tích cực trên phạm vi vùng, toàn quốc.
Với Nghị quyết 98, các trường ĐH dễ dàng mời giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy. Ảnh: M.Tâm
Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho giáo dục
Ông Lê Thái Thường Quân – Trường ĐH Mở TP.HCM – cho rằng, TP có thể vận dụng NQ98 để hình thành các chính sách giáo dục. Hiện nay, đột phá huy động nguồn lực chuyên gia từ nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục chưa hiệu quả bởi việc xin giấy phép gặp rất nhiều vướng mắc, thậm chí các trường thuộc Bộ GD-ĐT còn phải xin lòng vòng nhiều ngành. Do đó, TP nên có những kiến nghị thay đổi về việc này dựa trên cơ sở các cơ chế, chính sách của NQ98. Từ đó, vận dụng linh hoạt, hiệu quả; đồng thời tích cực đóng góp kiến nghị trong hình thành chính sách nói chung. Các trường ĐH cũng mong TP hỗ trợ để tham gia vào các chính sách trong bối cảnh hiện nay.
Nhiều nhà quản lý giáo dục nhận định, NQ98 dành nhiều sự tập trung vào việc mở cơ chế thu hút đầu tư và xã hội hóa trong lĩnh vực GD-ĐT. NQ98 mở ra cơ hội cho cả cộng đồng, từ doanh nghiệp đến cá nhân, đóng góp vào sự phát triển của GD-ĐT và nghiên cứu; đồng thời hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Đặc biệt, NQ thể hiện rất rõ tinh thần hợp tác giữa hai khu vực công – tư trong đầu tư phát triển GD-ĐT và mở rộng đến hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm (R&D).
Theo TS. Phạm Thị Thanh Xuân – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ Ngân hàng, ĐHQG TP.HCM, NQ98 đặt ra các chính sách và ưu đãi để thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP, nhấn mạnh vào sự đầu tư các trung tâm đổi mới sáng tạo và R&D; hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, sinh học, tự động hóa, năng lượng sạch với quy mô vốn từ 3.000 tỷ đồng trở lên. Đáng chú ý, NQ cũng đề ra các tiêu chí ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào hoạt động đào tạo, bao gồm cam kết về đào tạo nguồn nhân lực song song với các hoạt động đầu tư sản xuất, cung cấp dịch vụ. Về mặt thuế, NQ cho phép các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các hoạt động R&D, miễn thuế cho thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 5 năm cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
“NQ98 thể hiện sự nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của đầu tư vào GD-ĐT và R&D như là những động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế – xã hội. NQ thông qua đa kênh hỗ trợ từ trực tiếp đến gián tiếp, từ tài chính đến cơ sở kỹ thuật. Bằng cơ chế này giúp tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự đổi mới và phát triển; đồng thời khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan trong công tác GD-ĐT”, TS. Xuân nói.
Nghị quyết mở ra các định mức đầu tư cho giáo dục
Trong những năm qua, TP.HCM luôn quan tâm đầu tư phát triển giáo dục và đạt được những thành tựu nhất định, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của TP. Tuy nhiên, giáo dục tại TP vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài khó khăn về nhân lực, giáo dục TP còn đối diện với áp lực chất lượng giữa các trường; thách thức về tài chính trong đầu tư cơ sở vật chất; đổi mới giáo dục; số trường mang tư duy giáo dục truyền thống chiếm nhiều hơn so với các trường có ý thức tham khảo nhu cầu giáo dục từ các bên liên quan.
NQ98 mở ra các cơ chế, chính sách nhiều hơn, rộng hơn, toàn diện hơn từ trước đến nay được xem như “chìa khóa” tháo gỡ khó khăn cho giáo dục. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu kỳ vọng, nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng việc triển khai NQ cần liên tục tìm giải pháp vượt qua những thách thức dự kiến xuất hiện trong quá trình triển khai.
TS. Bùi Ngọc Hiền – Học viện Cán bộ TP – đánh giá, NQ98 mở ra các định mức đầu tư cho giáo dục. Từ NQ54 đến NQ98 đều đặt ra nhiều cơ chế ưu tiên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn có thể va đập, xung đột giữa các luật. Tuy trách nhiệm xử lý xung đột thuộc các bộ ngành, song TP cũng phải có kiến nghị…
Để triển khai NQ98 hiệu quả, theo TS. Ngọc Hiền, cần xây dựng cơ chế quản trị, các nguồn lực phải thông thoáng vì có tiền chưa chắc đã chi được. Cơ chế phải rõ ràng, mạch lạc, không biến tướng, kiểm soát được sai lệch. Khi xây dựng cơ chế phải đảm bảo tính bền vững, cập nhật độ mở của cơ chế. Đồng thời, đưa ra quy định cảnh báo, kiểm soát, tránh làm méo mó từ khóa “thí điểm”. Cài đặt quy định trách nhiệm các bên liên quan. Đặc biệt, phải thay đổi tư duy trong thực hiện phương thức đối tác công – tư, công khai mời gọi tham gia dự án…
Đồng quan điểm, TS. Trịnh Thục Hiền – Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM – cho rằng, đầu tư theo phương thức đối tác công – tư là một hình thức cấp vốn tiềm năng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, để có thể thực hiện đầu tư theo phương thức PPP, các cơ sở giáo dục cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, quy trình, năng lực quản lý và thực hiện dự án.
“Một số thách thức đặt ra đối với đầu tư theo phương thức công – tư trong lĩnh vực giáo dục ĐH là khó khăn trong việc lựa chọn dự án và loại hình hợp đồng phù hợp, quy trình đầu tư phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực, thiếu kinh nghiệm thực tế trong triển khai dự án”, TS. Thục Hiền nêu.
Ngoài ra, các đại biểu còn chỉ ra một số thách thức, khó khăn khi triển khai NQ98 nhất là trong bối cảnh kinh tế – xã hội đang biến đổi nhanh chóng. Đó là việc huy động nguồn lực tài chính; việc đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan, từ các cơ quan Chính phủ đến doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục; việc áp dụng các chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính…
Linh Anh
Bình luận (0)