- 1 Triển khai nghị quyết Hội nghị lần thứ 11
Sáng 16-4 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trước đó, chiều 12-4, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khóa XIII đã bế mạc.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Sau 3 ngày (từ ngày 10 đến 12-4) làm việc khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao, các đồng chí Trung ương đã thảo luận hết sức dân chủ, lắng nghe, trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề mới, hệ trọng và thống nhất rất cao những nội dung quan trọng, cốt lõi. Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết thông qua nghị quyết hội nghị với tỉ lệ tuyệt đối. Có thể khẳng định, Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Rất nhiều đồng chí Trung ương đề nghị Bộ Chính trị ghi nhận đây là Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới của nước ta…”.
Theo Tổng Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao các chủ trương về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố). Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương) với tên gọi và trung tâm hành chính – chính trị xác định theo các nguyên tắc nêu tại các tờ trình và đề án; kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sau khi Quốc hội quyết nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi); sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.
Đồng ý chủ trương lập tổ chức Đảng ở địa phương tương ứng với hệ thống hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động của các Đảng bộ cấp huyện; việc lập tổ chức Đảng ở địa phương thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng, quy định của Trung ương.
Với mô hình tổ chức hành chính mới, cấp tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương, chính sách từ Trung ương, vừa là cấp ban hành chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố và trực tiếp chỉ đạo, quản lý các hoạt động của cấp xã trên địa bàn. Cấp xã chủ yếu là thực hiện chính sách từ cấp Trung ương và cấp tỉnh ban hành; được tăng cường phân cấp phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp mình.
Thống nhất chủ trương sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã nêu tại tờ trình và đề án của Đảng ủy MTTQ Việt Nam, các đoàn thể Trung ương; chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang, giảm mức đóng góp công đoàn phí của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đồng ý chủ trương tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân (TAND), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND); kết thúc hoạt động của TAND, VKSND cấp cao và cấp huyện; xác lập hệ thống tổ chức TAND, VKSND có 3 cấp là: TAND và VKSND Tối cao; TAND và VKSND câp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và khu vực (hệ thống tòa án và viện kiểm sát quân sự giữ nguyên mô hình hiện nay).
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước liên quan đến các quy định về chính quyền địa phương phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; các quy định về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội; bảo đảm hoàn thành trước ngày 30-6-2025; có hiệu lực từ ngày 1-7-2025; quy định thời gian chuyển tiếp để bảo đảm hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với kế hoạch, lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập…
“Trung ương yêu cầu, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan phối hợp triển khai chặt chẽ có hiệu quả các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế. Tập trung cao độ để thực hiện tốt các nhiệm vụ này…”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Hòa Triều
Bình luận (0)