Tổ chức ôn tập phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh
Một trong những nội dung được đặc biệt chú trọng là công tác ôn tập cho học sinh lớp 12. Với nội dung này, ông Đặng Quang Ngàn cho biết, Sở GD&ĐT yêu cầu, trên cơ sở đăng ký của học sinh, các trường THPT thực hiện các giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh theo định hướng ra đề thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.
Trong quá trình tổ chức ôn tập, cần hướng dẫn học sinh vận dụng, lựa chọn các phương pháp ôn tập phù hợp với nội dung của môn học; kết hợp giữa tự kiểm tra đánh giá của học sinh với kiểm tra, đánh giá trong nhóm học tập và kiểm tra của giáo viên bộ môn; chú trọng thu nhận thông tin phản hồi về kết quả ôn tập của học sinh để có điều chỉnh hợp lý, kịp thời.
Việc tổ chức dạy thêm, học thêm (nếu có) để phục vụ ôn thi THPT quốc gia phải thực hiện theo đúng quy định về dạy thêm, học thêm của UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT.
Về chương trình, kế hoạch giáo dục, Sở GD&ĐT yêu cầu cần thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục; hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch thời gian năm học 2015-2016 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Thực hiện nghiêm túc tổ chức cho học sinh đăng ký môn thi
Năm 2016, việc tổ chức đăng ký môn thi cho thí sinh vẫn được thực hiện tùy theo 3 đối tượng: Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp; thí sinh thi tốt nghiệp THPT quốc gia với 2 mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh; thí sinh đã tốt nghiệp nhưng dự thi để xét tuyển vào đại học.
Sở GD&ĐT Hòa Bình đã quán triệt tới các nhà trường, với những thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp đăng ký dự thi 4 môn tối thiểu, gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Những thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được phép lựa chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.
Với đối tượng dự thi với 2 mục đích, đăng ký dự thi 4 môn tối thiểu và đăng ký thêm các môn còn lại phù hợp với phương án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ để có thêm cơ hội vào học ở các trường ĐH, CĐ. Đối tượng cuối cùng chỉ đăng ký các môn thi để xét tuyển sinh.
Thời gian, hình thức thi cũng được thông báo cụ thể. Theo đó, các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lí, thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài mỗi môn là 180 phút.
Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài mỗi môn là 90 phút. Môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm, thời gian làm bài là 90 phút.
Định hướng ra đề thi THPT quốc gia năm 2016 phải được thông báo tới toàn thể giáo viên và học sinh.
Theo đó, đề thi về cơ bản như năm 2015 (được ra theo hướng đánh giá năng lực học sinh, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tiễn và câu hỏi vận dụng, đảm bảo độ phân hóa, đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.
Hải Bình/ GD&TĐ
Bình luận (0)