Một tiết học tiếng Anh tại trường TH Trần Quang Khải (Q.1)
|
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa đưa ra kế hoạch thực hiện Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông, chuyên nghiệp năm học 2012-2013.
Theo kế hoạch, dự toán tổng kinh phí cho đề án này hơn 408 tỉ đồng, trong đó kinh phí dành cho các chương trình đào tạo trên 72 tỉ đồng; kinh phí xây dựng phòng ốc, mua sắm trang thiết bị hơn 336 tỉ đồng (số phòng học tiếng Anh xây cho bậc tiểu học (TH) là 16 phòng, THCS 17 phòng, THPT 19 phòng; số lượng màn hình đa chức năng cần trang bị bậc TH là 275 cái, THCS 143, THPT 82…). Để thực hiện tốt đề án, Sở GD-ĐT yêu cầu các phòng GD-ĐT phải tham mưu cho UBND quận/ huyện thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án. Theo đó, căn cứ vào kế hoạch của Sở GD-ĐT, các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể rồi trình UBND quận/ huyện phê duyệt thực hiện cho từng năm học.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình, chia sẻ: “Hiện nay do đội ngũ giáo viên (GV) còn thiếu, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu nên quận Tân Bình linh động mời GV bản ngữ về sinh hoạt, giao tiếp với GV Việt Nam vào thứ sáu hàng tuần, nhưng GV Việt Nam cứ “chạy” dần. Nguyên nhân là do khả năng giao tiếp còn yếu. Ngoài ra, trong quá trình bồi dưỡng, một số giáo viên xin nghỉ do vướng nhiều lí do khác nhau đã ảnh hưởng đến việc bồi dưỡng…”.
Huyện Nhà Bè cũng gặp những khó khăn tương tự. Ông Nguyễn Trung Khánh, Trưởng phòng GD-ĐT, cho biết: “Nhà Bè đã thực hiện được 100% trường TH dạy một trong 3 chương trình tiếng Anh. Tuy nhiên qua quá trình dự giờ chúng tôi thấy trình độ GV còn yếu, nếu giữ nguyên thì không được. Học sinh học tiếng Anh không đúng phương pháp ngay từ nhỏ thì cũng giống như học tiếng Việt với GV bị ngọng. Cô phát âm sai, trò cũng phát âm sai và khó sửa đổi nếu để lâu”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Với quy mô trường lớp như hiện nay thì khó có thể triển khai Đề án tiếng Anh 2020 của Bộ GD-ĐT một cách rộng rãi. Vì thế chúng ta chú trọng vào bậc TH trước, sau đó tiến tới mở rộng sang bậc THCS. Làm sao sau 3 hoặc 5 năm chất lượng phải thay đổi hoàn toàn”.
Còn việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho GV, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – khẳng định: Một số GV xin nghỉ lớp bồi dưỡng năng lực do Sở GD-ĐT tổ chức để tự bồi dưỡng sẽ mất đi những quyền lợi. Việc bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho GV chứ không nhằm loại trừ ai. GV tham gia được tạo điều kiện về thời gian, chế độ chính sách, kinh phí; được tham gia sinh hoạt chuyên môn do các cấp tổ chức để trao đổi kinh nghiệm và nâng cao trình độ; được cung cấp tài liệu phục vụ giảng dạy, các trang thiết bị dạy học, định mức tiết dạy (TH: 18 tiết/ tuần, THCS 19 tiết/ tuần, THPT 17 tiết/ tuần, GDCN 17 tiết/ tuần, GDTX 17 tiết/ tuần); được chi trả đối với các tiết dạy vượt định mức.
Ông Sơn còn cho biết, nếu GV đạt chuẩn theo yêu cầu thì sở đề nghị UBND TP cấp chế độ tương đương GV dạy trường chuyên (được nhận phụ cấp ưu đãi 70% lương tháng).
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Ưu tiên tuyển giáo viên ngành sư phạm tiếng Anh
Năm học 2012-2013, Sở GD-ĐT TP.HCM dự kiến tuyển 762 giáo viên (GV) tiếng Anh; trong đó ưu tiên tuyển GV tốt nghiệp ĐH Sư phạm, ngành sư phạm tiếng Anh ở các trường ĐH. Yêu cầu đối với các ứng viên như sau: GV tiểu học và THCS phải có chứng chỉ FCE tối thiểu 60 điểm; chứng chỉ TOEFL iBT do Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) cấp tương đương trình độ B2; chứng chỉ IELTS tối thiểu 5.5 điểm; chứng chỉ CAE tối thiểu 45 điểm hoặc các chứng chỉ khác được công nhận tương đương đạt năng lực ngoại ngữ bậc 4 (B2) trở lên theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu… Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT dự kiến tuyển 100 GV bản ngữ với điều kiện phải có bằng cử nhân sư phạm và một trong các chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh cho người nước ngoài như: TESOL, TKT, TEFL… Theo Sở GD-ĐT, từ nay đến năm 2020, phấn đấu mỗi trường có ít nhất một GV bản ngữ.
T.D
|
Bình luận (0)