Những hình ảnh được trưng bày với chủ đề “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 – Lịch sử khắc ghi” đã tái hiện lại khí thế chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Thông qua đó giúp công chúng ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang trong cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Nghi thức khai mạc triển lãm vào sáng 4-1
Cách đây 55 năm, vào đêm 30 rạng sáng ngày 31-1-1968, lời thơ Chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu vang vọng trên Đài Tiếng nói Việt Nam:“Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà/Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên!/Toàn thắng ắt về ta”.
Như lời hiệu triệu, thúc giục quân và dân ta đồng loạt nổ súng trên toàn miền Nam, mở màn Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nắm bắt thời cơ chiến lược, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nêu cao tinh thần chiến đấu, không kể ngày đêm, khẩn trương chuẩn bị mọi công tác; bí mật, bất ngờ đồng loạt nổ súng tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường miền Nam, đặc biệt ở các đô thị lớn như: Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… và các căn cứ quân sự chủ yếu của địch. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một sự kiện lịch sử có tầm vóc lớn lao, đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược quyết định trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
Kỷ niệm 55 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày Lễ lớn TP.HCM đã tổ chức triển lãm “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 – Lịch sử khắc ghi” từ ngày 4 đến 15-1-2023.
Tại Công viên Lam Sơn, đường Đồng Khởi (khu vực phía trước Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) và Hội trường Thống nhất, Ban tổ chức trưng bày mỗi điểm 80 hình ảnh với chủ đề “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 – Lịch sử khắc ghi”. Triển lãm thể hiện khí thế chiến đấu của quân và dân ta từ Chiến dịch giải phóng Nậm Bạc (Thượng Lào) đến những cuộc tiến công diễn ra ở rộng khắp miền Trung và miền Nam trong những ngày Tổng tiến công mùa Xuân 1968. Cùng với đó là sự động viên sức người, sức của hậu phương lớn miền Bắc nhằm chi viện cho chiến trường lớn miền Nam vì mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện hòa bình, thống nhất Tổ quốc.
Đại biểu tham quan triển lãm
Tại đường Đồng Khởi (khu vực đối diện Công viên Chi Lăng), Ban tổ chức cũng trưng bày 50 hình ảnh với chủ đề “Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968”.
Có thể nói, cùng với miền Nam, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn – TP.HCM đã giáng một đòn bất ngờ ngay chính trung tâm sào huyệt của Mỹ ngụy, làm cho ý chí xâm lược của kẻ thù bị lung lay. Mỗi trận đánh, mỗi chiến sĩ biệt động, mỗi địa danh lịch sử đều là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đã làm nên “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”, thể hiện bản lĩnh, ý chí, trí tuệ tuyệt vời với tinh thần sẵn sàng xả thân, hy sinh của đồng chí, đồng bào, chiến sĩ vì khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Ông Trần Thế Thuận – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM khẳng định – 55 năm đã trôi qua nhưng khí thế hào hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn vang vọng, là minh chứng cho truyền thống đấu tranh cách mạng, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Sài Gòn – Gia Định đã được tiếp nối, phát huy trong công cuộc xây dựng và phát triển TP.HCM đi đầu trong sự nghiệp đổi mới: Phát triển công nghiệp trở thành vùng động lực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường thắt chặt mối quan hệ hữu nghị với các nước và địa phương; phát triển y tế, thể dục – thể thao, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.
Đặc biệt là sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách, người lao động, người dân có hoàn cảnh khó khăn góp phần tạo nên hình ảnh đẹp về một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, để thành phố mang tên Bác xứng danh “Đất thép – Thành đồng”, “Niềm tin yêu và tự hào của cả nước”.
Hồ Trinh
Bình luận (0)