Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Triển lãm tranh “Người đàn bà trên sông Ngân” của họa sĩ Đỗ Chung

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 4-10, Trung tâm Unesco Bảo tồn di sản Mỹ thuật Văn hóa Việt Nam đã khai mạc triển lãm tranh “Người đàn bà trên sông Ngân” của họa sĩ Đỗ Chung.


Họa sĩ Đỗ Chung trao chứng nhận tặng tranh cho Trung tâm Unesco Bảo tồn di sản Mỹ thuật Văn hóa Việt Nam và một nhóm thiện nguyện

Triển lãm trưng bày 40 tác phẩm tranh trừu tượng với nhiều kích thước thể hiện tình yêu và cái nhìn của tác giả đối với cuộc sống.

Điều đặc biệt, những tác phẩm tranh trừu tượng này không giới hạn trong việc hiển thị những hình ảnh cụ thể mà thay vào đó chúng tạo ra sự liên tưởng đầy mê hoặc, “mở cửa” cho người xem du hành vào hoang mạc – nơi có “Người đàn bà trên sông Ngân”.

Họa sĩ Đỗ Chung cho biết, xuyên suốt hành trình sáng tạo của ông đều lấy người phụ nữ làm chủ đạo. Những triển lãm trước ông có các chủ đề: “Người đàn bà trên hoang mạc”; “Người đàn bà đi tới mặt trời”; “Người đàn bà trên sông Hằng”… và hôm nay là “Người đàn bà trên sông Ngân”.


Khách tham quan tranh của họa sĩ Đỗ Chung

“Người đàn bà từ xưa đã bị coi thường, không có chỗ đứng trong xã hội nhiều thế kỷ. Người đàn bà thường bị xem chỉ biết bếp núc, quanh quẩn trong nhà, lo cho con cái. Họ phải có cuộc sống bình đẳng, phải được khẳng định giá trị của mình trong xã hội. Đó là điều mà tôi muốn thổi hồn vào tác phẩm để tôn vinh người đàn bà”, họa sĩ Đỗ Chung chia sẻ.

Họa sĩ Đỗ Chung năm nay gần 80 tuổi. Ông sinh ra và lớn lên tại vùng đất Thanh Hóa. Nhìn những bức tranh trừu tượng của ông, người xem luôn cảm nhận được hơi thở sâu lắng của cuộc sống trong từng nét vẽ. Các tác phẩm của họa sĩ Đỗ Chung có nhiều kích thước và đa dạng chủ đề thể hiện đầy đủ mọi khía cạnh của cuộc sống hiện thực và những ước mơ, khao khát của con người.


Họa sĩ Đỗ Chung (thứ 6 từ trái qua) chụp ảnh cùng những người yêu quý ông

Trong những triển lãm của mình, họa sĩ Đỗ Chung luôn coi việc thể hiện bản thân và sự sáng tạo quan trọng hơn việc bán tranh. Trái tim của ông đong đầy khao khát và bàn tay linh hoạt của ông luôn ấm áp, cho phép ông nghiên cứu và khám phá con đường nghệ thuật riêng của mình.

Tranh của họa sĩ Đỗ Chung được nhiều nhà sưu tập Pháp và các nước châu Âu sưu tầm. Hiện tranh của ông đã có mặt ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và nhiều bảo tàng tư nhân khác trên cả nước.

Bà Nguyễn Kim Phiến – Giám đốc Trung tâm Unesco Bảo tồn di sản Mỹ thuật Văn hóa Việt Nam – cho biết, tuy mới thành lập hơn 2 tháng nay nhưng với sứ mệnh, cam kết luôn đồng hành cùng họa sĩ tài năng, hướng đến giá trị bảo tồn di sản, trung tâm đã bắt đầu thực hiện những chương trình hành động. Qua đó nhằm kết nối với các hoạt động sáng tạo nghệ thuật của các họa sĩ, để lưu lại sự tôn vinh những giá trị văn hóa trong thực tại.


Trung tâm Unesco Bảo tồn di sản Mỹ thuật Văn hóa Việt Nam kết nạp hội viên mới

“Đây là lần đầu tiên trung tâm bảo trợ cho một họa sĩ – họa sĩ Đỗ Chung. Ông có tuổi đời đã cao, mắc bệnh hiểm nghèo nhưng với niềm say mê sáng tạo nghệ thuật, ông đã giúp công chúng được thưởng lãm những bức tranh thật đẹp, lối vẽ hiện đại bằng chất liệu sơn dầu. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 10-10 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM”, bà Phiến chia sẻ.

Dịp này, Trung tâm Unesco Bảo tồn di sản Mỹ thuật Văn hóa Việt Nam đã kết nạp thêm 16 hội viên mới. Đây là những người tích cực và xứng đáng trong vai trò giữ gìn, phát huy giá trị di sản mỹ thuật văn hóa của dân tộc.

Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)